Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi xã, phường phải là 'pháo đài' phòng thủ dân sự

Thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, đòi hỏi phải chuyển mạnh từ bị động sang chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa. Mỗi xã, phường phải là 'pháo đài' phòng thủ dân sự; người dân là trung tâm, là chủ thể và là động lực của công tác phòng, chống thiên tai.

Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, diễn ra chiều 24-7.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp tại điểm cầu chính, Văn phòng Chính phủ. Ảnh VPG

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp tại điểm cầu chính, Văn phòng Chính phủ. Ảnh VPG

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường trên cả nước. Tham dự có các Phó Trưởng ban: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

7 tháng đầu năm, thiên tai làm hơn 100 người thiệt mạng

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, năm 2024, thiên tai diễn biến khốc liệt với 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, hàng trăm đợt mưa lớn, dông lốc, mưa đá, động đất, rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng thiệt hại do thiên tai lên tới hơn 91.600 tỷ đồng, làm 519 người chết, mất tích. Riêng cơn bão số 3 (Yagi) được đánh giá là mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông, gây lũ lớn chưa từng có, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả vùng miền.

Từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai tiếp tục có xu hướng cực đoan, trái quy luật. Tính đến ngày 23-7, cả nước đã xảy ra nhiều đợt mưa lũ lớn, dông lốc, sạt lở đất, bão và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung. Đã có 114 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế hơn 553 tỷ đồng.

Thông tin tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo, trong 5 tháng còn lại của năm 2025, Biển Đông có khả năng xuất hiện 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới; mưa lớn tiếp tục xảy ra tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, úng ngập cục bộ, đặc biệt tại vùng núi và đô thị trũng thấp. Một số khu vực có thể chịu ảnh hưởng của lũ lớn, lũ muộn trên các hệ thống sông chính.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương khẳng định đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, coi phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên... Lực lượng quân đội, công an đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, phát huy vai trò tuyến đầu trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…

Để giảm tổn thất trước thiên tai, các bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng, sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, các tỉnh: Nghệ An, Lào Cai, Thái Bình… đề nghị trung ương hỗ trợ nâng cấp hồ chứa, kè chống sạt lở, xây dựng các điểm sơ tán an toàn và tăng cường tập huấn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng cấp xã trong mô hình chính quyền mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố. Ảnh: Kim Nhuệ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố. Ảnh: Kim Nhuệ

Tại Hà Nội, trong bối cảnh vận hành bộ máy mới, thành phố vẫn giữ vững các nguyên tắc "4 tại chỗ", không để trống trách nhiệm, gián đoạn chỉ huy trong phòng, chống thiên tai. Đến thời điểm hiện tại, 100% xã, phường trên địa bàn đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, xây dựng phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng. Đến nay, thành phố đã cập nhật đầy đủ dữ liệu vị trí trọng điểm phòng, chống thiên tai, phương tiện, vật tư và lực...

"3 phải", "6 rõ" - nền tảng trong phòng thủ dân sự

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai. Ảnh: VPG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai. Ảnh: VPG

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long và cơn bão số 3 vừa qua.

Chia sẻ với những mất mát, thiệt hại tại các xã miền núi tỉnh Nghệ An đang bị chia cắt do lũ lớn, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sáng 24-7, Bộ Quốc phòng đã điều trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân. Trước đó, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã trực tiếp đến địa bàn, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó…

Biểu dương nỗ lực, chỉ rõ hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong bối cảnh mới, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cần bảo đảm “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả. Phải chuyển mạnh từ thế bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa. Đây là yêu cầu cấp thiết để thích ứng với tình hình mới, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ “3 phải” trong phòng thủ dân sự: Phòng ngừa từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả; khắc phục hậu quả phải toàn dân, toàn diện, toàn lực lượng cùng vào cuộc. Lãnh đạo xã, phường cần nắm chắc phương án, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động rà soát vật tư, địa điểm đổ thải, sẵn sàng ứng phó các tình huống sạt lở, chia cắt.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; phối hợp tuyên truyền về phòng thủ dân sự; triển khai Hệ thống Tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn…

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ứng phó thảm họa cháy lớn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng, ứng phó sự cố, thảm họa theo quy định; nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng sự cố, thảm họa để kích động chống phá.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả thảm họa thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; cứu trợ đột xuất các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố, thiên tai, thảm họa; chủ trì công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thực hiện nhiệm vụ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông; chỉ đạo, tổ chức xây dựng tài liệu, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến, thông tin truyền thông qua nền tảng mạng xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố, thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp lập Quỹ Phòng thủ dân sự, cân đối ngân sách bố trí cho các dự án đầu tư phát triển thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp hiệu quả tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự; các cơ quan thông tấn, báo chí, nòng cốt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về phòng thủ dân sự, phối hợp xây dựng đề án về công tác này…

Yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải là một "tư lệnh trên chiến trường", chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và nhân dân về công tác phòng thủ dân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc khu là “pháo đài”, là tuyến đầu quyết định thành bại. Do đó, cấp xã phải xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ; lập phương án sơ tán "rõ đến từng nóc nhà”; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất để người dân chủ động, phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả; chủ động hậu cần tại chỗ; tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết…

“Phải hành động quyết liệt hơn, đúng nguyên tắc, rõ ràng từng khâu. Trên hết, người dân phải là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong công cuộc phòng thủ dân sự”

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lưu ý việc tăng cường phối hợp giữa các cấp, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; nhấn mạnh, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là mệnh lệnh cao nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, chỉ có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì chưa đủ, mà người dân phải làm chủ trong công tác phòng thủ dân sự; tin tưởng thời gian tới, bên cạnh bảo vệ tài sản tính mạng của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, cả nước vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp, đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo để cả nước bước vào kỷ nguyên mới giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Kim Nhuệ - TTXVN

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-moi-xa-phuong-phai-la-phao-dai-phong-thu-dan-su-710291.html
Zalo