Thông hầm dài nhất cao tốc Bắc - Nam
Sau nhiều nỗ lực, cả hai ống hầm số 3 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chính thức được đào thông, tạo đà để tăng tốc hoàn thành dự án trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Đào thông hầm xuyên núi dài 3.200m
Ngày 1/7, trên công trường hầm số 3, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, luồng ánh sáng từ cửa ống hầm trái phía tỉnh Gia Lai chợt lóe lên, phá tan màn đêm ẩm tối bên trong lòng núi. Ống hầm trái chính thức được đào thông khi tảng đá cuối cùng chắn giữa ống hầm được cho nổ tung.

Vỉa đá cuối cùng ở ống hầm trái cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trước khi nổ mìn đào thông.
Trong làn khói bụi mịt mờ khi ống hầm được đào thông, kỹ sư Nguyễn Tiến Thành, Chỉ huy trưởng mũi thi công Bắc hầm 3 cho biết, đây là thời khắc đặc biệt quan trọng không chỉ với người thợ đào hầm mà là bước ngoặt để nhà thầu tăng mũi thi công, luân chuyển, điều phối thiết bị một cách nhanh nhất nhằm tăng tốc hoàn thành dự án.
"Khoảnh khắc hợp long ống hầm trái có ý nghĩa quan trọng. Từ nay, công việc còn lại là mở rộng ống hầm và thi công nền đường như thiết kế, không còn lo ngại như cách đây vài tuần", kỹ sư Thành chia sẻ.
Ghi nhận bên trong hầm số 3, công tác thi công được phía nhà thầu Đèo Cả triển khai thành nhiều tổ, đội. Mỗi nhóm được phân công từng đầu việc cụ thể. Xe tải chở vật liệu, xe bồn chở bê tông liên tục ra vào.

Ống hầm trái hầm số 3 đã được đào thông, tạo bệ phóng cho cao điểm về đích.
Giữa lòng núi sâu, công trường hầm số 3 trở nên bớt ngột ngạt và không còn "vã mồ hôi" như trước đây khi không khí từ hai đầu cửa hầm đã tuần hoàn thông suốt. Dọc ống hầm trái vừa được đào thông, những xe đào, máy xúc cỡ lớn được nhà thầu điều động ngay đến để xúc dọn đất, đá sau nổ mìn.
Cả công trường bên trong lòng núi nhộn nhịp. Tại mũi thi công vỏ hầm cách cửa hầm phía Bắc tầm 1km, công tác lắp đặt khung sắt, mái kèo gia cố vỏ hầm được gấp rút triển khai. Những tấm lưới sắt chắc chắn được dựng lên, từng thanh sắt neo được cắm vào vách đá kiên cố. Các tổ đội nhịp nhàng phối hợp trong từng đầu việc.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Thành cho biết, đặc thù công tác thi công hầm đường bộ rất phức tạp, nhất là đới địa chất hầm số 3 không như thiết kế, đá mềm nên gương đào phải điều chỉnh. Quá trình đào đến đâu phải gia cố, neo giữ đến đó.
"Nhưng quan trọng hơn hết là tiến độ dự án rất gấp rút, việc thi công phải điều chỉnh. Theo đó, giải pháp thi công cuốn chiếu được triển khai. Hầm khoan đến đâu là công tác mở rộng, hoàn thiện vỏ hầm đến đó. Dù vất vả, khó khăn và nguy hiểm, song việc thông hầm trái hầm số 3 vượt tiến độ so với kế hoạch là điều rất đặc biệt", ông Thành nói.
Dọc theo hai ống hầm, công tác đào hạ nền, bê tông vỏ hầm được triển khai gấp rút. Hai đầu cửa hầm, vật tư, thiết bị phục vụ thi công được nhà thầu chuẩn bị sẵn sàng.

Công tác gia cố, neo vào thi công vỏ hầm được triển khai song song với công tác đào hầm.
Được biết, hầm số 3 dài 3.200m nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai, mỗi ống hầm có mặt cắt 12,75m. Đây là hạng mục đường găng quan trọng của dự án với khối lượng công việc lớn và là nút thắt cuối cùng để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trước đó, ống hầm phải (hướng Bắc - Nam) đã được đào thông, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch.
Tăng mũi thi công, đẩy mạnh thảm nhựa đưa công trình về đích
Tại mũi thi công hai ống hầm số 1 và 2, phần lớn hạng mục xây dựng đã được nhà thầu Đèo Cả làm xong. Hiện, công tác hoàn thiện được gấp rút triển khai như hệ thống điện, quạt thông gió, công tác phòng cháy chữa cháy... Ở hai đầu các hầm, công tác hoàn thiện kè chống sạt lở, trồng hoa cảnh quan cũng được thực hiện với tinh thần khẩn trương.
Trong khi đó, đối với công tác nền đường, dọc dài dự án công tác thi công được triển khai đồng bộ. Từng mũi thi công cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa, đắp nền đường, thi công hệ thống ATGT... được triển khai nhịp nhàng.
Đoạn tuyến từ Km 54-60, nền đường được thảm nhựa chắc chắn, phẳng lỳ chạy cắt ngang những triền núi, xóm nhà. Phía xa, tuyến đường "luồn" vào núi sâu, nơi hầm số 1 đã thi công cơ bản xong.

