Thủ tướng Netanyahu cô đơn trong sóng dữ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có. Không chỉ chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế trước các chính sách quân sự cứng rắn và những động thái gây leo thang xung đột ở Trung Đông, ông còn đối diện với sự bất mãn ngày càng tăng trong nội bộ đất nước, từ các đồng minh chính trị đến người dân.

Điều này đã đẩy ông Netanyahu vào tình thế "một mình chống lại thế giới" - nơi mà mỗi bước đi đều chứa đựng rủi ro chính trị lẫn chiến lược.

Xung đột leo thang và hậu quả thảm khốc

Kể từ khi Israel đẩy mạnh chiến dịch quân sự bằng cách đưa quân đội trực tiếp đổ bộ vào Gaza từ tháng 10/2023 và các vùng lãnh thổ khác sau đó, số lượng thương vong dân thường đã lên đến mức báo động.

Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant quay lưng lại với nhau.

Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant quay lưng lại với nhau.

Theo số liệu của Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), từ đầu chiến dịch, hơn 12.000 dân thường đã thiệt mạng tại Gaza, trong đó hơn 60% là phụ nữ và trẻ em. Những hình ảnh khu dân cư đổ nát, bệnh viện quá tải, người dân phải sống trong điều kiện khắc nghiệt đã gây ra làn sóng phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International đã mạnh mẽ lên án các hành động này, gọi đây là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế". Đồng thời, làn sóng biểu tình phản đối Israel đã lan rộng ở các thành phố lớn từ châu Âu đến Mỹ Latinh.

Cuộc sống của phần lớn người dân tại Gaza đang hoàn toàn phụ thuộc vào các hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc. Nhưng, tình hình đặc biệt nghiêm trọng hơn khi ngày 28/10 vừa qua, Israel đã đưa ra lệnh cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc (UNRWA) dành cho người tị nạn Palestine hoạt động trên lãnh thổ của mình. Điều này càng khiến cho các hoạt động cứu trợ người dân trở nên khó khăn hơn. Tổng Giám đốc UNRWA, ông Philippe Lazzarini đã cảnh báo rằng lệnh cấm hoạt động đối với cơ quan này của Israel có thể gây ra "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng". UNRWA nhấn mạnh rằng “quyết định của Israel vi phạm luật pháp quốc tế và làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã nghiêm trọng ở Gaza, nơi hàng triệu người phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để sống sót”.

Những cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lan rộng trong nước.

Những cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lan rộng trong nước.

Cộng đồng quốc tế, vốn từng hỗ trợ Israel mạnh mẽ, nay cũng thể hiện sự không hài lòng. Tổng thống Mỹ Joe Biden, một đồng minh lâu năm của Israel, đã công khai kêu gọi Thủ tướng Netanyahu kiềm chế, nhấn mạnh: “Một cuộc chiến không có giới hạn không thể tạo ra hòa bình lâu dài”. Liên minh châu Âu (EU) cũng gia tăng áp lực với chính quyền Israel nhằm nới lỏng cho các hoạt động nhân đạo.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thẳng thừng tuyên bố: “Tính mạng dân thường không bao giờ được trở thành con số phụ trong chiến lược chính trị”. Tuy nhiên, ông Netanyahu không chỉ bỏ ngoài tai các chỉ trích mà còn đẩy mạnh chiến dịch quân sự, khẳng định rằng mục tiêu chính của ông là đảm bảo an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ Hamas, Hezbollah và các lực lượng thù địch khác trong khu vực.

Áp lực từ nội bộ

Trong nước, ông Netanyahu cũng đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ cả người dân lẫn các đồng minh chính trị. Cuộc cải cách tư pháp đầy tranh cãi hồi đầu năm 2024 giúp ông tiếp tục cầm quyền đã thổi bùng làn sóng biểu tình trên toàn quốc, với hàng trăm nghìn người xuống đường yêu cầu ông từ chức. Giờ đây, các cuộc biểu tình còn lan rộng hơn khi xung đột quân sự khiến hàng nghìn người Israel thiệt mạng do các cuộc tấn công trả đũa từ lực lượng đối địch.

Những hình ảnh tàn khốc từ Gaza làm suy giảm sự ủng hộ Israel trên trường quốc tế.

Những hình ảnh tàn khốc từ Gaza làm suy giảm sự ủng hộ Israel trên trường quốc tế.

Bất đồng trong nội các cũng làm suy yếu vị thế của ông Netanyahu. Việc ông cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant hồi tháng 10/2024 do bất đồng quan điểm về cách xử lý xung đột đã phô bày sự rạn nứt trong liên minh cầm quyền. Ông Gallant dù là đồng minh lâu năm của thủ tướng nhưng cũng đã từng tuyên bố trước Quốc hội Israel: “Một nhà lãnh đạo không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà bỏ qua nhu cầu ổn định và đoàn kết trong nước”.

Những bất ổn này đã khiến sự ủng hộ dành cho chính phủ của ông Netanyahu giảm sút đáng kể. Theo khảo sát từ các cơ quan thăm dò ý kiến tại Israel, tỷ lệ ủng hộ ông hiện chỉ còn khoảng 25%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các đảng đối lập trong Knesset (Quốc hội Israel) đang không ngừng gia tăng áp lực để tổ chức bầu cử sớm, với lý do ông Netanyahu đã thất bại trong việc bảo vệ lợi ích của người dân Israel và đánh mất sự tín nhiệm.

