Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội để đánh thức lợi thế tiềm năng
Sáng 29/11, tại thành phố Cần Thơ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 – 2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 – 2025.
Đạt nhiều kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng
Tại Hội nghị, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 – 2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, thỏa thuận hợp tác đã mang lại những kết quả khả quan. Đó là:
Tổ chức thành công Hội nghị Kết nối cung - cầu tập trung giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Đoàn doanh nghiệp, hệ thống phân phối chuyên nghiệp của Thành phố đến kết nối, khảo sát sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân Thành phố và khách du lịch, kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức các hoạt động kết nối thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyên đề về sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền.
Về phát triển hạ tầng giao thông: Tổ chức tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng. Phối hợp với tỉnh Bến Tre, Cà Mau nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre và đề xuất dự án nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau.
Đối với tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức, nằm trong tuyến luồng vận tải chính bằng đường thủy kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Lương (Kiên Giang), Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức và đã được HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi các doanh nghiệp vận tải thủy tham gia tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang và ngược lại. Phối hợp tham mưu điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. UBND các tỉnh, thành: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cam kết cung cấp cát đủ phục vụ cho dự án.
Hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL đã mang lại kết quả rõ nét. Bên cạnh con số hơn 5,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực ĐBSCL, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức các Hội nghị, chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC lần thứ 17 năm 2023. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, quảng bá bộ nhận diện thương hiệu du lịch liên kết vùng, với giá trị cốt lõi “Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL - Sống động Phương Nam”. Tổ chức Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024 tại Bến Tre. Thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, góp phần quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “điểm đến”, định hình hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL và của các địa phương trong vùng trong mối quan hệ “cung - cầu” với thị trường lớn nhất nhất ở khu vực phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025 đã được tổ chức tại tỉnh Long An…
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển du lịch; Kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại; Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.
Giai đoạn 2023 - 2024 đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như: Kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự Hội nghị Kết nối cung - cầu năm 2023 với 184 doanh nghiệp đăng ký 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh và khách du lịch, kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền); phát triển hạ tầng giao thông (đã tổ chức Tọa đàm về dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… đã hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế Thành phố và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL ngày một tốt hơn.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hiệu quả thỏa thuận hợp tác mang lại chưa cao; một số nội dung, lĩnh vực mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất như lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số chỉ mới xây dựng được khung nền tảng (dưới hình thức trang web) về chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; hay như lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông (mới tổ chức Tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng; Nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre; Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Cà Mau,…); trong khi lưu lượng giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây rất lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắt giao thông, nhất là các dịp lễ, Tết; cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ…
“Tiềm năng hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với ĐBSCL rất lớn, chúng ta kỳ vọng rất nhiều tuy nhiên kết quả từ tháng 3/2023 đến nay đạt chưa được nhiều. Hôm nay, chúng tôi rất mong đợi được lắng nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp, đại biểu tham dự hội nghị này chỉ ra những trọng tâm, những cách thức để sự hợp tác của chúng ta thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở và rất mong muốn có sự đột phá để làm sao chúng ta làm được việc nhỏ, làm ít nhưng nó thật sự thiết thực. Thành phố Hồ Chí Minh luôn để mở, luôn lắng nghe và sẵn sàng cùng với ĐBSCL, doanh nghiệp triển khai hợp tác cho thực chất, hiệu quả” - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ.
Kỳ vọng hợp tác mở ra triển vọng phát triển mới cho vùng ĐBSCL
Tại Hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã đề ra Kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2024 – 2025; mục tiêu là việc hợp tác phải có hiệu quả thực chất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đóng góp vào sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Bên cạnh các lĩnh vực như công thương, du lịch, nông nghiệp, y tế đang được triển khai hiệu quả; trong thời gian tới cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải: Tập trung phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong việc đề xuất Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng… nhằm mở hướng thuận lợi cho liên kết công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển của các địa phương trong vùng. Cụ thể: nâng cấp mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, tuyến đường ven biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - ĐBSCL… Phối hợp các tỉnh, thành ĐBSCL trong việc nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy nhằm mở ra cơ hội phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa, nhất là du lịch sinh thái.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật từ các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn Thành phố và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối cho các tỉnh vùng ĐBSCL mang một ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch hình thành mạng lưới điều trị ung thư và điều trị đột quỵ vùng; xây dựng nền tảng ứng dụng kết nối, liên thông dữ liệu quản lý hành nghề khám, chữa bệnh giữa các địa phương với nhau.
Đẩy mạnh hợp tác trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai. Phối hợp, đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển gắn với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: “Thành phố Cần Thơ xác định vai trò của liên kết vùng, tầm quan trọng của hoạt động phối hợp trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Cần Thơ và khẳng định “Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng ĐBSCL”.
Thành phố Cần Thơ khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL: Đối với liên kết, hợp tác quốc tế: Cần Thơ có vai trò quan trọng là cầu nối của toàn khu vực với quốc tế; Đối với liên kết vùng: Với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, đổi mới mô hình phát triển thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo liên kết để tạo sức mạnh, động lực phát triển bền vững và thịnh vượng; Đối với liên kết trên phạm vi cả nước: Cần Thơ với vai trò kết nối thúc đẩy hợp tác với các thành phố trực thuộc Trung ương khác; với các địa phương vùng Bắc Trung bộ, tăng cường liên kết trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chủ động xúc tiến thương mại đầu tư, tiến hành xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển y tế, khoa học liên kết với các bệnh viện hàng đầu.
Triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung liên kết vùng; tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và các địa phương quốc tế. Cần Thơ liên kết, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các viện, trường đã ký kết trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; y tế chuyên sâu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, mở rộng thị trường;… để đưa thành phố Cần Thơ trở thành cực phát triển của khu vực ĐBSCL”.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kỳ vọng thời gian tới thỏa thuận hợp tác sẽ có nhiều chương trình hành động mới. Đó không chỉ là hiệu quả hợp tác mà góp phần đánh thức lợi thể tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL.