Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Hoa Kỳ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7. (Ảnh: Lê Phương)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7. (Ảnh: Lê Phương)

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7 với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước.

Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Cảm ơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây gần 80 năm, ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Tổng thống Harry Truman bày tỏ mong muốn hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Thủ tướng dành nhiều thời gian chia sẻ với các đại biểu về con đường phát triển, các yếu tố nền tảng, trụ cột, các chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam về đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm tăng cường hợp tác, đầu tư với Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm tăng cường hợp tác, đầu tư với Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc)

Trong đó, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam "coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần" cũng phù hợp xu hướng thế giới hiện nay.

Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác hiến lược và Đối tác toàn diện với 32 quốc gia; đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đất nước trải qua nhiều đau thương, mất mát nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị bao bây, cấm vận trong thời gian dài, người đứng đầu Chính phủ vui mừng nhận thấy, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2024), thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện rồi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", với rất nhiều nỗ lực của cả hai bên, qua nhiều thăng trầm và đột phá, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã không ngừng được củng cố và phát triển ngày càng tốt đẹp như ngày nay.

Cảm ơn Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng, hai bên đã tích cực xây dựng các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, Thủ tướng đánh giá hai nước đã tiến một bước rất xa và trong quan hệ song phương, có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hai nước, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời tăng năng suất lao động, tạo không gian phát triển mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật với tinh thần "đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển".

Thủ tướng cho rằng, hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. (Ảnh: Lê Phương)

Thủ tướng cho rằng, hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. (Ảnh: Lê Phương)

Việt Nam cũng đang tập trung triển khai các dự án lớn mang tính "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" như nhà máy điện nguyên tử, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các sân bay, cảng biển lớn, hệ thống đường bộ cao tốc, phát triển cả 5 loại hình giao thông vận tải, các trung tâm trung chuyển quốc tế…; bảo đảm cung ứng đủ điện; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia; khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển…

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên.

Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai đất nước và nhân dân hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam tại Việt Nam.

"Tnh hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, không quốc gia nào an toàn nếu quốc gia khác vẫn còn chiến tranh, xung đột, mất mát. Cùng với đó là nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…

Những vấn đề trên đây có tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới.

Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế", người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.

Thủ tướng mong hai nước tiếp tục cách tiếp cận này và cộng đồng doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, tham gia giải quyết các vấn đề này.

Thủ tướng cũng nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

(theo VGP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-de-nghi-phia-hoa-ky-khan-truong-xem-xet-cong-nhan-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong-295279.html
Zalo