Thơ ca răn dạy, giáo dục con cháu của người Tày, Nùng

Người Tày, Nùng thường chọn những nơi sinh sống phải có sông, suối, đồi, núi, nước non sơn thủy hữu tình. Cũng từ đó, đã có những áng thơ ca bất hủ, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa và thực tiễn. Thơ ca giáo dục là một môi trường, một loại phương tiện để mỗi người được gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình, thông qua những câu thơ, bài thơ, cha ông ta trực tiếp và gián tiếp giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ con cháu một cách hữu hiệu.

Tại các bản làng của người Tày, Nùng ngày nay, thể loại thơ dân gian truyền thống nói chung và thơ giáo dục nói riêng vẫn được người lớp trước truyền dạy cho lớp sau. Việc giáo dục con cái tu thân, tích đức, hoàn thiện nhân cách sống qua lời ăn, tiếng nói, cách sống hằng ngày, ở đây mang đậm tính gia pháp và lệ làng của đồng bào Tày, Nùng. Đó là một lý giải cho sự bảo tồn và phát triển bền vững vượt qua mọi thăng trầm của thời cuộc, mọi thế hệ người Tày, Nùng ở miền non cao vẫn giữ được nếp sống tốt đẹp của dân tộc mình.

Nội dung của những lời răn dạy rất đa dạng, cha ông dạy người đàn ông sống phải giữ lễ nghĩa, lịch sự, nghiêm trang, biết kính trên, nhường dưới, yêu kính cha mẹ, kính trọng họ hàng, làng xóm. Cách phân thứ bậc được nhấn mạnh như: “Ké cần là hết pỉ nẳng nưa/Luổn loọng pậu tẻ khua tẻ cạ/Là kỉnh căn bấu vả cần khua/Bấu đảy loọng tua hò nỉ ngỏ”. Tạm dịch: “Tuổi hơn là làm chị, làm anh/Gọi bừa người cười chê khó tránh/Ta kính nhau cần theo ngôi thứ/Không được gọi xằng bậy mày tao”. Cha ông ta dạy làm người phải coi trọng người khác, gặp kẻ khốn khó không được cười chê, khinh bạc: “Dá pây khua lạo khỏ khinh cần/Chàu mì tại bân phân định sổ/Slinh mà bấu chử khỏ sắc cần/Khâử củng muổn kim ngần cúa quý/Khâư củng ái hết pỉ nẳng nưa/Nhằng ái đẩy mì lai kim ngần/Mỉnh đây bấu lụ cạ hác pền”. Tạm dịch: “Đừng có chê kẻ nghèo khinh bạc/Giàu sang trời ban phát định rồi/Sinh ra ai đã là giàu có/Ai chẳng muốn làm lớn ngồi trên/Còn mong muốn có thêm vàng bạc/Số hay không cần ước cũng nên”. Người đàn ông trong gia đình cần thông tỏ mọi điều, từ lo liệu việc trọng đại đến việc tu thân, tề gia, làm trụ cột trong nhà: “Ljủc pjỏ chài hjâử lụ mọi tjàng/Njâư khẳm cỏi sở sang slườn lảng/Tứ viểc slườn viểc bản chắc đo/Chắng chử cần chắc lo chắc sẳm/Dá tả slườn tả lảng noòn vjằn/Piầu ngài là loọng căn pjọm nẳng/Kin thôi dá tả vẻng lồng nòn”. Tạm dịch: “Làm trai cho hiểu biết mọi người/Sáng tối hãy sửa sang nhà cửa/Từ việc nhà việc bản đều hay/Mới phải người biết lo biết liệu/Cơm bữa là gọi đủ cả nhà/Ăn xong chớ lăn quay ra ngủ”.

Người Tày, Nùng giáo dục con cháu qua lời ăn tiếng nói, cuộc sống hằng ngày. Ảnh Thế Vĩnh

Người Tày, Nùng giáo dục con cháu qua lời ăn tiếng nói, cuộc sống hằng ngày. Ảnh Thế Vĩnh

Trong việc tu dưỡng của người đàn ông, người Tày, Nùng đặc biệt đề phòng ba điều xấu xa, tệ hại nhất, đó là thói ăn trộm, nghiện hút, cờ bạc. Cổ nhân khuyên nhủ người đàn ông tránh xa thói ăn trộm, đó là thói xấu dễ bị quen: “Lẳc quén lẻ hết mại bấu zoan”, tạm dịch: “Trộm quen là không ngại run tay”. Tệ đua đòi, sử dụng ma túy đã có từ xa xưa trong cộng đồng Tày, Nùng và cha ông ta rất quan tâm dạy bảo con cháu không sa vào cạm bẫy của ma túy: “Tàng kin dén hết lẳc djá rjèo/Djá pjây tham nẳng nưa nòn phjủc”, tạm dịch: “Đường thuốc phiện ăn trộm đừng theo/Đừng có tham ngồi nằm trên chiếu”. Cờ bạc là một thói xấu cần tránh xa. Nhiều người ham chơi, mong muốn có được tiền tài một cách dễ dàng nên sa vào nạn cờ bạc. Cha ông chỉ cho họ thấy cái hại của nó: “Dá tham cúa kim ngần thiên hạ/Tu slườn chàu tẻo vả khỏ khát”. Tạm dịch: “Đừng tham bạc tiền trong thiên hạ/Nhà có của lại hóa khó khăn”. Đàn bà, con gái thì phải đảm đang, hanh thông việc nữ công gia chánh, phong tục, tập quán, làm gương cho con cháu: “Lục mẻ nhình lọm lặp pỉnh phầy/Tắm thúc nhọm phải, khêm mây/Phuối bấu đẩy khỉn hêng pác kén/Hất lăng chứ mủng nả, mủng lăng”. Tạm dịch: “Đàn bà con gái thu vén bếp núc/Canh cửi, nhuộm vải, khéo khâu vá/Nói năng nhẹ nhàng chớ lên giọng/Làm việc gì cũng phải trông trước, ngó sau”.

Từ những hành vi nhỏ nhặt đến những chuyện to tát, cha ông đều căn dặn, dạy bảo, khuyên nhủ, dỗ dành; lời dạy như lời cha mẹ dạy con, ông bà dạy cháu. Dạy từ những điều đơn giản, thiết thực, những điều gom góp lại để tạo thành nhân cách người đàn ông dân tộc Tày, Nùng cần mẫn, kiên cường, biết lo toan cho gia đình, làng xóm, biết giữ lễ nghĩa, sống có đức, có tâm. Qua những lời dạy đó, ta thấy mong muốn của cộng đồng Tày, Nùng đối với các thế hệ kế tục, họ trao cho con cháu mình những trọng trách gánh vác gia đình, làng xóm. Họ chuyển giao cho con cháu nhiệm vụ gìn giữ thuần phong, mỹ tục, gìn giữ sự bình yên của cộng đồng. Việc giữ được mình trong sạch, tránh xa được cạm bẫy của cái xấu, sống có tâm, có đức, lễ độ, khiêm nhường làm gương cho cháu con là những điều vô cùng thiết thực làm nên nhân cách sống tốt đẹp của người công dân trong xã hội. Đến nay và mãi về sau, những lời răn dạy như trên vẫn còn nguyên giá trị.

Thiên Phước

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tho-ca-ran-day-giao-duc-con-chau-cua-nguoi-tay-nung-3178646.html
Zalo