Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: 'Hiện là thời điểm để đưa chứng khoán lên tầm cao mới'
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị cho nhiệm vụ nâng hạng thị trường.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BTC
Bước tiến lớn sau 25 năm phát triển
“Sau quá trình 25 năm phát triển từ con số 0, so với kỳ vọng cũng như mặt bằng chung của khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục hoàn thiện. Nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có quyền tự hào với những gì thị trường đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.
Chúng ta đã xây dựng được một khuôn khổ, hành lang pháp lý vững chắc – nền tảng không thể thiếu để thị trường có thể hình thành và vận hành hiệu quả. Đồng thời, hệ thống các thành viên thị trường cũng không ngừng được củng cố, với tiềm lực tài chính và năng lực chuyên môn ngày càng nâng cao,” ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại tọa đàm Lực đẩy dòng vốn mới do báo Tài chính – Đầu tư tổ chức ngày 23/7.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhìn nhận về phía nhà đầu tư, từ vài trăm cá nhân những ngày đầu tiên, đến nay thị trường đã có gần 10 triệu tài khoản giao dịch, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nếu như trước đây phải đi vận động các doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trên thị trường, ở thời điểm hiện tại, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt trên 60% GDP, có thời điểm chạm mốc 65-70% GDP.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ phục vụ cho thị trường cũng liên tục được đầu tư và nâng cấp. Mới đây, hệ thống công nghệ thông tin KRX chính thức được đưa vào vận hành, góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Việt Nam cũng có một đội ngũ cán bộ quản lý thị trường chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán cũng ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, sự chuẩn bị cho việc thiết lập hệ thống CCP (bù trừ đối tác trung tâm) sẽ mở ra một giai đoạn mới về chuẩn mực và an toàn cho thị trường.
"Sau 25 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đã cùng nhau xây dựng thị trường với nhiều thành công, để đến thời điểm hiện tại là giai đoạn phù hợp để hoạch định tầm nhìn phát triển thị trường lên một tầm cao mới," Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đặt ra những mục tiêu phát triển lớn trong tương lai. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu là trở thành một quốc gia phát triển toàn diện.
“Để hiện thực hóa được những mục tiêu đầy khát vọng đó, điều quan trọng là chúng ta phải xác định rõ hành động cụ thể trong từng lĩnh vực. Đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, yêu cầu đặt ra là phải có bước phát triển đột phá – không chỉ để phục vụ nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp mà còn để huy động hiệu quả các dòng vốn trung và dài hạn cho các dự án quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và công nghệ,” Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thị trường chứng khoán. Ảnh: BTC
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, để thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và nâng tầm hội nhập, cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý. Theo Thứ trưởng, việc rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu cấp thiết. Cần đánh giá toàn diện Luật Chứng khoán 2019, Luật sửa đổi năm 2024 cũng như các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư và các quy chế điều hành thị trường để kịp thời phát hiện những điểm nghẽn, bất cập đang cản trở sự phát triển; từ đó đưa ra những đề xuất sửa đổi phù hợp, tạo nền tảng pháp lý minh bạch, ổn định và thông thoáng hơn cho thị trường vận hành hiệu quả.
Thứ hai là tăng số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường. Hiện nay, việc tìm kiếm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt và chất lượng cao vẫn còn thách thức. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn niêm yết, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, góp phần mở rộng nguồn cung hàng hóa chất lượng.
Thứ ba là phát triển cơ cấu nhà đầu tư. Thứ trưởng đặt vấn đề: cơ cấu nhà đầu tư hiện nay – giữa tổ chức và cá nhân – liệu đã hợp lý? Việc nâng cao tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức sẽ góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dòng vốn. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh đào tạo, phổ biến kiến thức tài chính cho nhà đầu tư cá nhân với sự tham gia không chỉ của cơ quan quản lý mà còn của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.
Thứ tư là hỗ trợ các thành viên thị trường. Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và tổ chức trung gian cần được lắng nghe, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động để nâng cao vai trò và đóng góp vào sự phát triển của thị trường.
Thứ năm là nâng cấp hạ tầng và hướng tới mục tiêu nâng hạng. Nâng hạng thị trường là mục tiêu quan trọng, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn giúp thị trường Việt Nam chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và thu hút hiệu quả dòng vốn trung – dài hạn. Theo ông Nguyễn Đức Chi, cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này, đồng thời duy trì và nâng cao vị thế sau khi nâng hạng.
Tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí mang tính kỹ thuật để nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh: BTC
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết dù là thị trường trẻ trong khối ASEAN, nhưng xét về quy mô vốn hóa, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiệm cận với Philippines và Malaysia, và chỉ thấp hơn Thái Lan đôi chút. Tuy nhiên, nếu xét về thanh khoản, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại vượt trội: cao gấp ba lần Indonesia, bảy lần Philippines, và xấp xỉ so với Thái Lan – vốn là thị trường lâu đời hơn nhiều.
Trong thời gian qua, UBCKNN cùng các cơ quan trong ngành đã rất nỗ lực cải cách, tháo gỡ các rào cản nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng như FTSE Russell và MSCI. Những cải cách này không chỉ xuất phát từ yêu cầu pháp lý mà còn là sự phối hợp liên ngành, liên tục trong suốt một năm vừa qua, để giải quyết những điểm nghẽn còn tồn tại.
“Về các tiêu chí mang tính kỹ thuật, như quy định pháp lý, cơ chế giao dịch, tỷ lệ sở hữu nước ngoài... thì đến nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, như Ủy ban đã nhiều lần nhấn mạnh, một yếu tố hết sức quan trọng trong đánh giá nâng hạng chính là trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài: từ quy trình mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán, đến tính minh bạch, hiệu quả của hạ tầng và dịch vụ thị trường,” ông Bùi Hoàng Hải cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, để cải thiện yếu tố này, trong thời gian qua, Ủy ban đã duy trì kênh liên lạc thường xuyên và sâu sát với các nhà đầu tư nước ngoài – không chỉ với các hiệp hội, mà còn với từng tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và ngân hàng lớn trên thế giới.
“Hầu như tuần nào, chúng tôi cũng tiếp các đoàn nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Và tôi có thể nói rằng, chưa năm nào chúng tôi cảm nhận được mức độ quan tâm mạnh mẽ như năm nay, đặc biệt là từ các định chế quản lý hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD. Họ đánh giá cao không chỉ quy mô, mà cả chiều sâu và tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy một tín hiệu rất tích cực về khả năng nâng hạng trong các kỳ đánh giá sắp tới,” ông Bùi Hoàng Hải nói.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, một tín hiệu tích cực khác là việc Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các tổ chức như FTSE Russell, MSCI và nhiều nhà đầu tư lớn trong các chuyến công tác nước ngoài. Việc các tổ chức này bày tỏ mong muốn được gặp Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào cam kết cải cách của Việt Nam, cũng như sự kỳ vọng lớn vào thị trường chứng khoán của chúng ta.
Ông Bùi Hoàng Hải đánh giá, những động thái này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao mà còn là thông điệp rõ ràng với cộng đồng đầu tư quốc tế rằng Việt Nam nghiêm túc, chủ động và quyết liệt trong việc thực hiện các bước đi cần thiết để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
"Dù mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán có đạt được trong tháng tháng 9 tới hay không thì những cải cách vừa qua và quyết tâm cải cách tiếp theo sẽ khiến thị trường và các nhà đầu tư hưởng lợi. Chúng tôi khẳng định, nâng hạng không phải là cái đích cuối cùng, mà mục đích cuối cùng là nâng tầm thị trường chứng khoán, để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho mình," Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết.