Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru trước bài toán mất thế đa số tại Thượng viện

Mặc dù việc liên minh cầm quyền Nhật Bản để mất vị thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử cuối tuần qua không quyết định vận mệnh Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Ishiba Shigeru, nhưng phản ánh nhiều điều đáng lo ngại về tâm lý công chúng.

Kết quả này cũng mang lại muôn vàn thách thức cho chính phủ hiện nay, thậm chí sẽ dẫn tới những thay đổi to lớn trong chính sách ngoại giao và an ninh – quốc phòng của Tokyo.

Tòa nhà quốc hội Nhật Bản.

Tòa nhà quốc hội Nhật Bản.

Tâm lý tiêu cực của công luận

Điều đầu tiên mà thất bại lần này của Liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) và đảng Công minh (Komei) cho thấy là việc cử tri Nhật Bản đã mất kiên nhẫn trước nhiều chính sách của Chính phủ hiện nay. Trong đó, nặng nề nhất là các vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội, bao gồm vật giá leo thang, thu nhập thực chất của người lao động giảm, gánh nặng bảo hiểm gia tăng… Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng gạo vẫn chưa có hồi kết hiện nay là “giọt nước làm tràn ly”.

Nghiêm trọng hơn, khi bên cạnh sự mất kiên nhẫn còn là sự giảm sút lòng tin của công chúng đối với Liên minh cầm quyền. Lòng tin này vốn đã bị tổn thương từ nhiều năm nay, mà bằng chứng rõ nhất là thất bại của Liên minh cầm quyền trong bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần thứ 50 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái. Đi kèm với sự giảm sút lòng tin này là những hoài vọng về một sự thay đổi. Cử tri Nhật Bản thực sự mong muốn một sự thay đổi về gốc rễ trong lòng giới chính trị và cả xã hội, khi sự già cỗi của Nhật Bản, bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đang ngày một trầm kha.

Tuy nhiên, hoài vọng này lại dẫn đến một sự thất vọng, khi công luận mất kiên nhẫn và giảm sút lòng tin với Liên minh cầm quyền, nhưng lại vẫn chưa tìm được tác nhân nào khả dĩ để thay thế. Nhìn từ thực tế quá trình tranh cử vừa qua, có thể thấy rõ điều này. Phe đối lập liên tục chỉ trích các quyết sách của liên minh cầm quyền, nhưng cũng không đưa ra được biện pháp khả thi nào. Tất cả các biện pháp do các ứng viên đối lập đưa ra chỉ mang tính tình thế, giải quyết được cái này thì mất cái khác.

Ví dụ như giải pháp miễn giảm thuế tiêu dùng (VAT). Giải pháp này có thể góp phần cải thiện sinh hoạt của người dân, nhưng sẽ dẫn đến thất thu ngân sách. Mà thất thu ngân sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh – quốc phòng và phòng chống thiên tai. Theo đó, người dân Nhật Bản sẽ được hưởng lợi trước mắt với biện pháp này, nhưng sẽ bị đối mặt với những mối đe dọa lâu dài, trong đó thiên tai là hiểm họa nhãn tiền. Có thể nói, thất bại của Liên minh cầm quyền phản ánh một phức cảm khó giải thích bằng ngôn từ của cử tri Nhật Bản.

Thách thức và khó khăn chồng chất

Thất bại lần này mang lại thách thức và khó khăn rất lớn đối với cá nhân Thủ tướng Ishiba Shigeru và chính phủ của ông. Thách thức đầu tiên là phải chia sẻ quyền lực. Để thông qua một quyết sách mới, thay vì chỉ cần nội bộ Liên minh cầm quyền thống nhất, quyết định là đủ như khi kiểm soát được Lưỡng viện Quốc hội, thì nay, cần có thêm ý kiến và sự thỏa hiệp, ủng hộ của phe đối lập. Để có được sự ủng hộ từ phe đối lập thì phải trả một giá nào đó. Sự chia sẻ quyền lực này sẽ rất dễ dẫn tới sự phân tán quyền lực ngoài mong muốn và không kiểm soát nổi, kèm theo đó là những hệ lụy khó lường.

Thủ tướng Ishiba tại họp báo trực tuyến trong bầu cử. (Ảnh: Jiji Press)

Thủ tướng Ishiba tại họp báo trực tuyến trong bầu cử. (Ảnh: Jiji Press)

Bên cạnh đó, còn là tham vọng giành vị trí đảng cầm quyền của phe đối lập. Từ trước đến nay, đảng Dân chủ lập hiến – đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản do nguyên Thủ tướng Noda Yoshihiko đứng đầu, chưa bao giờ giấu giếm và luôn nêu cao mục tiêu trở thành đảng cầm quyền. Và hiện nay, khi phe đối lập chiếm được vị thế đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện, mục tiêu này đã lọt vào tầm với của ông Noda.

Việc đối phó với những nỗ lực của phe đối lập, trong khi lòng tin của công chúng giảm sút và hàng loạt các vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội, an ninh… cần giải quyết gấp rút đang chồng chất như hiện nay, quả là điều không hề dễ dàng với bất cứ cá nhân nào hoặc chính đảng nào. Đặc biệt, thất bại này còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế ngoại giao và kinh tế đối ngoại của Nhật Bản. Ngày hôm qua, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, báo chí Mỹ đã đăng tải thông tin về điều này, trong đó nhận định, thất bại của Liên minh cầm quyền Nhật Bản có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đàm phán thuế quan Mỹ - Nhật.

Và cũng trong ngày hôm qua, trước khi lên đường sang Washington để tiến hành vòng đàm phán cấp bộ trưởng lần thứ 8 với phía Mỹ, đặc phái viên đàm phán của Thủ tướng Nhật Bản – Bộ trưởng Akazawa Ryosei cũng thừa nhận những khó khăn sắp phải đối diện. Giới phân tích chính trị Nhật Bản còn dự báo, nếu Thủ tướng Ishiba không vững tay chèo, nguy cơ LDP trở thành đảng đối lập, như tiền lệ đã từng xảy ra vào tháng 9/2009, là không nhỏ.

Những yếu tố “vạn biến” và “bất biến”

Ngoài những khó khăn đối với Thủ tướng Ishiba, sự trỗi dậy của phe đối lập chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều thay đổi trong chính sách ngoại giao và an ninh – quốc phòng của Nhật Bản. Như đã nêu trên, để thông qua một quyết sách mới, chính phủ Nhật Bản cần có thêm ý kiến của phe đối lập. Những ý kiến của phe đối lập thậm chí còn làm thay đổi bản chất một số sách lược ngoại giao của Nhật Bản.

Trong đàm phán thương mại với Mỹ, phe đối lập đã nhiều lần chỉ trích chiến thuật đàm phán của Thủ tướng Ishiba. Các chính trị gia đối lập còn yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải có thái độ cứng rắn hơn. Theo đó, chiến thuật và chiến lược đàm phán của Nhật Bản sẽ có những thay đổi lớn. Những thay đổi này có tác dụng đến đâu, vẫn chưa có gì để kiểm chứng, nhưng chắc chắn sẽ làm Thủ tướng Ishiba và chính phủ của ông “đau đầu” hơn, khi lĩnh vực ngoại giao và kinh tế đối ngoại bị lồng ghép một cách ngoài ý muốn vào vấn đề nội chính.

Sự nổi lên của đảng Sanseito, hay còn gọi là đảng Tham chính, cũng sẽ khiến chính sách ngoại giao của Nhật Bản bị thay đổi, đặc biệt là về vấn đề người nước ngoài tại Nhật Bản. Chủ tịch đảng này - ông Kamiya Sohei nêu cao khẩu hiệu “Japanese First” (người Nhật trên hết). Trong đó, nhấn mạnh sẽ hạn chế việc tiếp nhận người nước ngoài vào Nhật Bản. Phương châm này được đón nhận do cử tri Nhật Bản đang chỉ trích chính phủ dành quá nhiều ưu ái cho người nước ngoài. Vì vậy, với sự tham gia sâu của đảng Tham chính vào việc hoạch định chính sách, các quy chế của Nhật Bản về người nước ngoài sẽ trở nên khắt khe hơn hiện nay.

Tuy nhiên, có hai vấn đề sẽ ít thay đổi. Thứ nhất là về mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ. Do Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này có quân đội và tham gia chiến tranh, nên Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để tự vệ, do đó tất cả các chính đảng đều có chung quan điểm về điều này. Thứ hai là quan hệ với Việt Nam. Các chính đảng của Nhật Bản tuy có quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách khác nhau, nhưng có một điểm đồng nhất, đó là luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam. Vì vậy, đây sẽ là 2 “bất biến” trong “vạn biến” sắp diễn ra tới đây tại Nhật Bản.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thu-tuong-nhat-ban-ishiba-shigeru-truoc-bai-toan-mat-the-da-so-tai-thuong-vien-post1216760.vov
Zalo