Vì sao ông Netanyahu chọn cách tiếp cận cứng rắn?

Dù đối mặt với áp lực từ nhiều phía, ông Netanyahu vẫn kiên định với chiến lược cứng rắn của mình. Trước hết, là một chính trị gia bảo thủ, ông luôn đặt an ninh quốc gia lên trên hết. Ông cho rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Hamas hoặc các nhóm đối địch khác sẽ làm suy yếu vị thế của Israel, đồng thời khuyến khích thêm các cuộc tấn công.

Ông Netanyahu quyết tâm duy trì hình ảnh mạnh mẽ của mình như một người bảo vệ đất nước.

Ông Netanyahu quyết tâm duy trì hình ảnh mạnh mẽ của mình như một người bảo vệ đất nước.

Ông lập luận rằng biện pháp ngoại giao và trừng phạt đã thất bại, do đó, các hành động quân sự mạnh mẽ là cần thiết để bảo vệ đất nước. Việc Israel tấn công các vị trí của Iran tại Syria và nỗ lực làm suy yếu Hamas thể hiện quyết tâm này. Đây là quan điểm chính trị cốt lõi mà Thủ tướng Netanyahu theo đuổi bất chấp những ý kiến phản đối từ nhiều phía. Ông Netanyahu luôn tin rằng chiến lược cứng rắn là cách duy nhất để bảo vệ những gì ông coi là lợi ích lâu dài của Israel đặc biệt là việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây.

Một lý do khác khiến ông Netanyahu kiên trì theo đuổi đường lối cứng rắn của mình chính là để tự bảo vệ vị thế chính trị. Sau hàng loạt vụ bê bối tham nhũng và phiên tòa xét xử, Netanyahu cần một “thành tựu” để lấy lại lòng tin từ cử tri. Việc thể hiện mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn có thể giúp ông giữ vững sự ủng hộ từ các nhóm cử tri bảo thủ.

Giáo sư Eyal Zisser của Đại học Tel Aviv nhận định rằng: “Trong bối cảnh Chính phủ Israel đối mặt với những thách thức chính trị từ nhiều hướng, việc kích động xung đột quân sự mang lại lợi thế chiến lược cho ông Netanyahu. Nó không chỉ củng cố vị thế của ông trước các đối thủ mà còn làm lu mờ những chỉ trích về quản lý và chính sách đối nội”.

Tuy nhiên, ông Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel cho rằng: “Ông Netanyahu đang chơi một ván bài nguy hiểm. Ông có thể giữ vững vị thế trong ngắn hạn, nhưng hậu quả dài hạn sẽ rất khó lường”.

Bản thân chính sách cứng rắn của ông Netanyahu cũng đem đến những “nguy cơ tiềm tàng”. Sự bất mãn ngày càng tăng trong nước có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, thậm chí là nguy cơ mất chức của ông. Nguy hiểm hơn là sự cô lập từ cộng đồng quốc tế có thể khiến Israel mất đi các nguồn hỗ trợ quan trọng về quân sự và tài chính. Một số nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu kêu gọi xem xét lại viện trợ quân sự hằng năm trị giá 3,8 tỷ USD cho Israel. Trong khi đó, các quốc gia Arab lân cận như Ai Cập và Jordan, vốn là đối tác hòa bình của Israel, cũng ngày càng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hơn.

Ngày 21/11, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã đưa ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột tại Gaza. Không ít các quốc gia trên thế giới sau đó đã thông báo sẽ tuân thủ lệnh bắt của ICC, điều này đã làm tổn hại nghiêm trọng vị thế của ông Netanyahu cũng như nhà nước Israel trong mắt cộng đồng quốc tế.

Chiến lược leo thang quân sự mà ông Netanyahu vẫn kiên trì theo đuổi không chỉ gây thiệt hại nhân đạo mà còn làm gia tăng nguy cơ khủng bố trong khu vực. Theo các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), sự gia tăng xung đột có thể tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan khác, như ISIS, trỗi dậy tại Trung Đông. Tất cả những yếu tố này đang đẩy ông Netanyahu vào tình thế vô cùng “nguy hiểm”. Bà Amal Ahmed, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Oxford, nhận định: “Sự cứng rắn của ông Netanyahu không chỉ phản ánh ý thức hệ cá nhân mà còn là sự thất bại trong việc tìm ra một chiến lược bền vững cho hòa bình”.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang đứng trước một tình thế khó khăn, mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến tương lai của Israel và cả số phận của chính ông. Việc lựa chọn tiếp tục theo đuổi các chính sách cứng rắn có thể giúp ông củng cố vị trí lãnh đạo mạnh mẽ ngắn hạn nhưng cũng đồng thời khiến ông bị cô lập. Tuy vậy, dường như đây cũng là lựa chọn duy nhất của ông ở thời điểm này: kiên trì đến cùng đề chờ đợi một thắng lợi quyết định.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/thu-tuong-netanyahu-co-don-trong-song-du-i751629/
Zalo