Thiếu giáo viên cục bộ, địa phương tìm cách 'xoay sở'

Thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học, nhiều địa phương mong chờ được tăng chỉ tiêu thi tuyển, hy vọng sớm thực hiện chính sách đặt hàng đào tạo với các CSGDĐH.

Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học vì là “lựa chọn ít hấp dẫn”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Môn Tin học là một trong những bộ môn dễ rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Tại thị xã Quảng Yên, hiện đang thiếu 6 giáo viên Tin học cấp trung học cơ sở, 1 giáo viên Tin học cấp tiểu học”.

Lý giải về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy bày tỏ, trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học là môn “dịch vụ”, thường được phổ cập để học sinh có thêm hiểu biết về công nghệ. Nhưng hiện nay, bộ môn này đã trở thành môn bắt buộc, có trong chương trình chính khóa với số tiết khá lớn.

“Trong khi đó, nguồn tuyển không có nhiều. Những ai có thế mạnh về công nghệ thông tin sẽ có rất nhiều lựa chọn ngành học khác nhau. Ngay cả những sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Tin học cũng có nhiều cơ hội việc làm. Chưa kể, mức lương viên chức lại “ít hấp dẫn” hơn nhiều so với việc dạy ở trung tâm hoặc hợp đồng tại các trường tư thục”, cô Thúy cho biết.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên. Thiết kế: Ngọc Huyền.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên. Thiết kế: Ngọc Huyền.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên đã sắp xếp các giáo viên dạy liên trường. Tuy nhiên, nữ Trưởng phòng cũng cho biết, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, không thể giải quyết được tận gốc tình trạng thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy nhận định: “Các đơn vị tự chủ có số lượng biên chế được giao ngày càng thấp. Vì vậy, nhiều giáo viên chỉ được ký hợp đồng, dẫn đến việc không còn “mặn mà” với nghề”.

Theo đó, đối với các trường thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên phân công cho giáo viên bộ môn cùng lúc dạy 2-3 trường. Sẽ có những thầy cô phải “chạy đi chạy lại” giữa các trường khác nhau, trong khi đó, khoảng cách giữa các đơn vị không hề nhỏ. Điều này khiến đội ngũ giáo viên liên trường gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, cô Vi Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, hiện nay, nhà trường cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học.

“Trường hiện thiếu 4 giáo viên các môn Tiếng Anh, Toán, Tin học. Để đảm bảo công tác giảng dạy, nhà trường đã ký hợp đồng với 1 giáo viên Tiếng Anh và thỉnh giảng với 2 giáo viên của các trường trên địa bàn huyện dành cho môn Tin học và Toán.

Khi thiếu giáo viên, buộc nhà trường phải bố trí, sắp xếp cho một số thầy cô dạy vượt định mức số tiết/tuần. Thay vào đó, thầy cô sẽ không phải chủ nhiệm lớp, không thực hiện các nhiệm vụ khác, chỉ tập trung dạy đủ số tiết cho học sinh trong trường”, cô Hiền chia sẻ.

 Cô Vi Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: NTCC.

Cô Vi Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: NTCC.

Dù vậy, theo nữ Phó Hiệu trưởng, việc “xoay sở” sắp xếp giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, cô Hiền chỉ ra: “Với bộ môn Tin học, bên khối trung học phổ thông, nhà trường có thể đảm bảo và sắp xếp được. Do đây là môn lựa chọn, mỗi khối chỉ có một vài lớp chọn học môn này. Còn đối với khối trung học cơ sở, việc phân công giáo viên cần nhiều thời gian và tính toán kỹ lưỡng hơn.

Thầy cô sẽ phải dạy tăng cường, tăng số tiết trong tuần. Bên cạnh đó, ngoài việc giảng dạy, các giáo viên ở trường phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, chẳng hạn như quản lý học sinh ngoài giờ, quản lý học sinh giờ tự học, tham gia các hoạt động về kỹ năng sống cho học sinh,... Đây là những nhiệm vụ không thể cắt giảm”.

