Thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố đối với 1 mỹ phẩm dưỡng da
1 sản phẩm được giới thiệu có công dụng 'đánh tan lượng mỡ dư thừa dưới da' được cơ quan chức năng xác định là có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định thu hồi 1 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm đối với mỹ phẩm Désembre Derma Science High Frequency Cream Professional, số tiếp nhận phiếu công bố: 211274/23/CBMP-QLD.
Sản phẩm được sản xuất tại công ty HYUNJIN C&T CO.,LTD, địa chỉ tại Seungga-ro, Gimpo-si, Gyeonggi-do, Hàn Quốc.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH quốc tế Hyunjin C&T, địa chỉ kê khai trên phiếu công bố: BT20, ô đất TT2 Đô thị Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; mã số doanh nghiệp: 0108310744.
Lý do thu hồi là mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố, mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố.
Theo thông tin được quảng cáo, sản phẩm trên là kem massage tần sóng cao giúp phân giải các phân tử mỡ, giải tỏa các bó cơ căng cứng để thúc đẩy tuần hoàn lưu thông máu, cân bằng độ ẩm, tăng độ đàn hồi, ngăn ngừa lão hóa da.
Đồng thời, đánh tan lượng mỡ dư thừa dưới da, hiệu quả rất tốt trong quy trình giảm béo. Cung cấp dinh dưỡng cho làn da, giúp da mềm mịn, loại bỏ cặn bã, tăng độ đàn hồi và giữ ẩm cho da. Dùng được cho mặt và body.

1 sản phẩm được giới thiệu có công dụng "đánh tan lượng mỡ dư thừa dưới da" được cơ quan chức năng xác định là có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố. Ảnh minh họa: AI
Trong tháng cao điểm từ ngày 15-5 đến 15-6 tăng cường kiểm tra thuốc và mỹ phẩm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý Dược cùng sở y tế các địa phương đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã thành lập 5 tổ kiểm tra đột xuất tại 38 cơ sở. Trong đó, có 18 cơ sở thuộc lĩnh vực dược (9 cơ sở sản xuất, 9 cơ sở nhập khẩu thuốc) và 20 cơ sở liên quan đến mỹ phẩm (13 cơ sở sản xuất, 7 cơ sở công bố và kinh doanh mỹ phẩm). Kết quả kiểm tra cho thấy, 17 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra, báo cáo từ 20 tỉnh, thành cho biết các địa phương đã kiểm tra tổng cộng 865 cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc, mỹ phẩm. Qua đó, phát hiện 48 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính 534 triệu đồng.
Nhiều sở y tế đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.