Thiết kế tàu chuyên dụng chạy tuyến thủy nội địa mẫu ĐBSCL - Cái Mép - TP.HCM

Chiều 4/7, Vụ Vận tải Bộ GTVT chủ trì cuộc họp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Gemadept về việc triển khai nghiên cứu tuyến vận tải thủy mẫu ĐBSCL - Cái Mép - Đồng Nai - TP.HCM.

Đề xuất đóng tàu mới chạy trên tuyến mẫu

Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Gemadept cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị này đã nỗ lực tìm kiếm, rà soát các tàu cấp đăng kiểm VR giai đoạn từ 2005 - 2022 để tìm những con tàu phù hợp chạy tuyến mẫu với độ sâu tim luồng từ 5,6 - 6,4m.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các con tàu phù hợp rất khó khăn, bởi do đặc trưng thủy văn của ĐBSCL (bồi lắng phù sa), khó có tàu phù hợp với tuyến mẫu.

Trong khi đó, tàu container trên thị trường không có loại tàu nhỏ nào để vận chuyển hàng container ngoài các tàu sông SI.

Nếu tìm các tàu khác, do có sự khác nhau trong thiết kế hầm hàng (thông thường là hình phễu đối với tàu hàng rời) nên không tận dụng được dung tích của hầm hàng để chở container như hình dáng các tàu container (box-shaped).

Gemadept kiến nghị Bộ GTVT cho phép đơn vị này phối hợp với Cục Đăng kiểm và các cơ quan chức năng làm việc với các công ty đóng tàu để thiết kế đóng sà lan SB chạy tuyến mẫu với khả năng chuyên chở từ 200-300 container.

Các tàu này có nắp hầm hàng có thể trượt được, chiều dài 99m, có khoảng 40 ổ cắm điện lạnh, tĩnh không cho 4-5 lớp container, ngang 6 hàng container. Tàu có chân vịt mũi, tốc độ 7-8 hải lý/h.

Tuyến vận tải mẫu này đưa vào hoạt động sẽ nâng cao hiệu quả khai thác, giảm giá thành đáng kể.

Tuyến vận tải mẫu này đưa vào hoạt động sẽ nâng cao hiệu quả khai thác, giảm giá thành đáng kể.

Như vậy, sà lan SB này sẽ chạy chuyên tuyến ĐBSCL - Cái Mép - Sài Gòn - Đồng Nai, không cần tàu lai, hoa tiêu theo tiêu chuẩn vận tải thủy nội địa.

Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất làm việc với Vụ Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Bộ GTVT để có hướng dẫn các bước tiến hành lúc thiết kế, thi công đóng mới tàu cho đến khi nghiệm thu, đưa con tàu và khai thác tuyến mẫu.

Gemadept cũng đề xuất được giữ bản quyền thiết kế của các loại tàu này sau khi con tàu đóng mới được thí điểm và đưa vào áp dụng thành công.

Cũng theo Gemadept, đơn vị này đã nghiên cứu khả thi tuyến mẫu kết nối ĐBSCL với khu vực cảng Cái Mép và Cát Lái khi đi vòng qua biển và qua kênh Quan Chánh Bố. ĐBSCL là vựa nông - thủy - hải sản của cả nước. Đồng thời, có tới 70-75% lượng hàng xuất khẩu hàng năm của vùng ĐBSCL được vận chuyển lên cụm cảng khu vực HCM và Cái Mép - Thị Vải.

Theo đánh giá ban đầu của Gemadept, khi ra đời tuyến mới, trong giai đoạn 5 năm đầu tiên hoạt động, sản lượng trên tuyến này sẽ tăng trưởng ít nhất 20%/năm.

Có thể thuê tàu nước ngoài chạy thử

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho rằng, hiện nay, một số đoạn luồng trên tuyến do phù sa bồi lắng nhiều năm qua nên trước mắt, cần thử nghiệm những chuyến tàu có mớn nước phù hợp và về lâu dài, sẽ nạo vét luồng để đảm bảo cho những tàu lớn hơn qua lại.

Theo đại diện Chi cục Đường thủy nội địa, với những lợi ích to lớn mà tuyến mẫu mang lại cần sớm hoàn tất các thủ tục để tàu SI nhanh chóng được đưa vào vận hành trên tuyến.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bên, nhất là Gemadept trong việc nghiên cứu mở tuyến mẫu nói trên.

Việc các đơn vị thống nhất lập tuyến vận tải thủy từ Cần Thơ đến Cái Mép - Thị Vải là cần thiết. Đây cũng chính là mong muốn để phát triển vận tải thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ, và giảm giá thành vận tải, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực ĐBSCL.

Tuyến luồng thủy nội địa khu vực ĐBSCL.

Tuyến luồng thủy nội địa khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Công Bằng cho rằng, từ trước đến nay nguồn hàng chưa tập trung, việc tạo tuyến vận tải sẽ thúc đẩy việc thu gom hàng hóa khu vực. Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của Gemadept, sẽ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, trình lãnh đạo Bộ xem xét. Đề nghị doanh nghiệp cam kết việc thử nghiệm đủ thời gian, để cơ quan có thẩm quyền đánh giá hiệu quả.

Cũng theo ông Bằng, trong thời gian thí điểm, có thể sử dụng các loại tàu biển, sà lan biển có tính năng phù hợp. Cũng có thể thuê tàu nước ngoài chạy thử. Đối với phương tiện VR-SI chạy trên tuyến nghiên cứu, cần có đánh giá cụ thể về điều kiện sóng, gió, tuyến chạy tàu, độ sâu chạy tàu, thông tin về các bến tàu tiếp nhận phương tiện thủy nội địa, và khả năng đảm bảo an toàn của phương tiện SI, thời gian chạy tàu trong năm.

Về các thủ tục hành chính, quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, ngay sau cuộc họp này Vụ sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ triển khai các bước tiếp theo.

Mai Huyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thiet-ke-tau-chuyen-dung-chay-tuyen-thuy-noi-dia-mau-dbscl-cai-mep-tphcm-1922407042204408.htm
Zalo