Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Mảnh đất thu hút vốn ngoại

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với quy mô hiện nay khoảng 2,8 tỷ USD và dự báo năm 2030 đạt 28 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư ngoại đã đổ vốn M&A vào các DN bảo hiểm Việt nhưng suốt 20 năm qua có rất ít thành công.

Doanh nghiệp top đầu giữ vị thế

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%. Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, từ 2019 - 2023, top 10 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ chiếm đến 78% doanh thu toàn thị trường. Có thể kể đến một số tên tuổi như PVI, Bảo Việt, PTI, MIC… nhóm này luôn duy trì được vị thế dẫn đầu, ít có xáo trộn vị trí trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Điểm dễ nhận thấy ở các DN nhóm đầu là sức khỏe tài chính tốt, nguồn vốn mạnh mẽ từ hệ sinh thái tập đoàn nhà nước, cũng như các tổ chức tín dụng đứng sau. Đằng sau ông lớn dẫn đầu thị trường PVI là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, PTI là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MIC là ngân hàng quân đội MBBank, hay như Bảo Minh, Bảo Việt 2 DN bảo hiểm phi nhân thọ lâu năm nhất tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã đổ vốn M&A vào các DN bảo hiểm Việt. Ảnh minh họa

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã đổ vốn M&A vào các DN bảo hiểm Việt. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, cơ cấu cổ đông của nhóm DN top đầu này đã có sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thuộc top đầu toàn cầu. Có thể kể đến sự hiện diện của HDI Global SE (Đức), Funderburk Lighthouse (quỹ đầu tư của Chính phủ Oman), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trong cơ cấu cổ đông của PVI, hay Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) và Công ty TNHH Firstland được cho là đang nắm giữ hơn 20% vốn của bảo hiểm Bảo Minh.

Tương tự, Hyundai Marine & Fire Insurance - HMFI cũng đã mua cổ phần để nắm giữ 25% vốn điều lệ của VBI. Bangkok Insurance và PICC P&C (Tập đoàn bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc) đã có sự hợp tác với Bảo Việt từ năm 2018.

Cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, được hậu thuẫn bởi 1 số ngân hàng mẹ hàng đầu Việt Nam hoặc tập đoàn lớn như BIDV, Agribank, Vietinbank, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nhóm BIC, VBI, PJICO là 3 điểm sáng đáng kể khi có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây.

BIC được xem là cái tên nổi trội nhất với sự tăng trưởng của thị phần đều đặn, trong 4 năm từ 2019, con số chiếm lĩnh của BIC tăng từ 3,8%, năm 2020 là 4,2%, 2021 tăng lên 4,6%, 2022 đạt 5,2% và hiện thị phần của BIC là 6,4% trong năm 2023 đứng vị trí thứ 6 thị trường. BIC đang đặt mục tiêu lọt vào top 5 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất vào năm 2025 với sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại là Fair Fax Asia chiếm 35% cổ phần. Tại của VBI, trong suốt 4 năm luôn duy trì sự tăng trưởng đều đặn, tuy nhiên con số cũng chỉ là rất nhỏ ở mức 3,6% năm 2019 và tăng lên 4,9% thị phần vào năm 2023.

Tương tự là PJICO, 2023 là năm đầu tiên công ty này cán mốc 4.000 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của PJICO đạt 283,68 tỷ đồng. Thị phần mấy năm qua luôn duy trì ở mức 5 - 6% qua nhiều năm. Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đón những chuyển biến mới với kỳ vọng Bảo hiểm DB Insurance trong thương vụ M&A với VNI và BSH. Đến nay, DB đang nắm 75% vốn điều lệ tại VNI, BSH và 37% vốn điều lệ PTI.

Tuy vậy, những con số tích cực của BIC hay PJICO chưa “thấm” vào đâu so với doanh thu của PVI, Bảo Việt hay Bảo Minh. Cụ thể, kết thúc năm 2023, toàn hệ thống PVI đã hoàn thành các chỉ tiêu với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.083 tỷ đồng, Bảo Việt đạt 11.752 tỷ đồng, còn Bảo Minh là hơn 6.600 tỷ đồng.

