Thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế khi nào?

Nhiều trường hợp bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế do sử dụng sai mục đích, thông tin không chính xác hoặc thay đổi nơi cư trú. Người dân cần cập nhật thông tin kịp thời.

Nghị định 188/2025/NĐ-CP quy định các điều khoản liên quan đến việc thu hồi, tạm giữ, tạm khóa thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa: IT

Quy định về thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế

Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, Nghị định quy định rõ về thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/7/2025.

Theo đó, Điều 12 Nghị định 188/2025/NĐ-CP quy định các nội dung về việc thu hồi, tạm giữ, tạm khóa thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có 7 lưu ý như sau:

Thứ nhất, thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Bảo hiểm y tế (gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế);

Thứ hai, trường hợp gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế bao gồm: Có hành vi gian lận thông tin về đối tượng, mức hưởng trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; Các hành vi gian lận khác.

Thứ ba, thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Bảo hiểm y tế (thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật).

Thứ tư, khi phát hiện hành vi vi phạm được quy định tại các nội dung trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, Cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về các hành vi vi phạm quy định tại các nội dung trên.

Thứ sáu, khi thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo cho người tham gia bảo hiểm y tế biết.

Thứ bảy, thẻ bảo hiểm y tế bị tạm khóa giá trị sử dụng được mở khóa, bị tạm giữ được trả lại khi người cho người khác mượn thẻ và người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 12.

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Nghị định 188/2025/NĐ-CP cũng quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:

Ngoài các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế còn bao gồm các đối tượng sau đây:

1- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

2- Người dân các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

3- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

4- Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

5- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

6- Người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và các đối tượng khác đã được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

7- Học viên đào tạo quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hệ tập trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.

8- Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau theo các nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế.

9- Người thuộc đối tượng được quy định tại khoản 4 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.

Nguồn: Nhân Dân

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-hoi-tam-giu-the-bao-hiem-y-te-khi-nao-179250718070523772.htm
Zalo