Thu lãi mỗi năm từ 500-600 triệu đồng từ nuôi tôm

Anh Trần Văn Chí, sinh năm 1980, ở xóm 14, xã Quang Thiện (Kim Sơn) được nhiều người biết đến là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi cá nước ngọt, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen thả cá nước ngọt của gia đình anh Trần Văn Chí, xóm 14, xã Quang Thiện (Kim Sơn) cho thu nhập cao.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen thả cá nước ngọt của gia đình anh Trần Văn Chí, xóm 14, xã Quang Thiện (Kim Sơn) cho thu nhập cao.

Anh Trần Văn Chí từng có nhiều năm đi nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, anh luôn ấp ủ dự định làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sau thời gian dài suy nghĩ, anh quyết định trở về lập nghiệp tại quê nhà. Qua nhiều lần khảo sát thực địa, anh Chí nhận thấy chất đất và nguồn nước nơi đây phù hợp với mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, anh Chí mạnh dạn vay vốn để đấu thầu 5 mẫu ruộng của xã, trước đây là cánh đồng chiêm trũng cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang xây dựng mô hình nuôi tôm, cá nước ngọt.

Những năm đầu bắt tay vào nuôi tôm, do chưa nắm vững kỹ thuật, vốn ít, độ rủi ro lại khá lớn vì chưa lựa chọn được giống tôm chất lượng và phù hợp. Cộng thêm dịch bệnh xảy ra liên tục, trong khi thuốc điều trị, nguồn thức ăn kém chất lượng đã ảnh hưởng đến năng suất tôm nên nhiều lần anh bị thất bại, thua lỗ. Tuy nhiên, không chùn bước trước những khó khăn, thử thách, anh Chí quyết không bỏ cuộc.

Anh tích cực tìm đến các mô hình nuôi tôm thành công ở trong và ngoài tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm ở địa phương. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, anh tiếp tục thực hiện mô hình.

Trên diện tích 5 mẫu ruộng đã đấu thầu trước đó, anh Chí thuê thêm 5 mẫu ruộng từ các hộ khác, bắt đầu khoanh vùng, đào ao, đắp bờ thả cá và nuôi tôm thẻ chân trắng. Tất cả các công đoạn trong quá trình nuôi đều được anh thực hiện một cách bài bản, khoa học. Nhờ nắm vững kỹ thuật, lựa chọn nguồn thức ăn và con giống kỹ càng, đồng thời trong quá trình nuôi anh không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, những năm sau đó anh liên tiếp thành công.

Hiện tại gia đình anh sở hữu 9 ao nuôi tôm xen lẫn thả các loại cá trắm, trôi, mè, với tổng diện tích khoảng 36.000 m2. Mỗi năm anh thả 3 vụ tôm, khoảng 60 vạn tôm giống, cho thu hoạch từ 12-15 tấn tôm thương phẩm. Tôm thương phẩm thường được các thương lái đến mua tại nhà với giá từ 100-130 nghìn đồng/kg, tùy theo kích cỡ từ 60-80 con/kg. Tổng doanh thu các loại tôm, cá từ 1,5-2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.

Chia sẻ bí quyết để thành công, anh Chí cho biết: Rút kinh nghiệm từ các lần thất bại, tôi đặc biệt chú trọng việc lựa chọn con giống ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng, kích cỡ con giống từ P12 trở lên và mật độ nuôi thả là 40 con/m2. Môi trường ao nuôi cũng luôn được xử lý tốt. Theo kỹ thuật, tôi đào ao có độ sâu từ 1-1,2m, mỗi ao có diện tích 1.000-2.500m2. Đáy ao tôi loại bỏ rác thải rắc vôi bột khử trùng. Tôi đầu tư lắp hệ thống ống dẫn để lấy nguồn nước từ nơi không bị ô nhiễm, trước khi đưa vào ao tôi loại bỏ rác qua màng lọc, sau đó khử độc tố và diệt khuẩn để xử lý mầm bệnh. Hàng tuần, tôi đều kiểm tra nước ao để điều chỉnh độ PH và độ kiềm thích hợp. Để cung cấp ôxi cho ao nuôi, tôi dùng hệ thống máy sục khí và quạt đảo nước, ngoài ra tôi luôn giữ môi trường nước ổn định tránh cho tôm bị sốc, từ đó tăng tỷ lệ sống.

Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của tôm mà tôi cung cấp thức ăn và dinh dưỡng phù hợp. Hàng ngày, tôi cho tôm ăn 3 bữa bằng nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng, đồng thời quan sát màu sắc và các hoạt động của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu bệnh lý. Tôm thẻ chân trắng có khả năng phòng chống bệnh tốt, tuy nhiên cần bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, để tôm khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, tôi thường xuyên áp dụng công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm như: Sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung nguồn vi khuẩn có lợi, ức chế các vi khuẩn có hại trong nước, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ trong bùn, và quá trình chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành các vi sinh có lợi. Điều này sẽ tận dụng được tối đa nguồn thức ăn thừa, đồng thời làm giảm khí độc trong nước, giảm sử dụng thuốc và chất hóa học trong quá trình nuôi, giúp cho môi trường nước luôn ổn định. Từ đó tôm nuôi có tốc độ phát triển nhanh, màu sắc đẹp, sức đề kháng và tỷ lệ sống cao, không xảy ra các loại bệnh. Tạo nên tôm thương phẩm có chất lượng an toàn.

Anh Trần Văn Chí kiểm tra tôm nuôi để kịp thời phát hiện và xử lý các bệnh lý.

Ngoài nuôi tôm, cá, gia đình anh Chí còn mở thêm 1 cửa hàng cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thủy sản, vừa sử dụng cho gia đình, vừa cung cấp hỗ trợ cho bà con nuôi tôm ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Chí còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập 400 nghìn đồng/ngày.

Đồng chí Trần Văn Khơ, Chủ tịch Hội nông dân xã Quang Thiện chia sẻ: Anh Trần Văn Chí là gương nông dân cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã, nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Chí còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho nông dân cùng tham gia phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Hiện trên địa bàn xã đã có hơn 20 mô hình học tập và làm theo, từ đó đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: Thủy Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thu-lai-moi-nam-tu-500-600-trieu-dong-tu-nuoi-tom/d20240531084512815.htm
Zalo