Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy con người là trung tâm để phát triển
Chiều ngày 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp một số người bạn thân thiết với Việt Nam, đã có đóng góp tích cực, luôn ủng hộ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tham dự cuộc gặp có bà Merle Ratner và một số đồng sự, là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức vận động cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; ông Jay Johnson, người từng tham gia nhóm quân nhân Mỹ đầu tiên chống lệnh điều động tới chiến trường Việt Nam và bị phạt tù 28 tháng; bà Susan Schnall, từng là y tá Hải quân Mỹ cùng chồng dùng máy bay rải truyền đơn kêu gọi binh lính chống lệnh điều động tới Việt Nam; một số thành viên tích cực của các phong trào cánh tả Hoa Kỳ…
Những người bạn Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng cho những lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc, tiến bộ… trên thế giới; bày tỏ ấn tượng với những thành tựu to lớn của Việt Nam sau 35 năm đổi mới; thông báo một số hoạt động đang được triển khai để tiếp tục ủng hộ Việt Nam; trao đổi một số nội dung quan tâm về tình hình Việt Nam, khu vực và quốc tế…
Phát biểu tại đây, gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng tốt đẹp tới những người bạn Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ về định hướng phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam xác định lấy con người làm trung tâm chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; coi giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu…
Việt Nam xác định những vấn đề như biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch COVID-19, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng, an ninh con người… là những vấn đề mang tính toàn cầu, nên cần cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đây cũng là những vấn đề toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, mọi chính sách hướng tới người dân, huy động sự tham gia của người dân.
Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng nhắc lại lịch sử mối quan hệ có nhiều thăng trầm và đột phá giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thậm chí có lúc đối đầu. Hai nước đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, thực hiện mong muốn của nhân dân hai nước với việc bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ hai bên không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của ASEAN, ASEAN và Hoa Kỳ đã cam kết nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Một trong những trụ cột trong quan hệ hai nước là kinh tế, thương mại, đầu tư. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 112 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại Hoa Kỳ-ASEAN (362 tỷ USD) và tăng trưởng mỗi năm từ 17-20% với tiềm năng rất lớn.
Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ chín của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam và gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư sang Hoa Kỳ như Vietcombank, Vinfast, FPT…, đây là những tín hiệu mới trong quan hệ giữa hai nước.
Thông tin về tình hình Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì tăng trưởng năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trên 5% trong quý I năm 2022, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tích cực triển khai các giải pháp để thị trường vốn phát triển lành mạnh, bền vững. Trong dịch bệnh, Việt Nam đã dành khoảng 14 tỷ USD để bảo đảm an sinh xã hội cho khoảng 50 triệu người.
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD). Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước.
Thu Thủy