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tiên Yên cũng cho biết, nếu không có cơ chế thi tuyển hay bổ sung biên chế cho giáo viên, thầy cô sẽ không yên tâm giảng dạy. Bởi, mức lương hợp đồng hiện nay được đánh giá là khá thấp, đặc biệt với giáo viên Tiếng Anh, Tin học sẽ có nhiều cơ hội việc làm lương cao hơn.

Ưu tiên biên chế, “đặt hàng” đào tạo giáo viên để tăng nguồn tuyển dụng

Thạc sĩ Lê Thị Thủy - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, năm học 2024-2025, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 11.179 người. Trong đó, cán bộ quản lý là 923, giáo viên là 8.514, nhân viên và người lao động là 1.742.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bố trí cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo đề án vị trí việc làm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, phát huy được năng lực, sở trường của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, số giáo viên thiếu so với biên chế được giao là 714 người (trong đó, thiếu 96 giáo viên mầm non, 238 giáo viên tiểu học; 319 giáo viên trung học cơ sở và 61 giáo viên trung học phổ thông). Trong đó, thiếu 164 giáo viên Tiếng Anh và 94 giáo viên Tin học.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương là không có nguồn tuyển, chưa thu hút được sinh viên sư phạm về với địa phương.

 Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán nan giải tại nhiều địa phương. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán nan giải tại nhiều địa phương. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Thạc sĩ Lê Thị Thủy chia sẻ, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

“Từ những khó khăn trong thực tiễn, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục rà soát, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phối hợp tích cực với các cơ sở đào tạo làm tốt công tác tuyên truyền để thu hút sinh viên đến với tỉnh Lai Châu sau khi ra trường, thực hiện tuyển dụng giáo viên, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên còn thiếu.

Thực hiện đánh giá, phân loại giáo viên theo quy định đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ và chính xác; phản ánh đúng với năng lực, phẩm chất của đội ngũ làm căn cứ để thực hiện tinh giản biên chế, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đồng thời, tham mưu chuyển chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm đối với viên chức; tiếp tục phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo nguồn tuyển dụng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030” - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chia sẻ thêm.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, Thạc sĩ Lê Thị Thủy cho biết, cần rà soát, tổ chức, sắp xếp lại cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh đó, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh học sinh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Tại các địa phương, việc thiếu giáo viên cục bộ trong thời gian dài không chỉ khiến chất lượng giáo dục giảm xuống, mà còn là áp lực cho những viên chức đang phải gồng gánh số tiết vượt quá định mức mỗi tuần.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên cũng bày tỏ, cần có chính sách thanh toán ở mức đãi ngộ cao hơn cho các giáo viên dạy liên trường. Bởi, với giáo viên trung học cơ sở hiện nay, định mức là 19 tiết/tuần. Nếu dạy liên trường, số tiết sẽ tăng lên. Các giáo viên liên trường phải được thanh toán tiền lương theo giờ, theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo số lượng giáo viên tại các địa phương, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy cũng có một số kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo các trường đại học để đào tạo những ngành học theo môn học mới, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Chẳng hạn, môn Âm nhạc và Mỹ thuật trước đây là hai môn riêng biệt. Hiện nay, lại được ghép vào thành môn Nghệ thuật. Trong khi đó, các giáo viên cũ chỉ có thể đảm bảo một trong hai môn trên. Điều đó dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ ở các môn này. Với môn Tin học, lựa chọn thi tuyển viên chức dường như ở “cuối danh sách nguyện vọng” của các sinh viên. Với mức lương kém hấp dẫn, sinh viên ngành Sư phạm Tin học cũng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, hoặc tìm đến các thành phố lớn để thi tuyển.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cơ chế đặt hàng giáo viên môn Tin học, Nghệ thuật với các trường đại học. Nếu không, tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn kéo dài. Việc đặt hàng sẽ giúp đảm bảo số lượng và chất lượng của sinh viên sư phạm, đặc biệt giúp phân bố sinh viên tốt nghiệp về với các địa phương vùng sâu, vùng xa”, cô Thúy đề xuất.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-giao-vien-cuc-bo-dia-phuong-tim-cach-xoay-so-post247772.gd
Zalo