Thị trường Halal Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia

Các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia-Việt Nam ngày 21/7 cho rằng, dư địa hợp tác của hai nước còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là thị trường Halal đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia muốn thâm nhập sâu.

Phiên thảo luận Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia – Việt Nam ngày 21/7. Ảnh: Phương Thảo.

Phiên thảo luận Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia – Việt Nam ngày 21/7. Ảnh: Phương Thảo.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Dato’ Theng Bee Han, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam cho biết, xu hướng phát triển thương mại, đầu tư trong khu vực ASEAN ngày càng phát triển trong những năm tới. ASEAN dần trở thành một trong những thể chế kinh tế lớn mạnh nhất trên thế giới.

“Trong đó, Việt Nam đang trên con đường trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong khu vực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Malaysia là đối tác thương mại hàng đầu và là một trong những nước đầu tư lớn vào Việt Nam. Hai nước đang hướng tới mục tiêu 18 tỷ USD về giá trị thương mại và đầu tư”, ông Dato’ Theng Bee Han đánh giá về thị trường Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia Việt Nam, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mà Malaysia mở phòng thương mại đại diện. Điều đó giúp hai nước có nhiều tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng trong thương mại, đầu tư nhiều hơn nữa.

“Một trong số những nỗ lực của Phòng thương mại Malaysia tại Việt Nam là đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp Halal. Bởi đây là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng lớn mạnh trong giao thương hai nước khi khách du lịch Malaysia sang Việt Nam đang ngày một tăng”, ông Dato’ Theng Bee Han lý giải.

Chia sẻ góc nhìn cụ thể hơn về lĩnh vực hợp tác này, ông Datuk Wira Arham Abdul Rahman, Giám đốc Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) nhìn nhận, Halal là lĩnh vực rất tiềm năng, đây không chỉ là thực phẩm ăn hàng ngày mà còn là hệ sinh thái có thể thúc đẩy và huy động tổng lực hai nước, nhất là về thương mại, đầu tư.

Bên cạnh đó, Giám đốc MIDA cho biết, Malaysia là một trong những nước đã thông qua chiến lược phát triển bền vững. Đây là yếu tố quan trọng nhất cho lộ trình phát triển trong tương lai. Các quốc gia trên thế giới cũng đang theo đuổi các sáng kiến phát triển bền vững. Tới năm 2033, sẽ có những chương trình phát triển bền vững toàn cầu được Liên Hợp Quốc thông qua.

“Trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia có nhiều dư địa để hợp tác trong các sáng kiến bền vững như công nghệ mới, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo”, ông Datuk Wira Arham Abdul Rahman gợi mở.

Nhiều dư địa hợp tác từ thị trường Halal. Ảnh: TTXVN.

Nhiều dư địa hợp tác từ thị trường Halal. Ảnh: TTXVN.

Xóa bỏ rào cản hợp tác thông qua giao lưu văn hóa

Từ việc xác định các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra các gợi mở về phương thức tăng cường hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia.

Ông Vinh nhìn nhận, mối quan tâm của doanh nghiệp hai nước là làm thế nào để thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Malaysia nhiều hơn nữa từ những hợp tác thương mại, đầu tư.

“Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, hợp tác doanh nghiệp hai nước thời gian qua vẫn có những chênh lệch như Việt Nam đầu tư vào Malaysia còn ít hơn Malaysia đầu tư vào Việt Nam. Hay kim ngạch thương mại hai nước còn chưa cân bằng về xuất siêu, nhập siêu. Đây là những thách thức cần hai nước sớm giải quyết”, ông Vinh nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cần thúc đẩy những cam kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước để biến các mục tiêu thành hiện thực.

Chia sẻ về kỷ niệm làm việc tại Việt Nam, ông Datuk Mohd Mustafa Abdul Aziz, Giám đốc Cục xúc tiến thương mại Malaysia (Matrade) cho biết, ông rất ấn tượng về những người bạn, người đồng nghiệp nước sở tại đã nhiệt tình hỗ trợ.

Theo Giám đốc Matrade, một trong những thách thức cần vượt qua khi doanh nghiệp Malaysia đầu tư tại Việt Nam là rào cản ngôn ngữ, khác nhau về văn hóa doanh nghiệp, yêu cầu tuân thủ pháp chế kinh doanh của.

Do đó, việc thúc đẩy trao đổi văn hóa sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, tạo thuận lợi cho các hợp tác thương mại, đầu tư.Từ đây đến cuối năm, Matrade sẽ có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu các hoạt động văn hóa Malaysia tới Việt Nam.

“Matrade đặt ra mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia gắn kết chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu lẫn nhau về các điểm tương đồng và các lĩnh vực có thể hợp tác”, ông Datuk Mohd Mustafa Abdul Aziz cho biết.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-halal-viet-nam-thu-hut-nhieu-doanh-nghiep-vua-va-nho-malaysia-post24535.html
Zalo