Thủ tướng Anh: Thật buồn khi rời bỏ công việc tốt nhất thế giới
Thủ tướng Boris Johnson ngày 7/7 tuyên bố từ chức trong bài phát biểu tại số 10 phố Downing, sau nhiều sức ép khi các quan chức chính phủ lần lượt rời đi trong 3 ngày qua.
Phát biểu trước toàn quốc, ông Boris Johnson cho biết sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời sẽ từ chức thủ tướng sau khi đảng chọn ra người kế nhiệm.
Ông Johnson cảm ơn những người đã bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
"Lý do tôi cố gắng đấu tranh trong những ngày qua để tiếp tục công việc không phải chỉ vì tôi muốn làm như vậy, mà vì tôi cảm thấy đó là công việc của tôi, nghĩa vụ của tôi đối với người dân", ông Johnson nói.
Ông nói mình tự hào về những gì đã làm được, bao gồm đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đưa đất nước vượt qua đại dịch và triển khai vaccine nhanh nhất ở châu Âu.
"Thật buồn khi phải từ bỏ công việc tuyệt vời nhất thế giới", ông nói, cho biết thêm sẽ hỗ trợ hết mức cho người kế nhiệm.
"Với các bạn, người dân nước Anh, tôi biết rằng sẽ có nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm, cũng sẽ có người thất vọng", theo lời thủ tướng Johnson.
Kết bài phát biểu, ông nói rằng: "Dù mọi thứ u ám vào lúc này, tương lai của chúng ta sẽ sáng ngời".
Ngay sau bài phát biểu, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng thủ tướng đã có quyết định đúng đắn. "Chúng ta cần sự bình tĩnh và đoàn kết vào lúc này để tiếp tục điều hành đất nước trong khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới", bà Truss viết trên Twitter.
Sau khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng ngày 7/7, các chính trị gia tiềm năng thuộc đảng Bảo thủ Anh sẽ chạy đua trở thành người thay thế vị trí của ông.
Ít nhất hai chính trị gia - Bộ trưởng Tư pháp Anh và xứ Wales Suella Braverman và cựu Bộ trưởng Brexit Steve Baker - đã bày tỏ ý định tranh cử chức vụ này, theo Guardian.
“Có nhiều người khẩn nài tôi ứng cử, nên tôi đã nghĩ về việc này một cách nghiêm túc”, ông Baker nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/7 với Guardian.
Tờ Telegraph đánh giá ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vào thời điểm này là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak - chính trị gia thường được coi là “người kế vị đương nhiên” của ông Johnson.