Thủ tướng: Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại

Trong 2 ngày 14 và 15/7, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng trong phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra sáng 15/7.

Đại hội là hoạt động chính trị đặc biệt quan trọng của toàn ngành ngoại giao, không chỉ kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mặt công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường 80 năm triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và tổng kết, đánh giá những đóng góp của công tác đối ngoại sau gần 40 năm Đổi mới.

Đại hội là hoạt động chính trị đặc biệt quan trọng của toàn ngành ngoại giao.

Đại hội là hoạt động chính trị đặc biệt quan trọng của toàn ngành ngoại giao.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội với tính chiến đấu cao, khát vọng lớn, tinh thần đổi mới mạnh mẽ.

Thủ tướng cũng ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo đại hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo đại hội.

Nhìn lại tổng thể hoạt động đối ngoại, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh về một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Trước hết là giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, giữa Bộ Ngoại giao với các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, phải nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; do đó, cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, tự tin, kiên trì, kiên định với đường lối cơ bản đã xác định nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, luôn sáng suốt, tỉnh táo trong xử lý các công việc, không hoang mang lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là.

Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thủ tướng đồng thời gợi mở, phân tích, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và thảo luận trong Đại hội.

Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đại hội có sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ 98 cấp ủy trực thuộc ở trong nước, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội có sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ 98 cấp ủy trực thuộc ở trong nước, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Thứ hai, tiên phong, nòng cốt, chủ động, tích cực, sáng tạo hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; hoàn thiện lý luận, làm sâu sắc thêm trường phái "ngoại giao cây tre" với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến"; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra (tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).

Thứ ba, theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ về mặt chiến lược, về những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh trong thực hiện đường lối đối ngoại, đặc biệt là nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về "đối tác, đối tượng".

Thứ tư, góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa đường lối đối ngoại và đối nội trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện 3 trụ cột phát triển đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), 3 đột phá chiến lược, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, "sắp xếp lại giang sơn" và các nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nhanh nhưng bền vững; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Quang cảnh đại hội.

Quang cảnh đại hội.

Thứ năm, góp phần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; biến các danh hiệu, di sản văn hóa thành nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, khát vọng, đam mê, cống hiến và hy sinh của đội ngũ cán bộ ngoại giao, với niềm tin thắng lợi, niềm tin vào chính nghĩa, vượt qua giới hạn của bản thân mình; mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Bộ Ngoại giao quán triệt sâu sắc, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng ngành Ngoại giao.

Nổi bật là, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng thành các chủ trương, chiến lược, định hướng, chính sách quan trọng về đối ngoại; triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh đối ngoại.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Mở rộng, nâng tầm, nâng cấp và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; trên cơ sở đó, đã kiến tạo và củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành Ngoại giao đạt kết quả toàn diện. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc được đổi mới mạnh mẽ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên các cấp ngày càng nâng cao; bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tăng cường.

Đặc biệt, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc hợp nhất với Đảng ủy Ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương, tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thông suốt.

Theo quyết định của Đảng ủy cấp trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-tuong-moi-can-bo-ngoai-giao-phai-la-mot-chien-si-tien-phong-tren-mat-tran-doi-ngoai-204250715141558074.htm
Zalo