Thu hút nguồn vốn mới cho Trung tâm tài chính

Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, vận hành các trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời thu hút các nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư quốc tế.

Phát triển các sản phẩm tài chính mới, hệ sinh thái hiện đại

Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đề ra, mục đích xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là để thu hút dòng vốn quốc tế phục vụ cho 3 đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, đồng thời phát triển dịch vụ tài chính cao cấp, thử nghiệm và quản lý các thị trường mới do thực tiễn đặt ra. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia tài chính trong và nước ngoài.

Theo kế hoặc đặt ra, trung tâm tài chính tại TP.Hồ Chí Minh dự kiến phát triển thị trường vốn, ngân hàng, phát triển các cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, các sàn giao dịch chuyên biệt…, trung tâm tài chính ở Đà Nẵng sẽ là nơi thử nghiệm các mô hình mới như tài chính xanh, tài chính bền vững, công nghệ tài chính, dịch vụ số…

Trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng đón nguồn lực tài chính dịch chuyển. Ảnh minh họa, VGP

Trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng đón nguồn lực tài chính dịch chuyển. Ảnh minh họa, VGP

“Làm sao thu hút nhà đầu tư từ các trung tâm tài chính như Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, Frankfurt… về đây, trong khi họ đã ấm tổ?”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh - đặt vấn đề.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm tới việc đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Cụ thể, phái đoàn cấp cao của Trump Organization đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh và đi khảo sát thực địa để có thể tìm vị trí phù hợp cho việc đầu tư Dự án Trump Tower - tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê. Trump Organization cũng đang nhắm đến Đà Nẵng, địa điểm thứ hai được lựa chọn để phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam.

Còn tại Đà Nẵng, báo cáo gần đây của UBND TP. Đà Nẵng, đã nhận được sự quan tâm lớn và cam kết của hơn 10 nhà đầu tư. Trong đó, liên danh 3 nhà đầu tư Makara Capital, Terne Holding và Trump Organization mong muốn được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược để phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào đầu tháng 7/2025, ông Ali Ijaz Ahmad, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Makara Capital Partner cho biết, mong muốn tham gia tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là tham gia xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam…

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu hồi tháng 3/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có nhiều cuộc gặp và làm việc với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Lãnh đạo các trung tâm tài chính, sàn giao dịch chứng khoán đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nhân lực chất lượng cao... Điều này thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng tài chính toàn cầu vào tiềm năng của Việt Nam.

“Đạibàng”cần gì để ở lại trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Việt Nam đang đi đúng hướng trong lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế là có thật. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, bao giờ những kế hoạch này sẽ được hiện thực hóa và làm sao để Việt Nam có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.

ThS Nguyễn Trúc Vân - giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội (HIDS), nhấn mạnh để hút vốn ngoại và giữ chân "đại bàng" tài chính, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các hạng mục hạ tầng: hạ tầng cứng (giao thông, không gian trung tâm, kỹ thuật), hạ tầng mềm (chính sách, nhân lực, dữ liệu, công nghệ), hạ tầng số, năng lượng cho toàn khu vực…

Các nhà đầu tư quốc tế luôn cần một môi trường kinh doanh dựa trên luật pháp rõ ràng và nhất quán, vì thế, môi trường kinh doanh là lĩnh vực cần cải cách sâu rộng để tương thích với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Về hàng hóa, hiện nay thị trường Việt Nam chủ yếu có cổ phiếu và trái phiếu, muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam phải có thêm trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư xanh vào năng lượng sạch, quỹ đầu tư quốc tế và cả mua bán carbon - thứ mà thế giới đang rất quan tâm. Hệ thống thanh toán, giao dịch tài chính cũng cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.

Để Trung tâm tài chính quốc tế đi vào hoạt động thì từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ ban hành 8 nghị định liên quan đến lập và vận hành trung tâm.

Đó là các nghị định hướng dẫn về chính sách tài chính như thuế, ưu đãi, chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn, thành viên, chính sách ngoại hối, ngân hàng, tổ chức tín dụng, chính sách xuất nhập cảnh, chính sách xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa và dịch vụ, sàn giao dịch, nền tảng giao dịch, chính sách cư trú, lao động, việc làm, chính sách đất đai, xây dựng, giải quyết tranh chấp… Bên cạnh "hạ tầng mềm" kể trên, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng cứng của trung tâm.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để trở thành một trung tâm tài chính quan trọng của khu vực. Trước hết, nền kinh tế có độ mở cao, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, giúp kết nối chặt chẽ với thị trường quốc tế. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại chảy vào mà còn giúp Việt Nam có thể đóng vai trò là "quốc gia kết nối" trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phân mảnh về tài chính và thương mại.

Dù vậy theo ông Nguyễn Bá Hùng, điều quan trọng nhất với Trung tâm tài chính quốc tế là phải gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Đó là nhu cầu về vốn, nhu cầu lan tỏa, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cung ứng các dịch vụ tài chính mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cũng lưu ý, Trung tâm tài chính không nên đơn thuần là một khu vực địa lý có ưu đãi... Nếu không, những định chế tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cũng chuyển vào trung tâm tài chính để hưởng ưu đãi trong khi không tạo ra, cung cấp dịch vụ tài chính mới. Vì vậy, ưu đãi cần gắn với cam kết của nhà đầu tư.

Ngoài ra, NHNN và Bộ Tài chính với sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ mới có thể xây dựng được các thể chế về giám sát ngoại hối như cơ quan SPI (Standard Payment Institution Licence) của Singapore hay SAFE của Trung Quốc (State Administration of Foreign Exchange); kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới (cross border payments; và các công cụ thanh toán số DPT (Digital Payment Token)…

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-hut-nguon-von-moi-cho-trung-tam-tai-chinh.785923.html
Zalo