Thị trường nông, thủy sản: Giá đồng loạt hạ, xuất khẩu gặp lực cản

Giá lúa gạo, cà phê và cá tra giảm mạnh trong tuần qua do nhu cầu quốc tế chậm lại và áp lực từ nguồn cung tăng cao. Trong khi đó, một số mặt hàng thủy sản như tôm, mực giữ giá ổn định nhưng triển vọng xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước các rào cản kỹ thuật và thuế quan từ thị trường Mỹ, EU.

Tuần qua (14–19/7), thị trường nông thủy sản trong nước ghi nhận xu hướng giảm giá lan rộng, đặc biệt ở các nhóm mặt hàng chủ lực như lúa, gạo và cà phê. Trong khi đó, thủy sản có diễn biến phân hóa: tôm và mực giữ giá tương đối ổn định, cá tra và cá ngừ tiếp tục chịu áp lực tiêu thụ từ thị trường quốc tế.

Lúa gạo gặp khó. Ảnh: TC.

Lúa gạo gặp khó. Ảnh: TC.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá lúa tươi phổ thông như IR50404 duy trì quanh mức 6.000 - 6.200 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, Jasmine giao dịch từ 6.300 - 6.500 đồng/kg. Riêng lúa Nhật có nơi ghi nhận mức giá lên tới 7.600 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gạo nguyên liệu giảm đáng kể do nhu cầu chậm lại. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện còn 9.529 đồng/kg, giảm gần 200 đồng so với tuần trước. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện khoảng 396 đô la/tấn, giảm nhẹ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ và Thái Lan.

Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu trong tuần, về mức 89.500 - 90.300 đồng/kg, mất từ 2.300 - 2.800 đồng/kg – mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Diễn biến này phản ánh xu hướng chốt lời từ các quỹ đầu tư quốc tế sau khi giá lên quá cao trong quí 2, đồng thời thị trường đang điều chỉnh theo thông tin về sản lượng cải thiện từ Brazil – nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Ở nhóm thủy sản, giá tôm thẻ và tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL ổn định, dao động từ 110.000 - 160.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Nhu cầu từ châu Âu và Mỹ tiếp tục hỗ trợ giá, dù thị trường Trung Quốc có phần trầm lắng. Ngược lại, giá cá tra nguyên liệu suy yếu về khoảng 30.000 - 33.000 đồng/kg do tiêu thụ chậm tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU, cộng với lo ngại về chính sách thuế chống bán phá giá mới từ Hoa Kỳ.

Thị trường cá ngừ đại dương tiếp tục ảm đạm. Giá cá ngừ mắt to đông lạnh tại các chợ Nhật Bản như Toyosu duy trì quanh mức 650 yên/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 13%. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ trong nước đang gặp khó trong việc mở rộng thị trường do rào cản IUU và chi phí logistics tăng cao.

Ngược lại, nhóm mực và bạch tuộc ghi nhận điểm sáng. Giá mực ống loại 1 tại các tỉnh duyên hải miền Trung dao động quanh mức 200.000 đồng/kg, giữ vững so với đầu tháng. Xuất khẩu mực và bạch tuộc trong quí 2 tăng trưởng 13,8% so với cùng kỳ, đạt 101 triệu đô la, nhờ nhu cầu phục hồi tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Về tổng thể, hoạt động xuất khẩu nông – thủy sản trong nửa đầu tháng 7 đang chững lại do ảnh hưởng từ chi phí logistics, tỷ giá biến động và các rào cản kỹ thuật. Một số ngành hàng như gạo và mực vẫn giữ được đà, song phần lớn đang đối mặt với áp lực dư cung và thị trường quốc tế không còn thuận lợi như đầu năm.

Hồng Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-nong-thuy-san-gia-dong-loat-ha-xuat-khau-gap-luc-can/
Zalo