Thiếu làn dừng khẩn cấp - Tai nạn vẫn rình rập trên cao tốc

Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ tai nạn trên đường cao tốc, nhất là cao tốc không có trạm dừng nghỉ hay làn dừng khẩn cấp. Điều này khiến nhiều người dân thấy lo lắng, bất an mỗi khi lưu thông trên các tuyến đường này.

Đề xuất mở rộng 15 đoạn cao tốc Bắc - Nam

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km qua tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ), nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sau khi đưa vào khai thác hồi tháng 5/2023, đây trở thành trục huyết mạch trên hành lang vận tải giữa khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh miền Trung. Lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh nhưng do đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, chưa có làn dừng khẩn cấp, thời gian qua, tuyến cao tốc này xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Vào đêm 8/7, xe khách chở 41 người trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, từ Khánh Hòa vào TP Hồ Chí Minh bị nổ lốp khi qua xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ), phải dừng lại. Lúc này, xe giường nằm phía sau lao tới tông ôtô đang dừng khiến tài xế và phụ xe của phương tiện này tử vong khi xuống kiểm tra. Nhiều khách trên ôtô đang dừng cũng bị thương. Trước đó, trên tuyến này cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn khác.

Không chỉ khu vực trên, nhiều cao tốc khác đang khai thác 4 làn xe hạn chế (chưa có làn dừng khẩn cấp) như Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Cam Lâm, Cam Lâm - Nha Trang... cũng gây áp lực cho tài xế mỗi lần chạy qua. Bên cạnh đó, một số tuyến chỉ có hai làn, chưa có dải phân cách giữa như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, càng làm tăng rủi ro tai nạn.

Tai nạn trên cao tốc vẫn là vấn đề nhức nhối.

Tai nạn trên cao tốc vẫn là vấn đề nhức nhối.

Tính đến nay, cả nước hiện có hơn 2.000km đường cao tốc, trong đó 654km thuộc 11 dự án thành phần nằm trên trục Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (từ 2017-2020) đã được đưa vào khai thác đồng loạt trong những năm gần đây. Giai đoạn 2 (từ 2021-2025), một loạt tuyến cao tốc mới tiếp tục được triển khai với tổng chiều dài khoảng 721km, trong đó cuối năm nay dự kiến 4 dự án thành phần sẽ hoàn thành. Theo Bộ Xây dựng, do khó khăn về nguồn vốn, ở giai đoạn một, nhiều đoạn tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, hoặc 4 làn nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là các tuyến đường được xây dựng phân kỳ (chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp), đang là vấn đề nhức nhối. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên các tuyến đường này như Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan. Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án mở rộng, trong đó tính đến việc triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) sau khi nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 15 đoạn cao tốc Bắc - Nam, hình thức là đầu tư công, thuộc 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2017-2020) và giai đoạn 2 (từ 2021-2025), ngoài 2 đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang được nâng cấp.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng 21 trạm dừng nghỉ

Ngoài việc mở rộng làn cao tốc thì vấn đề trạm dừng nghỉ cũng nhức nhối không kém. Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh, thu phí tự động, kiểm soát tải trọng xe và xây dựng trạm dừng nghỉ tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể, liên quan đến công trình trạm dừng nghỉ, Bộ Xây dựng yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với 21 trạm dừng nghỉ, chậm nhất trong tháng 7/2025. Chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai 19 trạm dừng nghỉ đã ký hợp đồng. Đối với 2 trạm dừng nghỉ còn lại, cần khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo sớm triển khai thi công, cơ bản hoàn thành các hạng mục dịch vụ thiết yếu như khu vệ sinh, bãi đỗ xe khi các dự án thành phần được đưa vào khai thác.

Đối với tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi để thống nhất xác định đơn vị đầu mối và tài khoản tiếp nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là cơ sở để nhà đầu tư ứng trước kinh phí vào ngân sách nhà nước phục vụ công tác chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ. Cùng với đó, cần xác định rõ các đơn vị đầu mối nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai và đảm bảo điều kiện thi công trong suốt quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ động xây dựng phương án quản lý, khai thác các dự án thành phần ngay khi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tiến hành kiểm tra, nghiệm thu và chấp thuận đưa công trình vào khai thác. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ động lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý, khai thác hệ thống giám sát điều hành giao thông; nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phí sử dụng đường bộ; đơn vị vận hành thu phí sử dụng đường cao tốc. Việc này cần được triển khai ngay sau khi các ban quản lý dự án hoàn thành thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và cài đặt phần mềm, nhằm đảm bảo việc thu phí được thực hiện kịp thời, đúng quy định, ngay khi đủ điều kiện khai thác.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/thieu-lan-dung-khan-cap-tai-nan-van-rinh-rap-tren-cao-toc-i775153/
Zalo