Thí sinh chụp đề tốt nghiệp để gian lận bằng công nghệ, giám thị có bị xử lý?

Tại Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua, thí sinh tại Hà Nội đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng để giải đề, đặt ra vấn đề trách nhiệm của giám sát phòng thi ra sao?

Kết thúc kỳ thi, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước" để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi Tốt nghiệp THPT xảy ra tại Hà Nội vào ngày 26/6.

Trước đó, ảnh chụp một phần đề thi đã được đăng tải trên ứng dụng giải toán bằng trí tuệ nhân tạo (AI) khi chưa kết thúc thời gian làm bài (từ 14h30 - 16h ngày 26/6).

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định thí sinh N.V.K đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng giải nhưng chỉ chép được đáp án của 2 câu hỏi thi.

Công an làm việc với thí sinh vi phạm. (ảnh: Công an Hà Nội)

Công an làm việc với thí sinh vi phạm. (ảnh: Công an Hà Nội)

Ngoài ra, cơ quan công an cũng xác định thí sinh này còn chụp ảnh và đăng tải đề thi môn Hóa học, Vật lý trong buổi thi vào ngày 27/6.

1 trường hợp khác cũng lén mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi môn Toán, Lịch sử, Tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng AI Gemini trên điện thoại giải đề thi và bị lập biên bản đình chỉ thi.

Qua vụ việc trên cho thấy, ngoài nguyên nhân do thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi, một số giám thị coi thi chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong quá trình coi thi dẫn đến vẫn còn thí sinh vi phạm.

Thí sinh N.V.K đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng để giải đề.

Thí sinh N.V.K đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng để giải đề.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trước kỳ thi, cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi được tập huấn quy chế thi cũng như kỹ năng phòng ngừa, nhận diện các thiết bị công nghệ gian lận thi. Tuy nhiên, các thiết bị công nghệ ngày càng tinh vi.

Liên quan đến sự việc gian lận thi, cần chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra. Khi đó, mức độ vi phạm của cán bộ coi thi đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Giám thị lơ là, có thể bị xử lý

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, căn cứ tại khoản 2, Điều 5, Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT - Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT quy định về đề thi và yêu cầu bảo mật, giải mật của đề thi thì: “Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”.

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” của đề thi, đối với đề thi tự luận chỉ kết thúc khi hết 2/3 thời gian làm bài; đối với đề thi trắc nghiệm chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của buổi thi.

Bộ GD&ĐT quy định thời gian công bố thông tin bí mật nhà nước đối với đề thi tốt nghiệp THPT không phải là thời điểm bóc mở đề thi mà là thời điểm hết 2/3 thời gian làm bài đối với đề thi tự luận và hết thời gian làm bài đối với đề thi trắc nghiệm.

Đây là cơ sở pháp lý để xác định đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT được giải mật ở thời điểm nào, nếu chưa được giải mà làm lộ thì sẽ bị xử lý hình sự.

Trường hợp có căn cứ cho thấy thí sinh đã chuyển đề thi tự luận kỳ thi THPT quốc gia ra ngoài khi chưa hết hai phần ba thời gian làm bài thì đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội, tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, việc cơ quan điều tra khởi tố xử lý hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.

“Cụ thể, người thực hiện hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" là đề thi kỳ thi quốc gia sẽ phải đối mặt với hình phạt thấp nhất từ 5-10 năm tù theo quy định tại khoản 2 Điều 337 Bộ luật Hình sự vì đây là bí mật thuộc dạng "Tối mật”, theo luật sư Tùng.

Luật sư cũng cho rằng, bên cạnh xử lý thí sinh, cũng cần phải xem xét đến chức trách, nhiệm vụ trong quá trình coi thi của giám thị coi thi khi thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, giám thị coi thi có nhiều trách nhiệm quan trọng, bao gồm: Tổ chức coi thi theo quy định, bảo quản đề thi, lập biên bản xử lý thí sinh vi phạm, và giải quyết các tình huống bất thường; Kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thí sinh trước khi vào phòng thi, đặc biệt là kiểm soát các thiết bị điện tử.

Trong giờ làm bài, một giám thị bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, giám thị còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi.

Thí sinh lén mang điện thoại vào phòng thi, sử dụng điện thoại để chụp ảnh đề thi và truyền ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài là vi phạm quy chế và có thể có trách nhiệm của giám thị coi thi.

Tùy vào mức độ sai phạm và hậu quả gây ra, cán bộ coi thi có thể bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý kỷ luật: Cán bộ coi thi vi phạm quy chế, để xảy ra sai phạm trong khi làm nhiệm vụ có thể bị từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức; xử lý hành chính hoặc hình sự (nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm)

“Trong trường hợp phát hiện cán bộ coi thi, cố ý bao che, làm ngơ hoặc tiếp tay cho thí sinh vi phạm (ví dụ: biết thí sinh mang điện thoại nhưng không xử lý); Thiếu trách nhiệm nghiêm trọng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm lộ đề thi, thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Luật sư Hoàng Tùng nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-sinh-chup-de-tot-nghiep-de-gian-lan-bang-cong-nghe-giam-thi-co-bi-xu-ly-post1756776.tpo
Zalo