Nhóm dưới ít cơ hội

Trái ngược với nhóm trên, phần còn lại gồm 22 DN đang chỉ chiếm khoảng gần 22% thị phần lại đang cạnh tranh khắc nghiệt để tìm chỗ đứng. Hiện nay, nhiều DN trong nhóm này có sự góp mặt của những đối tác ngoại tên tuổi nhưng đa số chưa thành công và không ít nhà đầu tư đã thất bại, rút lui.

Nhà đầu tư ngoại lứa đầu tiên đặt chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2001, được cấp phép vào năm 2005 là Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam với sự hậu thuẫn từ Groupama Assurances Mutuelles - một tập đoàn bảo hiểm danh tiếng của Pháp

Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, Bộ Tài chính vừa có công văn chấp thuận cho Tasco được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam. Đánh dấu sau gần 20 năm hiện diện, Groupama chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam.

Vào tháng 5/2012, Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Úc IAG đã hoàn tất việc mua 30% cổ phần của Công ty cổ phần bảo hiểm AAA. Chưa đầy 1 năm sau, chính tập đoàn này đã tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại Bảo hiểm AAA lên 60,9%.

Sau gần 10 năm nắm giữ, đến cuối 2021, Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Financial mua lại 80,64% cổ phần và thay thế IAG trở thành cổ đông lớn nhất của AAA. Và đây có thể xem là một thương vụ không mấy thành công của AIG.

Năm 2011, Tập đoàn Bảo hiểm ERGO (Đức) đã mua 10 triệu cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), sở hữu 25% cổ phần. Thời điểm đó, hai bên kỳ vọng, thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp nâng cao vị trí của GIC trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Trái ngược với những kỳ vọng, sau hơn 10 năm tham gia rót vốn vào GIC, DN vẫn chiếm một thị phần khá nhỏ trong thị trường phi nhân thọ. Thị phần 2019 là 2,6% nhưng đến cuối 2023, con số này giảm chỉ còn 2,2%.

Tương tự, AFC Vietnam Fund (AFC VF Limited) quỹ đầu tư đến từ Cayman Islands là cổ đông vốn ngoại của Bảo hiểm nông nghiệp ABIC hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm có cổ đông ngoại, công ty bảo hiểm này vẫn nằm ở nhóm cuối, thậm chí thị phần từ 2019 đến nay còn có xu hướng giảm từ 3,3% xuống còn 2,8%.

Có thể thấy, một điểm chung của các thương vụ nêu trên là nhà đầu tư ngoại gia nhập từ khá sớm, tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ, có kinh nghiệm hàng trăm năm trên thế giới… nhưng sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, đa số đều phải có lựa chọn mới không vui vẻ đó là: rút khỏi thị trường hoặc chấp nhận mòn mỏi chờ thêm cơ hội mới

Thực tế, trong sự cạnh tranh khốc liệt, một số những thương hiệu nhỏ đang tỏ ra yếu thế hơn. Những cái tên ở nhóm dưới như GIC, ABIC, Bảo Long… có điểm chung là cũng đã có nhà đầu tư ngoại vào từ nhiều năm nhưng chưa thể hiện được gì nhiều và DN cũng vất vả chuyện giữ 1 - 3% thị phần để tồn tại. Thậm chí, có DN còn bị giảm thị phần.

Theo các chuyên gia về tài chính, phần lớn các DN nhỏ này đều nhận rõ bất lợi của mình trong cạnh tranh và sớm tìm đến các đối tác ngoại như một hướng mở để phát triển với kỳ vọng nhiều về sự hỗ trợ từ tài chính, quản trị và thị trường. Tuy nhiên, thực tế thì đến nay đa số đều không như mong đợi.

Với đặc thù của bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam thì bảng xếp hạng thị phần Top 10 của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ được cho là khó có sự thay đổi lớn trong thời gian tới và cơ hội cho các DN nhỏ là khá hạn hẹp. Cuộc cạnh tranh tìm một chỗ đứng trên thị trường của nhóm DN này quá khó, và điều đó dường như không phù hợp với tầm nhìn của nhiều cổ đông là tập đoàn ngoại.

Lưu Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-truong-bao-hiem-phi-nhan-tho-manh-dat-thu-hut-von-ngoai-2292374.html
Zalo