Thị trường bán lẻ khởi sắc, doanh thu dịch vụ hấp dẫn các nhà đầu tư

Trong nửa đầu năm 2024, bức tranh kinh tế của nước ta có nhiều khởi sắc, điểm sáng đáng ghi nhận là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall Long Biên Hà Nội. Ảnh tư liệu

Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall Long Biên Hà Nội. Ảnh tư liệu

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.580 nghìn tỷ đồng

Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào đã góp phần kiểm soát lạm phát.

Đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn

Việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có nhiều “ông lớn” bán lẻ nước ngoài đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu - PGS. TS Nguyễn Thường Lạng

Hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng của năm 2024 ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.998,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 15,5%.

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,8%; Hà Nội tăng 6,7%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thương mại, nhờ doanh thu bán lẻ hàng hóa và hoạt động du lịch của một số địa phương tăng cao, giúp cho công tác điều hành kinh tế của nước ta đạt được mục tiêu kép vừa tạo động lực cho kinh tế phục hồi phát triển vừa góp phần kiềm chế lạm phát.

Đồng thuận với đánh giá nêu trên, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, điểm sáng đưa chỉ số tăng trưởng doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.580 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 là có sự góp phần đáng kể của hoạt động du lịch nở rộ, tăng trưởng vượt bậc sau dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước: Đà Nẵng tăng 52%; TP. Hồ Chí Minh tăng 46%; Hà Nội tăng 44,6%; Quảng Ninh tăng 18%.

Còn nhiều dư địa để đầu tư vào thị trường bán lẻ

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng như trong nửa đầu năm 2024, thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, mới đây, ngày 1/6, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm.

Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) mới đây cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki chia sẻ, năm 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. "Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của Aeon, chúng tôi đồng thời cũng sẽ mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác" - đại diện Aeon nói.

Bình luận về xu thế làn sóng đầu tư nêu trên, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có nhiều “ông lớn” bán lẻ nước ngoài đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Để bình ổn và phát triển thị trường trong nước trong năm 2024, ông Nguyễn Thường Lạng đề xuất, Bộ Công thương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá. Bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

BÀ NGUYỄN THỊ HƯƠNG - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ: Khu vực bán lẻ dịch vụ là điểm sáng trong năm 2024

Với những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024, mức doanh thu đạt hơn 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, khu vực bán lẻ dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024.

Thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu…

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Thúc đẩy thị trường trong nước là giải pháp hữu hiệu

Thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa và đặc biệt là có chính sách hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh, cũng như chi phí quầy kệ của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt lưu ý tới kết nối giao thương giữa các đơn vị để giảm thiểu thời gian chuyển hóa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, đưa sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý đến với người tiêu dùng nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu...

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-ban-le-khoi-sac-doanh-thu-dich-vu-hap-dan-cac-nha-dau-tu-152609-152609.html
Zalo