Thí sinh không phải tự quy đổi điểm tương đương trúng tuyển

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, thí sinh không phải tự quy đổi điểm tương đương trúng tuyển nhưng bắt buộc đăng ký trực tuyến các nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội - ngày 19/7.

Thí sinh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội - ngày 19/7.

Bảo đảm công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển

Năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển đối với một ngành đào tạo. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thí sinh sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), khái niệm quy đổi tương đương điểm trúng tuyển nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất là bước hiệu chỉnh kĩ thuật sử dụng lí thuyết khảo thí, nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển cũng như giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau.

Cách đánh giá năng lực người học thông qua điểm số, chẳng hạn từ kết quả điểm thô (raw score) của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những cách thức phổ biến có tính định lượng cao được sử dụng ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, việc sử dụng trực tiếp điểm thô của các môn sẽ không thực sự công bằng, nếu độ khó của đề thi giữa các môn có nhiều khác biệt.

Dẫn ví dụ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đặt giả thiết, môn A khó hơn, có điểm trung bình là 5, so với trung bình môn B là 7. Như vậy, một học sinh đạt 6 điểm ở môn A (cao hơn trung bình của chính môn đó) rõ ràng phải được đánh giá cao hơn học sinh đạt 6 điểm ở môn B (thấp hơn trung bình của chính môn đó). Nhưng nếu chỉ cộng điểm thô, thì sẽ không thể hiện được sự khác biệt này, không thể hiện sự chênh lệch này.

Vì vậy, cần sử dụng lý thuyết khảo thí theo cách tính khách quan khoa học để xác định bao nhiêu điểm của tổ hợp này thì "tương đương" với bao nhiêu điểm của tổ hợp kia ở ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng triển khai việc quy đổi điểm thi giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau. Chẳng hạn, giữa điểm thi theo phương thức đánh giá năng lực về điểm thi tốt nghiệp THPT tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển.

 Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Nguyễn Ngọc Hà trao đổi, trong lý thuyết khảo thí, các phương pháp để hiệu chỉnh điểm thô như: Z-score (điểm Z), Robust Z-score (điểm RZC), T-score (điểm T), điểm bách phân vị... thường được sử dụng vì giúp loại bỏ (hoặc ít nhất là giảm thiểu) sự chênh lệch về độ khó giữa đề thi của các môn khác nhau, bằng cách chuẩn hóa điểm số trong từng môn theo phân phối nội tại của môn đó.

Nhờ đó, điểm của thí sinh ở các môn khác nhau được đưa về cùng một thang chuẩn hóa chung, giúp so sánh một cách công bằng và nhất quán hơn. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, nếu quy đổi điểm thô ra các loại điểm này với mục đích tuyển sinh sẽ gây khó hiểu đối với xã hội do không được quen dùng.

Vì thế, chỉ nên sử dụng ở bước trung gian để bảo đảm công bằng. Còn kết quả cuối cùng lại trả về tổng điểm thô của mỗi tổ hợp tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển. Chẳng hạn, trong phương pháp gần đúng đơn giản nhất, trong trường hợp 2 phổ điểm có cùng phân phối, nếu điểm trung bình của môn A là 5, môn B là 7, thì độ chênh điểm thô giữa hai môn là 2 điểm.

Khi đó, điểm 6 môn A được coi là tương đương điểm 8 môn B. Tất nhiên, cách thức áp dụng thực tế sẽ phức tạp hơn để bảo đảm tính công bằng trong mọi trường hợp phân phối phổ điểm.

Tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển cho thí sinh

 Phụ huynh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội - ngày 19/7.

Phụ huynh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội - ngày 19/7.

Khẳng định, thí sinh không phải tự quy đổi điểm, ông Nguyễn Ngọc Hà lưu ý, các em chỉ cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Việc hiệu chỉnh sẽ được Bộ GD&ĐT và các trường đại học thực hiện theo hướng dẫn cụ thể.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19/3/2025, trong đó có quy định về các nguyên tắc chung quy đổi và hiệu chỉnh điểm. Việc công bố độ chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ là nguồn tham khảo quan trọng giúp thí sinh có thể lựa chọn tổ hợp có lợi nhất khi xét tuyển.

Điều này đặc biệt quan trọng với những thí sinh có điểm số chỉ đạt mức trung bình ở một số môn nhưng vẫn có thể tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển nhờ cách lựa chọn tổ hợp phù hợp.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hà, việc quy đổi điểm còn có ý nghĩa lớn trong công tác quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục. Đây là kỳ thi có quy mô cấp quốc gia duy nhất mà tất cả học sinh đều tham gia. Kỳ thi được tổ chức theo một đợt, một đề trên toàn quốc nên cho phép so sánh được chất lượng dạy và học giữa các địa phương, giữa các môn học.

Ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, lần đầu tiên, chúng ta có thể dùng điểm chuẩn hóa để tính điểm trung bình tất cả các môn thi để so sánh kết quả giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Việc sử dụng điểm chuẩn hóa như T-score còn cho phép chúng ta so sánh mức độ tiến bộ giữa các năm, hoặc sự khác biệt giữa các môn học trong một địa phương.

Việc quy đổi hay hiệu chỉnh điểm không làm phức tạp thêm kỳ thi, trái lại, là bước đi tất yếu nhằm bảo đảm công bằng trong tuyển sinh và quản lý giáo dục. Với cách tiếp cận mềm dẻo và kỹ thuật chuẩn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên tính minh bạch của điểm số, nhưng phản ánh đúng hơn năng lực thí sinh từ kết quả kỳ thi.

Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học tuyển được thí sinh phù hợp, mà còn giúp học sinh yên tâm chọn môn học yêu thích, đúng sở trường, năng lực, phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi vào lớp 10, không lo đề thi tốt nghiệp khó hay dễ ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển sinh sau này.

“Khi nguyên tắc đánh giá công bằng được bảo đảm, thầy cô cũng yên tâm giảng dạy, học sinh học thật, thi thật; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn hệ thống – đúng với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay” - ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-sinh-khong-phai-tu-quy-doi-diem-tuong-duong-trung-tuyen-post740719.html
Zalo