Thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), bổ sung về điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi...
Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua quy định việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn thông tin.
Chiều 30-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với đại đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành. Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2025.
Bổ sung chính sách phát triển điện hạt nhân, điện khí, điện gió...
So với Luật hiện hành, Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều chính sách mới đáng chú ý.
Theo đó, trong chính sách phát triển điện lực, Luật mới thông qua đã bổ sung Nhà nước sẽ độc quyền trong hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện. Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một nội dung quan trọng khác là Luật mới thông qua đã bổ sung chính sách phát triển điện khí, chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, quy định về điện gió ngoài khơi.
Theo đó, quy định về điện gió ngoài khơi như sau: Việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn thông tin. Dự án điện gió ngoài khơi được hưởng cơ chế, chính sách với điều kiện và thời hạn do Chính phủ quy định.
Cụ thể, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển; miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất… Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định về xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực.
Doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực thực hiện tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động phù hợp với các cấp độ thị trường điện cạnh tranh theo các nguyên tắc:
Tách bạch chức năng sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý nhà nước. Tách bạch các hoạt động có tính độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước với các hoạt động có tính cạnh tranh trong dây chuyền sản xuất điện năng.
Mục đích để hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ hoạt động độc lập, hình thành nhiều đơn vị phát điện, nhiều đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện nhằm gia tăng đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường điện.
Luật Điện lực (sửa đổi) cũng bổ sung quy định chung về đầu tư xây dựng dự án điện lực, quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực.
Chưa thể xóa bỏ ngay việc bù chéo giá điện
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết trong chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hóa sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.
UBTVQH cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật. Mục đích để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Về nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, UBTVQH cho hay việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Tuy nhiên, việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo..., cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể. Việc quy định để thực hiện xóa bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi.
Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện như thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 39 và điểm c khoản 3 Điều 50.
Về quy định chuyển tiếp, UBTVQH cho hay, thực hiện theo đa số ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nếu có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì Chính phủ tổ chức rà soát, đánh giá những dự án cụ thể còn vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.