Thủ tướng chỉ đạo xử lý vướng mắc của doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý thông tin báo nêu về các vướng mắc của doanh nghiệp do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chế biến sâu cà phê và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Vướng mắc nhiều nhất liên quan đến thủ tục hành chính
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6889/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin báo nêu về các vướng mắc của doanh nghiệp do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo báo chí phản ánh, tại Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị diễn ra ngày 14/7, các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp đã tổng hợp được hàng trăm phản ánh của các doanh nghiệp đa dạng trong nhiều ngành, lĩnh vực đang gặp vướng mắc cả trong quy định lẫn quá trình thực thi.
Vướng mắc nhiều nhất liên quan đến thủ tục hành chính không rõ ràng, không cần thiết, chưa có hướng dẫn thực thi, thậm chí là can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều hồ sơ vẫn được hướng dẫn theo hướng yêu cầu cung cấp tài liệu giấy.
Đề nghị lập các tổ công tác để tiếp nhận phản ánh các vướng mắc của doanh nghiệp
Điểm chung của các ý kiến gửi tới VCCI là doanh nghiệp mong muốn được biết các vướng mắc sẽ được giải quyết thế nào, cơ chế tiếp nhận, phản hồi, giải trình ra sao.
Thực tế, có nhiều kiến nghị liên quan đến các văn bản được ban hành từ 10-15 năm trước, được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần, nhưng đến giờ vẫn chưa được tháo gỡ.
Doanh nghiệp bày tỏ lo lắng khi tốc độ sửa đổi các văn bản đang rất nhanh, nhiều văn bản vừa được ban hành đã có trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung.
Doanh nghiệp đề nghị lập các tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, sau đó phối hợp với các bộ, ngành được giao soạn thảo để nghiên cứu, xem xét.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét và xử lý theo thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/8/2025.
Nghiên cứu thông tin về chế biến sâu cà phê Việt Nam và xuất khẩu cá ngừ gặp khó
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6885/VPCP-NN ngày 23/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh đẩy mạnh chế biến sâu cà phê Việt Nam và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về đẩy mạnh chế biến sâu cà phê Việt Nam và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Theo phản ánh, kim ngạch xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2025 đạt mức kỷ lục, với sự gia tăng xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến – cho thấy xu hướng đầu tư vào công nghệ và giá trị gia tăng. Dự kiến, cả năm có thể cán mốc 7 tỷ USD, khẳng định vị thế cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, những thách thức như thuế nhập khẩu 20% từ Mỹ và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ EU (EUDR) đòi hỏi ngành phải chuyển mình mạnh mẽ: phát triển vùng trồng chất lượng cao, đẩy mạnh chế biến sâu, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ bền vững.
Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm đặc trưng như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận và thân thiện môi trường để khai thác hiệu quả thị trường EU.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển thương hiệu quốc gia, bảo hộ chỉ dẫn địa lý như “Cà phê Buôn Ma Thuột” và thiết kế lại các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng kể câu chuyện văn hóa cà phê phin, vùng nguyên liệu và sự bền vững trong sản xuất. Đây là nền tảng để cà phê Việt vươn tầm quốc tế một cách bền vững và có trách nhiệm.
Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm nay cho thấy, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức sụt giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt gần 11 triệu đô la Mỹ. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cá ngừ chế biến đóng hộp và thịt/lon cá ngừ đông lạnh.
Tuy nhiên, do không đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu trong nước nên mặt hàng cá ngừ chế biến và đóng hộp mã HS16 lại giảm tới 48%. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có thể dùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước EU để thay thế, nhưng việc này lại làm tăng chi phí đầu vào, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong khi người tiêu dùng Đức lại đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế nước này còn nhiều biến động.
