Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói về chính sách thu hút người tài với giới trí thức trẻ người Việt toàn cầu
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, lời kêu gọi chung chung 'về nước đóng góp' sẽ không hiệu quả nếu thiếu những dự án cụ thể; cần xây dựng một cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin từ các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, giúp họ dễ dàng gửi ý tưởng, đề xuất và tham gia các dự án.
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, ngày 19/7 diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã gặp gỡ 72 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam về từ nước ngoài.
Cùng dự có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

Quang cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: Lâm Đăng Hải
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ghi nhận, trân trọng cảm ơn T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn và các trí thức trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã về nước tham dự.
Bà Hằng nhấn mạnh, sự hiện diện của các đại biểu thể hiện nhiệt huyết và mong muốn đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, nơi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực và trụ cột quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã chia sẻ những chuyển biến tích cực và nhanh chóng trong chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút nguồn lựctrí thức kiều bào.

Bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại chương trình.
Một trong những thay đổi đột phá nhất là việc sửa đổi Luật Quốc tịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài có song tịch và đơn giản hóa các thủ tục trở về. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện sự thay đổi trong tư duy chính sách, không chỉ kêu gọi "về nước" mà còn tạo cơ chế cho việc "đóng góp từ xa".
Bên cạnh đó, còn có việc xây dựng một môi trường làm việc trong nước lành mạnh, cạnh tranh công bằng và không phân biệt công – tư. Chủ trương mới của Chính phủ trong việc chủ động "đặt hàng" các bài toán, đề tài cụ thể cho các chuyên gia, trí thức giải quyết.

Các đại biểu trí thức trẻ chia sẻ, kiến nghị tại chương trình.
Tại buổi làm việc, đã ghi nhận nhiều chia sẻ, kiến nghị đề xuất của trí thức trẻ nhằm giải quyết các rào cản trong việc phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam.
Trong đó có kiến nghị công nhận danh hiệu phó giáo sư, giáo sư được phong ở nước ngoài khi về nước, thay vì bắt buộc làm lại thủ tục từ đầu, tránh lãng phí thời gian và làm nản lòng người muốn cống hiến.
Có cơ chế nhanh chóng để cấp bằng sáng chế, giúp các sáng kiến được triển khai kịp thời. Nhu cầu về các quỹ hỗ trợ nghiên cứu dành cho giảng viên trẻ trở về từ nước ngoài.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại chương trình.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm đã tổng kết các ý kiến và nhấn mạnh 2 vấn đề cốt lõi, xác định thách thức chính là làm sao "khơi thông nguồn trí thức" của Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Theo anh Lâm, cần đưa ra những "bài toán" và "đặt hàng" cụ thể cho cộng đồng trí thức; đồng thời cần có một kênh hiệu quả để trí thức trẻ, nhất là những người ở nước ngoài, có thể tiếp nhận những yêu cầu này và đóng góp giải pháp của mình.
Anh Lâm khẳng định, T.Ư Đoàn và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ đóng vai trò là cầu nối trung gian trong quá trình này, chuyển tải các đề bài đến với các chuyên gia và tạo điều kiện để họ phát huy trí tuệ, thậm chí thông qua việc tham gia đấu thầu thực hiện các đề tài nghiên cứu.
"T.Ư Đoàn sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu để các trí thức có thể gửi gắm ý tưởng, nêu lên những khó khăn đang gặp phải và đề xuất các giải pháp", anh Lâm cho biết.