Thí sinh chọn ngành 'bền vững' giữa 'cơn bão' trí tuệ nhân tạo AI
Nhiều phụ huynh, học sinh dành thời gian tìm hiểu về các ngành (điện, điện tử, quản lý năng lượng mới, kế toán…) của Trường Đại học Điện lực (EPU).

Cán bộ tư vấn tuyển sinh chia sẻ với thí sinh.
Học quản trị tài chính bằng app
Trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 diễn ra sáng nay (19/7) tại Hà Nội, gian tuyển sinh của Trường Đại học Điện lực nhận được nhiều băn khoăn thắc mắc cần giải đáp.
"Ngoài kiến thức tài chính, em còn được học cách quản trị các app chi tiêu" - Nguyễn Yến Chi, học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Hà Nội), nói với vẻ hào hứng khi tìm hiểu ngành Công nghệ tài chính.
Chi chia sẻ bản thân rất thích ngành tài chính - ngân hàng nhưng khi nghe thầy tư vấn ngành công nghệ tài chính, em thấy thú vị hơn vì kết hợp cả kiến thức tài chính lẫn công nghệ quản lý tài chính cá nhân. “Em cũng xem lại điểm chuẩn năm ngoái để cân nhắc với năng lực, được nhắc cần nền tảng toán tốt và sẵn sàng cho kiến thức mới lạ ở đại học", em nói.
Tương tự, Vũ Thị Kiều Châm, Trường THPT A Bình Lục (Ninh Bình), cho hay em có lợi thế về tiếng Anh và Toán nên mong muốn học ngành liên quan đến tài chính, kinh tế hoặc kế toán. Tuy vậy, em cho rằng cần thêm thời gian tìm hiểu, “chốt” con đường tương lai.
Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng chủ động nghiên cứu ngành nghề trước khi đến tư vấn. Anh Đỗ Văn Tuân - phụ huynh em Đỗ Minh Duy, học sinh Trường THPT Ngọc Tảo (xã Phúc Thọ, Hà Nội) – chia sẻ rằng đã tìm hiểu kỹ về ngành Kỹ thuật hạt nhân. “Tôi đọc báo, xem fanpage của Trường đại học Điện lực trên Facebook và thấy ngành này tiềm năng, có thể đi du học, có việc làm sau này. Ngoài ra, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, vi mạch bán dẫn cũng rất triển vọng, vì Chính phủ đang đầu tư mạnh. Tôi mong con học ngành không bị lỗi thời, bị ảnh hưởng bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo (AI) có lộ trình phát triển rõ ràng” - anh Tuân nói.
Anh cũng đặc biệt quan tâm đến học bổng dựa trên năng lực, và ấn tượng vì “lần đầu đến trường nhưng cảm thấy phù hợp, thầy cô tư vấn rất nhiệt tình”.

Phụ huynh, thí sinh được giải đáp những thắc mắc trong tuyển sinh.
Còn chị Hằng (Hà Nội), sau kỳ thi THPT, đã dẫn con đi tìm hiểu ngành năng lượng tái tạo. “Tôi thấy các tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện khí. Trong bối cảnh công nghiệp phát triển, nguy cơ thiếu điện rất rõ ràng. Tôi muốn con học ngành điện hoặc kinh tế liên quan đến điện, năng lượng, không bị ảnh hưởng bởi AI”, chị bày tỏ.
Học Đại học không chỉ là họckiến thức
Theo TS. Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Điện lực, năm nay, nhà trường có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 6.404 chỉ tiêu, 32 ngành đào tạo đa lĩnh vực. Các ngành mũi nhọn của Trường như ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (650 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (663 chỉ tiêu), công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (500 chỉ tiêu) trong khi các khối ngành kinh tế là hơn 1.400 chỉ tiêu. Để hấp dẫn thí sinh, trường có các ngành đào tạo mới như kỹ thuật robot, công nghệ vật liệu bán dẫn và vi mạch, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, marketing, luật kinh tế, ngôn ngữ anh, toán tin, khoa học dữ liệu, quản trị khách sạn.
Trường Đại học Điện lực xét tuyển các phương thức như kết quả học tập THPT (học bạ), học bạ kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (A01, D01, D07), kết quả thi THPT (A00, A01, D01, D07) hoặc tuyển thẳng. Riêng 2 ngành luật kinh tế và ngôn ngữ anh sẽ có các tổ hợp xét tuyển D01, D09, D10, D84, D14, D66, X78, X25.
TS Đặng Quốc Hương - cán bộ tuyển sinh Trường đại học Điện lực - cho biết, các thầy cô của trường không chỉ tư vấn chọn ngành, mà còn giúp phụ huynh và học sinh hiểu được nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau này. Ví dụ, ngành tài chính - ngân hàng không chỉ làm ngân hàng, mà còn có thể làm quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp hoặc làm việc tại công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư…
Một điểm mới năm nay là ngành Công nghệ tài chính, theo TS Hương, hướng đến đào tạo trên nền tảng công nghệ 4.0 như AI, học máy, big data, blockchain, giúp sinh viên hiểu cả tư duy kinh tế lẫn công nghệ. “Học ngành này, sinh viên được tiếp cận kỹ năng quản lý tiền cá nhân, doanh nghiệp - điều ngày càng cần thiết trong xã hội hiện đại” - ông Hương nói.

Phụ huynh lắng nghe tư vấn tuyển sinh để định hướng nghề nghiệp cho con.
Về ngành kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, quản lý năng lượng 0 những ngành truyền thống của trường - vẫn là mũi nhọn đào tạo được phụ huynh, học sinh quan tâm. Trong khi đó các ngành mới như vi mạch bán dẫn, kỹ thuật hạt nhân cũng được thí sinh quan tâm rất nhiều, nhất là trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và năng lượng sạch.
TS Đặng Quốc Hương nhấn mạnh: “Năm nay, việc đăng ký nguyện vọng và xét tuyển sẽ do hệ thống của Bộ GD&ĐT thực hiện. Nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn như năm trước là đăng ký học bạ sớm, nhưng hiện nay, tất cả đều theo lịch bộ, kể cả xét điểm thi THPT, học bạ hay chứng chỉ ngoại ngữ”.
Về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, ví dụ IELTS 5.0 sẽ quy đổi thành 8,5 điểm tiếng Anh; IELTS 6.5 tương đương 10 điểm. Vị này bày tỏ thí sinh không nên lo lắng khi quy chế thay đổi, mà hãy tin vào bản thân, bởi các tiêu chí đã được tính toán kỹ lưỡng. Trường đại học Điện lực rất chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp của các sinh viên, do vậy các bạn trẻ yên tâm theo học. “Học đại học không chỉ là kiến thức mà còn phải phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, phản biện, nghiên cứu, thuyết trình, xây dựng quan hệ bạn bè đa ngành. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi, hội thảo, CLB học thuật để sinh viên hình thành bản lĩnh, va chạm thực tế” - TS Hương cho biết.