Thủ tục đầu tư đặc biệt: 'Luồng xanh' phải thật 'xanh'
Vẫn chưa hết lấn cấn trong tư duy khi thực hiện cơ chế hậu kiểm, thay vì tiền kiểm trong thủ tục đầu tư đặc biệt.
Những câu hỏi dạng như “Cơ quan quản lý cần làm gì, có phải xem xét gì không, có cần có ý kiến gì khi nhà đầu tư gửi thông báo?”, “Có cần tăng mức yêu cầu ký quỹ của nhà đầu tư cho an tâm không?...” tiếp tục được đặt ra tại cuộc làm việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt, diễn ra mới đây tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều đáng nói là các câu hỏi không chỉ đến từ đại diện một số bộ, ngành, ban quản lý các khu công nghiệp, mà còn từ cả doanh nghiệp. Đã có ý kiến đề nghị liệt kê lại những quy định ở luật, ở các văn bản liên quan... trong nghị định, vì “mở quá nên sợ, không dám làm”...
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dường như vẫn chưa được giải tỏa, đang gây áp lực không nhỏ lên quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là thúc đẩy việc thực thi những đột phá về thể chế trong thủ tục đầu tư. Trong cuộc làm việc, nhiều lần, đại diện Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phải nhắc lại nguyên tắc của thủ tục “luồng xanh” là để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà các đầu tư.
Thủ tục đầu tư đặc biệt - thường được gọi là “luồng xanh” - là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày, không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. So với quy trình thủ tục bình thường, thời gian rút ngắn được khoảng 260 ngày.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật số 57) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư đáp ứng điều kiện có thể đăng ký đầu tư theo quy định mới. Không chỉ vậy, thủ tục “luồng xanh” cũng được áp dụng với các dự án đang hoạt động, nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Hiện, Dự thảo Nghị định có 10 điều thiết kế theo hướng quy định chi tiết nội dung cam kết của nhà đầu tư về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy tại văn bản đăng ký thực hiện dự án đầu tư; quy định trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các cam kết và chế tài thực thi. Vai trò của cơ quan quản lý trong thủ tục đặc biệt là chủ động theo dõi, đánh giá, phát hiện và thông báo cho nhà đầu tư những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư; kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư...
Như vậy, cách làm việc “theo quy định, quy trình, thủ tục” một cách máy móc, cứng nhắc sẽ không còn đất. Và cũng rất rõ ràng, cơ hội để các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao mà nền kinh tế Việt Nam đang cần thu hút đầu tư có thể rút ngắn thời gian triển khai, nhanh chóng đưa vào hoạt động đã dần hiện hữu.
Thông điệp “tháo gỡ điểm nghẽn thể chế” ngay lập tức được thực thi, sẽ tạo dấu ấn rất tích cực trong môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, các cơ quan quản lý nhà nước, công chức thực thi phải thay đổi ngay tư duy, cách ứng xử với các dự án trên, tránh tình trạng “luật thì xanh” mà “thực thi lại... đỏ”.