Thiếu cơ chế để doanh nghiệp nhà nước phát huy 'đầu tàu'

Số lượng doanh nghiệp nhà nước không lớn, nhưng đóng góp khoảng 29% GDP của cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này vẫn chưa tương xứng với nguồn lực mà họ đang nắm giữ do vướng nhiều khó khăn.

Thay thế “chiếc áo chật”

Trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng tính đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới, đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Để đạt được những mục tiêu này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng sứ mệnh đã được xác định trong nền kinh tế, đó là dẫn dắt những ngành, lĩnh vực then chốt. Cụ thể, trong 5 - 10 năm tới, cần có doanh nghiệp nhà nước nắm được công nghệ đường sắt cao tốc; có doanh nghiệp đạt tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn; và có doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong các chuỗi giá trị của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cơ chế quản lý hiện nay giống như một “chiếc áo quá chật”, không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người đã trực tiếp tham gia xây dựng Luật doanh nghiệp năm 2005, chia sẻ rằng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã có những bước tiến lớn khi áp dụng các nguyên tắc quản trị và kỷ luật kinh tế thị trường từ năm 2006. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, doanh nghiệp nhà nước dường như lại bị bó buộc bởi các quy trình, thủ tục riêng biệt, phức tạp và nhiều tầng nấc.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dẫn chứng rằng, trong gần 20 năm qua, hầu như không có thương hiệu hay nhà quản lý nào từ khu vực doanh nghiệp nhà nước nổi bật. Ngược lại, cùng thời điểm, khu vực tư nhân đã xuất hiện các tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vietjet, Sun Group, TH… Tâm lý sợ thất bại, sợ thua lỗ và sợ tái diễn các trường hợp như Vinashin hay 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đã dẫn đến các quy định ràng buộc doanh nghiệp nhà nước, khiến họ khó tăng vốn, khó mua bán - sáp nhập để mở rộng quy mô.

Doanh nghiệp nhà nước cần cơ chế mở đường để phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Doanh nghiệp nhà nước cần cơ chế mở đường để phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Trước thực trạng này, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng dự thảo vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, một số khái niệm và nội hàm quy định trong dự thảo chưa đồng nhất, chưa tương thích với các luật liên quan. Việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng trong dự thảo chưa đầy đủ, chưa toàn diện và thiếu tính kế thừa từ Luật hiện hành.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng khi dự thảo quy định Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư khác (doanh nghiệp F2), bất chấp việc Nhà nước chỉ đóng vai trò cổ đông hoặc thành viên góp vốn.

Trong một buổi làm việc gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh. Can thiệp bằng các biện pháp hành chính sẽ làm méo mó thị trường và đi ngược lại quy luật phát triển kinh tế. Chính phủ đề xuất giao kế hoạch kinh doanh cho Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, cũng như các quyết định đầu tư kinh doanh, nhằm tăng quyền tự chủ và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đức Ấn nhận định rằng dự thảo luật vẫn thiếu các cơ chế để doanh nghiệp phát huy vai trò “đầu tàu”, tiên phong nắm bắt cơ hội và đầu tư vào các lĩnh vực tư nhân không dám làm. Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi ngành nghề đã được giao. Đồng thời, luật cần tập trung làm rõ quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước, nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, cũng như chuyển trọng tâm giám sát từ quy trình sang kết quả đầu ra và hiệu quả tổng hợp.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thieu-co-che-de-doanh-nghiep-nha-nuoc-phat-huy-dau-tau-158180.html
Zalo