Để giảm rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ khi thuế đối ứng tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu đang mở rộng sang những thị trường lớn khác gồm EU và một số nước châu Á. Để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong cấp chứng từ khai thác để khai thông nguồn cá ngừ nguyên liệu trong nước
Về các vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025, chủ động đề xuất các giải pháp theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, trong đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, phát triển chuỗi liên kết theo mô hình bền vững, tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nhằm giữ vững uy tín và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xử lý thông tin báo nêu về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6909/VPCP-CN ngày 24/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin báo nêu về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có thông tin báo VietnamPlus nêu ngày 20/7/2025 về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Theo bài báo, ngành dệt may Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và duy trì lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển theo chiều sâu, tăng ứng dụng công nghệ, giảm phụ thuộc lao động phổ thông, sử dụng nguyên liệu tái chế như polyester, cotton, viscose, áp dụng công nghệ nhuộm xanh, ít hóa chất, thiết kế sản phẩm từ sợi đơn chất để dễ tái chế.
Chuyên gia cho rằng để nâng cao chất lượng tái chế, cần loại bỏ nguyên liệu thô và vi sợi nhựa ngay từ đầu vào, phát triển vật liệu an toàn, không độc hại, đồng thời ứng dụng công nghệ tái chế tiên tiến và hệ thống phân loại hiệu quả.
Các doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty 28 (Agtex 28) và một số doanh nghiệp như TCM - Dệt may Thành Công, đang đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình khép kín và sản phẩm thân thiện môi trường, hướng tới chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc áp dụng mô hình tuần hoàn còn giúp ngành đáp ứng tiêu chuẩn xanh từ các thị trường lớn như EU, Mỹ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Hà Lan, để vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ hàng loạt quy định như thu gom riêng rác dệt may, hạn chế hóa chất độc hại và thúc đẩy tái chế.
Trong bối cảnh yêu cầu xuất xứ và môi trường ngày càng khắt khe, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỷ USD vào năm 2025 và tiến tới Net Zero toàn cầu.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với ngành dệt may.
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng cho thanh long, hồ tiêu xuất khẩu
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6931/VPCP-NN ngày 24/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin báo nêu về ngành hàng thanh long, hồ tiêu xuất khẩu kêu cứu.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về việc ngành hàng thanh long, hồ tiêu xuất khẩu kêu cứu.
Theo phản ánh, từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động xuất khẩu rau quả sang Liên minh châu Âu (EU) gặp trở ngại lớn khi nhiều lô hàng như thanh long, ớt, đậu bắp bị mắc kẹt vì thiếu giấy tờ theo chuẩn EU.
Hơn 20 ngày qua, tại Bình Thuận cũ, tình trạng ùn ứ kéo dài khiến hàng trăm tấn thanh long chất đầy trong kho lạnh đang bị hư hỏng, bốc mùi vì không thể xuất khẩu. Nguyên nhân là không có cơ quan Nhà nước nào ký giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu.
Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận đã gửi kiến nghị bằng văn bản lên UBND tỉnh Lâm Đồng với mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng gỡ khó cho ngành hàng.
Tình trạng này, nếu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp không dám thu mua, nông dân lo ngại sản xuất sẽ không tiêu thụ được.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu như EU, nơi đang tiêu thụ thanh long chất lượng cao với giá tốt, đã lên tiếng cảnh báo sẽ chuyển sang nhà cung cấp khác nếu Việt Nam không đáp ứng tiến độ giao hàng.
Không chỉ thanh long, ngành hàng hồ tiêu cũng lên tiếng báo động. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, chỉ riêng lượng hàng gia vị đang chờ cấp phép đã lên tới khoảng 250 tấn, trị giá khoảng 2,4 triệu USD. Nếu chậm thêm nữa, hậu quả tài chính sẽ rất nghiêm trọng.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn giải quyết ngay việc xuất khẩu thanh long, hồ tiêu sang Liên minh châu Âu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương ban hành, hướng dẫn đầy đủ quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với với nông sản xuất khẩu (nhất là thanh long và hồ tiêu) phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là EU;
Kịp thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và địa phương khi thực hiện các thủ tục xuất khẩu nông sản;
Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan đảm bảo hàng hóa nông sản đủ điều kiện được xuất khẩu kịp thời, không gây tồn đọng, lãng phí, gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng uy tín với các đối tác quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay nhiệm vụ được phân cấp tại Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.