Thông điệp cứng rắn của Nga sau tối hậu thư của ông Trump

Trước tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thời hạn 50 ngày để giải quyết xung đột Ukraine, các quan chức Nga đồng loạt khẳng định động thái này sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moscow và thậm chí có thể gây bất lợi cho chính Mỹ.

Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận gửi vũ khí của Mỹ cho Ukraine thông qua NATO, tại Nhà Trắng ngày 14-7. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận gửi vũ khí của Mỹ cho Ukraine thông qua NATO, tại Nhà Trắng ngày 14-7. Ảnh: AP

Theo ABC News, tối 14-7, Tổng thống Trump đã bắt đầu bài phát biểu tại Phòng Bầu dục cùng với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte bằng lời cảnh báo trừng phạt Nga bằng thuế quan. Theo đó, ông Trump đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế lên tới 100%. Ông Trump nhấn mạnh Washington sẵn sàng hành động quyết liệt nếu tiến trình chấm dứt xung đột không có tiến triển rõ rệt trong thời hạn trên.

"Chúng tôi rất không hài lòng với Nga. Chúng tôi sẽ áp mức thuế rất khắc nghiệt, khoảng 100% với Nga, nếu không có thỏa thuận trong vòng 50 ngày", Tổng thống Trump nói trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng. Liên quan tới mức thuế quan 100%, ông Trump nói rằng đó sẽ là "thuế quan thứ cấp", tức là sẽ nhắm vào các đối tác thương mại của Nga nhằm cô lập Moscow với nền kinh tế toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, Tổng thống Trump đã công bố một thỏa thuận với NATO về việc cung cấp vũ khí hỗ trợ Kiev trong bối cảnh Nga tiếp tục tiến hành hàng loạt cuộc không kích. "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận hôm nay: chúng tôi sẽ gửi cho Ukraine vũ khí và châu Âu sẽ chi trả. Mỹ sẽ không thanh toán bất kỳ khoản nào. Chúng tôi sẽ không mua, nhưng chúng tôi sẽ sản xuất, còn châu Âu sẽ trả tiền cho số vũ khí đó", ông Trump thông báo. Khi được hỏi rằng khi nào số vũ khí đó, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot, sẽ đến Ukraine, Tổng thống Trump trả lời rằng: "Chúng tôi sẽ có một số vũ khí được chuyển đến rất sớm, chỉ trong vài ngày tới".

Phản ứng trái chiều

"Tối hậu thư" của Tổng thống Trump ngay lập tức làm dấy lên nhiều phản ứng trái chiều từ Quốc hội Mỹ, các đồng minh châu Âu và giới chuyên gia chính sách. Một số quan chức các nước đồng minh tỏ ra lạc quan nhưng vẫn thận trọng, đồng thời thừa nhận còn nhiều chi tiết cần làm rõ trong quá trình triển khai. Một số nghị sĩ Estonia đang thăm Washington bày tỏ lo ngại về tính khả thi của "tối hậu thư" này. Ông Marko Mihkelson, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Estonia, cho rằng thời hạn 50 ngày sẽ khó mang lại thay đổi thực chất mà thậm chí có thể tạo điều kiện để Moscow củng cố lực lượng.

Tại Washington, tuyên bố mới của Tổng thống Trump cũng làm xuất hiện thêm những ý kiến trái chiều trong Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng kế hoạch này vẫn còn thiếu chi tiết, ngoài cam kết về hệ thống Patriot. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Gregory Meeks và Bill Keating bày tỏ quan điểm lo ngại, cho rằng việc đặt ra thời hạn 50 ngày có thể không đủ để tạo sức ép cần thiết và có thể khiến tình hình phức tạp hơn. Về phía đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell hoan nghênh cam kết cung cấp vũ khí nhưng cho rằng chính quyền Trump cần hành động quyết liệt hơn.

Một số chuyên gia chính sách nhận định lời đe dọa áp thuế 100% chưa chắc sẽ tạo tác động đáng kể đến tình hình xung đột. Chuyên gia Doug Klain thuộc tổ chức Razom (Ukraine) cho rằng ngay cả mức thuế cao cũng khó đạt hiệu quả rõ rệt nếu không đi kèm các biện pháp kinh tế bổ sung và lộ trình cụ thể. Ông đề xuất Quốc hội Mỹ có thể tận dụng "khoảng thời gian 50 ngày" để xem xét các gói biện pháp mới, có thể điều chỉnh mức độ áp dụng tùy theo diễn biến trên thực địa.

Nga gửi thông điệp cứng rắn

Theo Reuters, ngày 15-7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng phản hồi về "tối hậu thư" của Tổng thống Trump. Cựu Tổng thống Nga Medvedev khẳng định rằng Moscow không quan tâm đến "tối hậu thư" mà Tổng thống Trump mới đưa ra cho Điện Kremlin một ngày trước đó. "Ông Trump đã đưa ra tối hậu thư mang 'tính kịch' cho Điện Kremlin. Thế giới giật mình, dự đoán về hậu quả. Châu Âu... đã thất vọng. Nga không quan tâm", ông viết trên mạng xã hội X.

Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, ông Konstantin Kosachev, nhấn mạnh rằng trong thời hạn 50 ngày mà Mỹ đặt ra, có thể có nhiều thay đổi về cục diện trên thực địa cũng như trong tính toán của bộ máy lãnh đạo của Mỹ và NATO, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm của Moscow. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Alexei Zhuravlev chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến chính Mỹ, chứ không phải Nga. Ông lập luận rằng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ ở mức 8 tỷ USD, và việc Mỹ mua uranium, titan, palladium từ Nga cho thấy việc tăng giá các mặt hàng này (do thuế quan mới) sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Andrei Klimov đánh giá rằng những lời đe dọa của ông Trump không mang ý nghĩa "thảm họa" nào đối với Nga. Ông cảnh báo rằng tất cả những động thái áp thuế đều tác động đến cả hai phía, có thể khiến Mỹ tự cô lập và gặp khó khăn trong giải quyết các vấn đề kinh tế của chính mình.

Giới chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này. Chuyên gia chính trị học Andrei Klintsevich cho rằng tuyên bố của Trump không gây áp lực lên Moscow, mà ngược lại càng khiến Nga vững vàng hơn. Đáng chú ý, trong ngày, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Nga đã tăng tốc trong phiên giao dịch chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Moscow. Đến 18h20 giờ Moscow, chỉ số MICEX tăng 2,42% và đạt 2.705,92 điểm, trong khi chỉ số RTS tăng lên 1.087,66 điểm, tương ứng với mức tăng 1,78%.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thong-diep-cung-ran-cua-nga-sau-toi-hau-thu-cua-ong-trump-post316133.html
Zalo