Thích ứng linh hoạt, nâng cao chất lượng phục vụ

Chính quyền tỉnh Quảng Trị (mới) chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 2 cấp từ ngày 1/7/2025. Cùng với đó, hệ thống tổ chức hành chính các cấp, trong đó có Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh được điều chỉnh về mô hình, chức năng và phạm vi hoạt động. Những ngày đầu sáp nhập tỉnh, trung tâm đã đi vào vận hành nhịp nhàng, cho thấy sự chuẩn bị bài bản, thích ứng linh hoạt và quyết tâm cải cách mạnh mẽ vì người dân, doanh nghiệp.

Người dân làm thủ tục thu hồi con dấu.

Người dân làm thủ tục thu hồi con dấu.

Thích ứng linh hoạt, ổn định vận hành

Việc sáp nhập địa giới hành chính kéo theo sự điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức và chức năng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Trị (mới)-đơn vị hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), ban hành ngày 9/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc, định hình lại vai trò và nhiệm vụ của trung tâm trong giai đoạn mới.

Theo đó, chức năng của trung tâm được mở rộng và chuyên nghiệp hóa hơn, tập trung vào việc quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tham mưu, đề xuất các giải pháp cải cách TTHC; thực hiện công khai, minh bạch TTHC; tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp...

Để thích ứng kịp thời, tỉnh đã quyết định duy trì song song 2 địa điểm hoạt động của trung tâm tại 2 phường: Đồng Hới và Đông Hà. Đây là giải pháp mang tính linh hoạt nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân ở cả 2 vùng địa lý cũ.

Ngay trong những ngày đầu vận hành, cả 2 cơ sở đã hoạt động nghiêm túc, đồng bộ. Không khí làm việc khẩn trương, cường độ cao. Cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ đều được bố trí đầy đủ, trang bị các phần mềm hỗ trợ và đường truyền dữ liệu đồng bộ, bảo đảm mọi giao dịch diễn ra thông suốt.

Nhiều cán bộ có mặt tại vị trí từ rất sớm để chuẩn bị hồ sơ, mở phần mềm, rà soát dữ liệu. Người dân khi đến làm thủ tục đều ghi nhận sự hỗ trợ tận tình của cán bộ, đặc biệt trong việc hướng dẫn điền biểu mẫu mới, chuẩn bị hồ sơ theo danh mục thay đổi...

“Công việc nhiều hơn, áp lực lớn hơn nhưng chúng tôi xác định đây là giai đoạn then chốt, phải nỗ lực gấp đôi để tạo niềm tin cho người dân với bộ máy mới”, chị Phạm Thị Thảo Nhi, chuyên viên Sở Công thương chia sẻ.

Điểm đáng chú ý là sau khi sáp nhập, toàn bộ hệ thống dữ liệu, đầu mối cơ quan, tổ chức, con dấu và chữ ký số của các sở, ban, ngành 2 tỉnh cũ đều phải rà soát, điều chỉnh, hợp nhất. Chính vì vậy, chỉ trong vài ngày đầu vận hành chính quyền mới, trung tâm đã ghi nhận sự gia tăng lượng hồ sơ liên quan đến thu hồi, cấp đổi con dấu, cũng như các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hành chính. Chỉ tính riêng trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, Trung tâm PVHCC tỉnh tại 2 cơ sở đã tiếp nhận 1.547 hồ sơ về lĩnh vực thu hồi, cấp đổi con dấu, trong đó, cơ sở 1 có 1.222 hồ sơ, cơ sở 2 có 325 hồ sơ.

Nhằm bảo đảm phục vụ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Trị đã bố trí thêm cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận hồ sơ, cả ngoài giờ hành chính. Nhờ đó, quy trình giải quyết diễn ra khá nhanh chóng, thuận lợi. “Tôi đến làm thủ tục thu hồi con dấu của Hội Người cao tuổi xã Hiền Ninh cũ. Quy trình thực hiện khá nhanh chóng, thuận lợi nên chỉ mất khoảng 30 phút, tôi đã hoàn tất thủ tục”, ông Lê Ngọc Châu (xã Trường Ninh) chia sẻ.

Lượng người đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong những ngày đầu sáp nhập khá đông.

Lượng người đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong những ngày đầu sáp nhập khá đông.

Khẳng định vai trò “cửa ngõ phục vụ” của chính quyền hiện đại

Để bảo đảm hệ thống hành chính công không bị gián đoạn sau ngày 1/7, tỉnh đã triển khai kế hoạch vận hành theo lộ trình 3 giai đoạn: Chuẩn bị, thử nghiệm và hoàn thiện. Trước thời điểm chính thức vận hành, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm dùng chung, tài khoản cán bộ, con người và thiết bị văn phòng đã được rà soát, điều chuyển và đồng bộ hóa. Các sở, ngành cũng đã tiến hành bàn giao nhiệm vụ, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức về quy trình giải quyết TTHC trong điều kiện địa giới hành chính và hệ thống cơ quan mới.

Bên cạnh việc tổ chức bộ máy, trung tâm cũng tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số và cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó, các nội dung trọng tâm, gồm: Cập nhật lại toàn bộ dữ liệu TTHC, tên gọi cơ quan chủ trì, địa danh mới; nâng cấp phần mềm một cửa điện tử tích hợp hệ thống liên thông với Cổng DVCQG; tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân; thống kê, phân loại nhóm thủ tục phát sinh mới do sáp nhập để hướng dẫn đồng bộ...

Anh Hồ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh cho biết: Có thể nói, việc vận hành ổn định trung tâm sau sáp nhập là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành và sự quyết tâm cải cách hành chính từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn, trung tâm cũng đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và quyết tâm cao. Việc tích hợp 2 hệ thống dữ liệu hành chính của 2 tỉnh cũ là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao và thời gian. Bất kỳ sai sót hay chậm trễ nào cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình giải quyết TTHC.

Sự liên thông giữa trung tâm chính tại Đồng Hới và cơ sở 2 tại Đông Hà cần được bảo đảm tuyệt đối về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, với phạm vi địa lý rộng lớn hơn, việc bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền để giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông là rất quan trọng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hay kéo dài thời gian xử lý...

Để vượt qua những thách thức và tận dụng triệt để các cơ hội, trung tâm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là xây dựng văn hóa phục vụ chuyên nghiệp, tận tâm.

Với sự quyết tâm và nỗ lực chung, trung tâm đang từng bước chứng minh vai trò là “cửa ngõ phục vụ” của chính quyền hiện đại, phục vụ hiệu quả, toàn diện, đồng thời là biểu tượng của tinh thần đổi mới, sáng tạo và đoàn kết sau sáp nhập. Đây cũng là một trong những dấu ấn đầu tiên, rõ nét nhất của một tỉnh mới được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Tâm An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thich-ung-linh-hoat-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-195534.htm
Zalo