Công tác thảm bê tông nhựa được triển khai rầm rộ dọc tuyến.
Tại mũi thi công nút giao Sa Huỳnh, ngoài đẩy nhanh tiến độ thảm bê tông nhựa mặt đường, nhà thầu cũng tăng nhân sự thi công cầu vượt, đường dẫn và lắp đặt hệ thống lan can.
Men theo dự án đoạn qua địa phận huyện Mộ Đức đoạn qua Km35, công tác thảm nhựa diễn ra rầm rộ. Những xe tải chở nhựa đường từ trạm trộn cấp tập "hạ cánh" đổ từng mẻ nhựa bốc khói nghi ngút xuống xe rải. Nhựa đường trải ra, xe lu tiến đến lu lèn tạo mặt đường phẳng lỳ, êm thuận.
Theo Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam, công tác thi công nền đường đến nay đạt trên 60%. Trong đó, đã thi công cấp phối đá dăm đạt khoảng 80%, thảm nhựa được 40km. Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 7 hoàn thành thi công cấp phối đá dăm, tháng 9 hoàn thành thi công bê tông nhựa.
Riêng hạng mục 77 cầu trên tuyến đến nay đã hoàn thành kết cấu phần dưới và công tác đúc dầm, có 76 cầu đã hoàn thành lao lắp dầm và đang thi công bản mặt cầu. Cầu Sông Vệ, hạng mục cầu lớn nhất trên tuyến dài hơn 600m cơ bản đã thi công xong phần cầu chính, mố cầu hai bên và sẵn sàng thảm nhựa mặt cầu.

Cầu sông Vệ dài nhất trên tuyến đã thi công cơ bản xong, sẵn sàng chờ thảm nhựa.
Đối với công tác sản xuất, tập kết cấu kiện an toàn giao thông đạt khoảng 80% sản lượng. Nhà thầu đã rào chắn đảm bảo ATGT hai bên tuyến đạt khoảng 70km.
Được biết, để tăng tốc trong cao điểm về đích, nhà thầu Đèo Cả huy động 3.100 nhân sự và 1.150 thiết bị trải đều khắp 50 mũi thi công. Sau hơn 2 năm cấp tốc thi công, đến nay hình hài "khúc ruột" cao tốc Bắc - Nam đã nên hình, nên dáng.
"Tổng sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tương đương 70% tổng vốn xây lắp", ông Nam nói và cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án như chỉ đạo của Thủ tướng, nhà thầu tập trung cao độ để hoàn thành từng đầu việc. Ngoài công tác nền đường thì điểm đường găng quan trọng là hệ thống 3 hầm xuyên núi, nhất là hầm số 3. Mục tiêu đặt ra là đào hạ nền, bê tông vỏ hầm, bê tông mặt đường, hoàn thành vỏ bê tông 2 ống hầm trong tháng 10, lắp đặt thiết bị và hoàn thành hầm số 3 vào cuối tháng 12/2025, vượt tiến độ 9 tháng so với hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.

Công tác thi công cấp phối đá dăm được triển khai gấp rút để đảm bảo hạng mục này về đích trong tháng 7.
Dù rất quyết tâm, song trở ngại của dự án hiện nay là dọc tuyến còn một số vị trí vướng mắc về mặt bằng. Đồng thời, các mỏ đá trong khu vực có công suất thấp, các mỏ khu vực lân cận cũng không đáp ứng. Nhà thầu phải tìm kiếm các nguồn ở xa hơn làm tăng chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến tiến độ tập kết.
"Để đảm bảo tiến độ thông toàn tuyến dự án vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn dự án tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, riêng hạng mục hầm các kỹ sư, công nhân thay ca làm việc liên tục 24/24h", ông Nam cho hay.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng (trong đó vốn xây lắp gần 14.500 tỷ đồng), dài 88km, đi qua địa phận các tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai.
Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi, cùng 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh.