Thi sắc đẹp: Không thể để lúc có '80 hoa hậu 1 năm' mới siết?

NSND Xuân Bắc đặt câu hỏi: Liệu ta đang 'pha loãng' hay muốn 'đậm đặc' khái niệm hoa hậu? Nếu 'pha loãng' thì hiện nay đã đủ loãng chưa hay cần đến... 80 nàng hậu mỗi năm mới gọi là loãng?

Video toàn bộ bàn tròn ''Lạm phát hoa hậu'':

Sau 3 bài viết được đăng tải trên báo VietNamNet, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Phó ban thường trực tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tham gia bàn tròn chủ đề Lạm phát hoa hậu.

Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá tặng hoa cảm ơn 3 khách mời tham gia bàn tròn.

Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá tặng hoa cảm ơn 3 khách mời tham gia bàn tròn.

Nhà báo Hà Sơn: Thưa các anh, hiện nay mỗi năm Việt Nam có tới 30-40 cuộc thi sắc đẹp. Nhiều người cho rằng các cuộc thi đang bị biến tướng thành “dự án làm ăn” của một số công ty. Với tư cách là những người yêu cái đẹp, quan tâm đến văn hóa và các hoạt động xã hội, các anh nhìn nhận thế nào về thực trạng “lạm phát hoa hậu” hiện nay?

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Khi nói đến “lạm phát hoa hậu”, trước tiên phải nhìn vào căn nguyên. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhu cầu làm đẹp là có thật - từ việc tập gym, phẫu thuật thẩm mỹ cho đến các hình thức cải thiện ngoại hình khác. Kinh tế thị trường có cầu sẽ có cung - điều đó lý giải tại sao ngày càng nhiều cuộc thi sắc đẹp xuất hiện.

Các diễn giả sôi nổi tham gia bàn tròn.

Các diễn giả sôi nổi tham gia bàn tròn.

Thêm vào đó là yếu tố truyền thông phát triển quá mạnh, khiến mọi câu chuyện xoay quanh hoa hậu dễ bùng nổ tranh cãi. Kết hợp lại, chúng ta có một “khối” phức tạp cả mong đợi, kỳ vọng và phản ứng trái chiều tạo nên cảm giác hỗn độn và đôi khi quá tải về các danh xưng sắc đẹp.

Bên cạnh yếu tố xã hội, còn có khía cạnh văn hóa. Ở nhiều quốc gia, các cuộc thi sắc đẹp tôn vinh đa dạng vẻ đẹp: người chuyển giới, người khuyết tật... Họ được tôn trọng bình đẳng như mọi người. Trong khi đó, ở Việt Nam khi đã tôn vinh ai là hoa hậu, chúng ta kỳ vọng họ trở thành hình mẫu toàn mỹ - đẹp cả hình thể, tâm hồn, trí tuệ, ứng xử… Chính sự “thần thánh hóa” ấy dẫn đến việc công chúng sẵn sàng chỉ trích nếu hoa hậu có sai sót nhỏ.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn.

Nhà báo Lê Minh Toản: Vấn đề không nằm ở số lượng mà là bản chất và tôn chỉ của từng cuộc thi. Một cuộc thi dù chỉ là Người đẹp xứ trà, Người đẹp cà phê... nhưng tổ chức tử tế, có mục tiêu rõ ràng hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ thì đáng hoan nghênh. Điều cốt lõi là có giữ được sự tử tế, thiện lương không.

Công chúng là người “biên tập” các cuộc thi sắc đẹp - họ đủ thông minh để nhận ra đâu là giá trị thật. Còn các cơ quan quản lý đóng vai trò xây hành lang pháp lý - như một người cầm đèn soi sáng chứ không thể là người thay công chúng lựa chọn.

NSND Xuân Bắc: Tôi xin chia sẻ vấn đề này ở cả hai vai - là một người yêu cái đẹp và là một nhà quản lý.

Thứ nhất, với tư cách là một người yêu cái đẹp, tôi rất thích hoa hậu. Vì họ đẹp về sắc vóc, hình thể, trí tuệ. Tôi nghĩ không chỉ đàn ông đâu, phụ nữ cũng thích cái đẹp.

Còn nếu nói ở góc độ gia đình trong lòng tôi, chỉ cần có một hoa hậu là đủ, đó là hoa hậu đang ở nhà chăm ba đứa con cho tôi.

Tuy nhiên, đúng là hiện nay có nhiều hoa hậu. Tôi đồng ý với anh Toản, nhiều hay ít không phải vấn đề cốt lõi. Quan trọng là mục đích tôn vinh cái đẹp có còn giữ được hay không? Và cái đẹp còn đẹp đúng nghĩa, thánh thiện, lan tỏa được những giá trị tốt đẹp cho xã hội hay không?

Theo Nghị định 144/2020 về hoạt động biểu diễn, tất cả các cuộc thi người đẹp, người mẫu đều phải có đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án đó phải nêu rõ tôn chỉ, mục đích và các đơn vị tổ chức bắt buộc phải tuân thủ.

Nhưng hiện nay đang có hiện tượng “loạn” trong các cuộc thi và danh xưng. Tôi đồng tình với anh Sơn trong một đất nước yêu cái đẹp, nhu cầu làm đẹp là chính đáng. Nhiều cuộc thi được tổ chức là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, điều quan trọng từ người tổ chức, người tham gia đến khán giả, chúng ta cần có một thước đo chung. Phải có nhận thức đúng đắn về cuộc thi, về giá trị và ý nghĩa thật sự của danh hiệu.

Hiện nay, đôi khi chỉ cần nhìn ảnh một người đăng quang là đã có khán giả buông ngay câu: "Ơ, hoa hậu gì mà mắt trố thế?" hay có người được vinh danh bị quy chụp là "mua giải". Những phản ứng như vậy dễ làm méo mó giá trị thật.

NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Còn ở góc độ quản lý, tôi xin chia sẻ lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều phản ánh, chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) khẩn trương sửa đổi Nghị định 144, đặc biệt phần liên quan đến tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Chúng tôi đang tích cực xin ý kiến các cấp, ngành, đơn vị liên quan, chuyên gia có chuyên môn để sửa đổi phù hợp với bối cảnh mới, vì thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề không còn phù hợp với quy định cũ nữa.

Chúng tôi có nhiều tài liệu, ý kiến đóng góp chất lượng và chân thành. Trên cơ sở đó, sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL để trình Chính phủ ban hành các quy định mới phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Tôi muốn nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền, nếu không chính xác, điều chỉnh kịp thời có thể tạo ra kẽ hở, khiến những chuyện không mong muốn xảy ra. Lĩnh vực NTBD vốn nhạy cảm, tác động trực tiếp đến cảm xúc xã hội cần có những quy định thật sát thực tế, cân nhắc nhiều mặt để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và đúng hướng.

Nhà báo Hà Sơn: Thưa anh Toản, dư luận từng đặt nghi vấn nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức chỉ để quảng bá cho nhà tài trợ, thậm chí có dấu hiệu “sắp đặt” ngôi vị. Với vai trò là người trong cuộc, anh phản hồi thế nào?

Nhà báo Lê Minh Toản: Tôi xin chia sẻ câu chuyện nhỏ từ hậu trường Hoa hậu Việt Nam 2024. Thí sinh Trúc Linh - người đăng quang lúc đi thi chỉ có 600.000 đồng. Đến vòng trong, gia đình cho thêm 1 triệu để mua son phấn. Với điều kiện như vậy, lấy gì để “mua giải”?

Có những thí sinh nổi trội cùng đến từ Huế nếu BTC không công tâm sẽ phải “cơ cấu” để vừa lòng nhà tài trợ, khán giả… Nhưng chúng tôi chọn minh bạch - ai xứng đáng sẽ được gọi tên.

Nếu BTC đủ tâm và tầm, trung thực thì hoàn toàn có thể giữ được niềm tin công chúng, giữ được sự trong sáng và truyền cảm hứng từ các cuộc thi sắc đẹp.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Ý kiến của anh Toản rất hay nhưng cần đặt vấn đề trong bối cảnh rộng hơn. Chúng ta đang sống trong một xã hội "vàng thau lẫn lộn", cả nước thực hiện chiến dịch chống hàng giả - điều đó cho thấy hiện tượng "giả", "thiếu thật", "thiếu chuẩn" hiện hữu ở nhiều lĩnh vực. Các cuộc thi sắc đẹp cũng không nằm ngoài xu hướng ấy.

Tất nhiên, có những cuộc thi uy tín như Hoa hậu Việt Nam của Báo Tiền Phong. Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những phản ánh, khiếu nại từ các cuộc thi khác. Vì vậy, việc công chúng nghi ngờ hoặc thiếu thiện cảm trước sự gia tăng các cuộc thi hoa hậu là dễ hiểu.

Tổ tiên ta từng có câu: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" nghĩa là "ít mà tinh" còn hơn "nhiều mà loãng". Trong trường hợp này, chúng ta không cần số lượng mà cần những cuộc thi có chất lượng, giá trị và uy tín.

Các nước khác cũng có nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng cách tiếp cận khác. Họ nhìn các cuộc thi với con mắt biện chứng, đa dạng hóa chuẩn mực cái đẹp và không tuyệt đối hóa danh hiệu.

Còn ở Việt Nam do ảnh hưởng văn hóa chúng ta thường có tâm lý “cái gì hiếm thì quý”. Khi xưa chỉ có Hoa hậu Việt Nam ai cũng nhớ Bùi Bích Phương. Bây giờ, danh hiệu được trao nhiều đến mức ra ngõ có thể gặp hoa hậu.

Từ thực tế, tôi nghĩ việc dư luận có những phản ứng là dễ hiểu. Nhưng thay vì chỉ trích hay phủ định, chúng ta nên tiếp cận vấn đề bằng cái nhìn đa chiều và từ đó đặt ra yêu cầu phải có sự quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn.

Tôi đồng tình với Xuân Bắc khi cho rằng Nghị định 144 hiện hành cần được sửa đổi. Khi ban hành nghị định này, chúng ta không thể lường hết được những biến động nhanh chóng của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Việc sửa đổi Nghị định 144 là cần thiết để đưa vào đó những tư duy, cách tiếp cận mới trong quản lý, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đặc biệt lĩnh vực tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu đang nhạy cảm, phức tạp và có nhiều biến tướng.

Tôi tin tưởng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và sự bao quát tình hình hiện nay, Xuân Bắc và Cục NTBD sẽ có những tham mưu xác đáng, giúp sửa đổi nghị định một cách toàn diện, hiệu quả.

Khi đó chúng ta mới có thể xây dựng được những thương hiệu hoa hậu có giá trị và để thị trường - công chúng sàng lọc những cuộc thi thiếu uy tín, không phù hợp với sự phát triển văn hóa xã hội hiện nay.

NSND Xuân Bắc và nhà báo Hà Sơn.

NSND Xuân Bắc và nhà báo Hà Sơn.

NSND Xuân Bắc: Hiện nay khi nhắc đến hoa hậu, phần lớn mọi người đều nghĩ đến một người phụ nữ đẹp - trước hết là đẹp về hình thể, sau đó là đẹp về trí tuệ, văn hóa và có khả năng lan tỏa những giá trị tích cực. Chúng ta khát khao, mong muốn và tôn vinh những vẻ đẹp đó.

Tuy nhiên, cũng có những cuộc thi hoa hậu chỉ mang tính khu biệt, trong phạm vi cộng đồng nhỏ. Những cuộc thi này hướng tới nhóm người có đặc điểm, sở thích riêng và điều đó là bình thường.

Nhưng ở đây, chúng ta đang nói tới danh hiệu hoa hậu mang tính quốc gia, mang sứ mệnh đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vậy nên từ quan điểm, nhận thức đúng về vẻ đẹp, chúng ta mới có thể bàn đến cách quản lý, tổ chức sao cho phù hợp.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ra hình ảnh rất hay: Liệu ta đang "pha loãng" hay muốn "đậm đặc" khái niệm hoa hậu? Nếu "pha loãng" thì hiện nay đã đủ loãng chưa hay cần đến... 80 nàng hậu mỗi năm mới gọi là loãng?

Ngược lại, nếu hướng tới sự "đậm đặc", có giá trị cần rõ ràng: Bao nhiêu cuộc thi, bao nhiêu danh hiệu mỗi năm là đủ, để đảm bảo tôn vinh đúng nghĩa?

Ở đây, không phải là "tôn thờ" hoa hậu mà là tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của vẻ đẹp đó. Và khi xã hội xác định những giá trị ấy là đáng trân trọng, đáng được ghi nhận thì khi ấy, những cuộc thi sắc đẹp mới có ý nghĩa đúng đắn.

Còn nếu theo kiểu ai cũng có thể là hoa hậu, ở đâu cũng có thể thi hoa hậu đương nhiên tiêu chí sẽ bị thay đổi. Mà khi tiêu chí không rõ ràng, xã hội khó tìm được điểm chung trong đánh giá, công nhận và tôn trọng danh hiệu ấy.

Tôi không nói người gầy là đẹp hay người béo là đẹp vì đó là góc nhìn cá nhân, quan điểm thẩm mỹ. Nhưng nếu muốn có một mặt bằng chung trong xã hội để ghi nhận, tôn vinh cần có những tiêu chí rõ ràng, phù hợp với thực tiễn xã hội.

Nhà báo Lê Minh Toản.

Nhà báo Lê Minh Toản.

Nhà báo Lê Minh Toản: Từ những năm 1990 trở về trước, khái niệm "nàng hậu" gần như được đóng khung rõ ràng. Khi ấy, một hoa hậu phải hội tụ những giá trị cổ truyền như công - dung - ngôn - hạnh. Báo Tiền Phong - đơn vị tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng xác định rõ và kiên định với điều đó ngay từ đầu vẻ đẹp phải là vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết, tỏa sáng từ phẩm chất bên trong.

Chính vì vậy, trong tâm trí khán giả, hình ảnh hoa hậu trở thành một khuôn mẫu mặc định. Chỉ cần một sự lệch chuẩn, một sơ suất nhỏ ngay lập tức sẽ có những phản ứng trái chiều từ công chúng.

Vậy nên, lĩnh vực nào cũng vậy nếu tràn lan cần sắp xếp lại, tử tế và bài bản. Cái gì không đủ giá trị sẽ bị loại bỏ.

Vì thế, khi chúng ta bàn luận, hãy nhìn vấn đề một cách ấm áp, xây dựng hơn thay vì khắt khe quá mức. Chính cuộc sống đã và đang giúp chúng ta nhận ra điều gì xứng đáng được giữ lại.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta cần xuất phát từ câu hỏi cơ bản: Phụ nữ có cần được tôn vinh không?

Nếu câu trả lời là không sẽ chẳng cần đến các cuộc thi hoa hậu hay những chương trình tôn vinh người đẹp làm gì cả. Nhưng tôi tin không ai lựa chọn phương án đó.

Vấn đề tiếp theo là: Phụ nữ nào cần được tôn vinh? Thực tế, nhóm phụ nữ nào cũng xứng đáng được tôn vinh bởi việc tôn vinh phụ nữ mang lại nhiều giá trị tích cực không chỉ cho họ mà còn cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Chính vì vậy, chúng ta có nhiều hình thức tôn vinh, nhiều cuộc thi sắc đẹp hoặc các danh hiệu khác nhau dành cho nhóm phụ nữ thuộc những bối cảnh, đặc điểm riêng biệt.

Tuy nhiên, để công chúng và xã hội có thể thảo luận một cách nghiêm túc và có nền tảng, điều quan trọng phải truyền thông và định hướng nhận thức một cách rõ ràng. Khi mọi người cùng nhận thức đúng đắn về mục tiêu và ý nghĩa của việc tôn vinh phụ nữ, các cuộc thảo luận về hoa hậu, người đẹp hay những hình thức vinh danh khác mới diễn ra trên cơ sở có định hướng và thống nhất.

Ngược lại, nếu mỗi người hiểu một kiểu, mỗi nơi áp dụng một tiêu chí, mỗi cá nhân lại đưa ra khuôn mẫu riêng về "người đẹp" thì cuộc tranh luận trở nên hỗn loạn. Khi ấy, ai cũng thấy mình đúng và xã hội rơi vào tình trạng xáo động, mất định hướng.

Việc không có tiêu chí, nhận thức, khung định nghĩa chung cũng sẽ khiến cơ quan quản lý lúng túng. Người bảo được, người lại nói không cuối cùng chúng ta không thể quản lý hiệu quả và điều đó gây khó khăn trong công tác hoạch định chính sách và tổ chức thực tiễn.

Nhà báo Hà Sơn: Thực tế nhiều người đẹp khi xuất hiện trước công chúng bộc lộ sự thiếu hiểu biết, đặc biệt trong ứng xử, kiến thức lịch sử, văn hóa thậm chí vướng vào những lùm xùm đời tư hay các mối quan hệ xã hội không minh bạch. Điều này dễ dẫn đến việc làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, thẩm mỹ trong mắt công chúng. Có ý kiến cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, chúng ta vô tình cổ xúy cho một bộ phận giới trẻ sống thực dụng, chạy theo hư danh…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lý do thứ nhất là chất lượng của các cuộc thi. Vấn đề cốt lõi là thương hiệu - chính thương hiệu và uy tín của cuộc thi sẽ quyết định chất lượng. Nếu có thương hiệu, sẽ thu hút được thí sinh chất lượng và chọn ra người xứng đáng. Ngược lại, cuộc thi chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ có vấn đề.

Lý do thứ hai là chất lượng và nhận thức của chính thí sinh đặc biệt là những người đoạt giải. Họ cần hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về vị trí mình đang nắm giữ để từ đó có cách ứng xử phù hợp, xứng đáng với danh hiệu.

Lý do thứ ba là cách nhìn nhận của xã hội. Công chúng cũng cần có một góc nhìn rộng lượng hơn với các hoa hậu. Một người hôm qua vẫn còn là người bình thường, hôm nay trở thành hoa hậu - họ không thể lập tức trở thành “thánh nhân”. Không thể kỳ vọng tất cả phát ngôn, hành vi, ứng xử của họ đều phải hoàn hảo ngay lập tức. Vì vậy, hãy nhìn nhận họ vừa là hoa hậu vừa vẫn là con người giúp chúng ta có cái nhìn và đánh giá khách quan, nhân văn hơn.

NSND Xuân Bắc: Vấn đề nằm ở chỗ những sản phẩm thuộc lĩnh vực NTBD, văn hóa nếu ta đặt nó trong cơ chế thị trường và coi như một loại “sản phẩm” thì đây là một sản phẩm đặc biệt. Nó không phải thứ hàng hóa thông thường có thể mang ra chợ bày bán như bao mặt hàng khác mà là sản phẩm tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của con người của cộng đồng, xã hội.

Tôi đồng tình với anh Sơn rằng, nếu chúng ta cùng nhau nâng cao nhận thức chung của khán giả về các vấn đề xã hội sẽ phần nào hạn chế những bình luận tiêu cực về các sản phẩm văn hóa - những sản phẩm mang tính đặc thù.

Cũng chính vì tính chất đặc biệt đó chúng ta cần có một thái độ khác khi tiếp cận, không thể xem nhẹ. Thật tiếc hiện nay có không ít người coi những sản phẩm văn hóa đáng lẽ phải được trân trọng, bảo vệ lại mang ra “giao lưu, bày bán” như một loại hàng hóa bình thường, điều đó rất nguy hiểm.

Bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng ở phạm vi nhỏ như các cộng đồng, tổ chức chẳng hạn như cuộc thi hoa hậu của báo Tiền Phong vốn uy tín lâu năm, đứng ở góc độ quản lý nhà nước và với vai trò những người quan tâm đến dư luận, phản biện xã hội, chúng ta còn có trách nhiệm định hướng

Rõ ràng không thể để các cuộc thi hoa hậu bị cuốn vào môi trường cạnh tranh như thể đang cạnh tranh hàng hóa ngoài chợ. Phải biên tập, tổ chức, kiểm soát lại để bảo đảm sự phù hợp, tạo điều kiện tốt phát huy và phát triển nhưng không được buông lỏng vai trò quản lý nhà nước.

Ở đây, không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là phát triển văn hóa, phát triển nhân cách để chúng ta không bị hòa tan trong làn sóng toàn cầu hóa mà phải giữ bản sắc người Việt Nam hiện đại. Đây cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh trong phát triển văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh, đóng góp vào sức mạnh tổng thể của quốc gia.

Nếu không có định hướng đầy đủ, đúng đắn, tôi e rằng sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy và không đạt được mục đích ban đầu.

Nhà báo Hà Sơn: Việc các người đẹp đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế khi nghị định 144 hiện hành mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Đã có trường hợp không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng nhưng vẫn đại diện quốc gia tham dự và làm mất uy tín của phụ nữ Việt Nam, con người Việt Nam ở bình diện quốc tế. Bên cạnh việc rà soát, siết chặt các cuộc thi trong nước, Cục NTBD sẽ có những biện pháp, hình thức quản lý nào đối với những thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế?

NSND Xuân Bắc: Tôi mới nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục NTBD chưa lâu nhưng trước đó, với tư cách là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực NTBD và từng quản lý một đơn vị nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, tôi luôn quan tâm đến vấn đề này.

Tôi thấy có bài báo giật tít: “Đại diện nhan sắc Việt Nam chinh chiến quốc tế”, “Nhan sắc Việt rạng danh đấu trường sắc đẹp”… Câu hỏi đặt ra: Ai công nhận họ là “đại diện nhan sắc Việt Nam”?

Nếu không có một quy chuẩn chính thức nào đúng ra, chỉ nên gọi là “Đại diện của công ty A đến từ Việt Nam” chứ không thể mặc nhiên mang danh đại diện quốc gia.

Từ câu hỏi của nhà báo Hà Sơn, tôi cũng muốn đặt lại vấn đề: Với những danh xưng “hoa hậu” hay rộng hơn là đại diện sắc đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế chúng ta có cần một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng? Có nên thiết lập một quy trình kiểm duyệt, đánh giá hay không?

Bởi nếu đã xưng danh là đại diện Việt Nam người đó phải mang tầm vóc, trí tuệ, bản sắc văn hóa của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Ở đó, cần có sự kết hợp giữa vẻ đẹp mới mẻ, hiện đại với chiều sâu truyền thống, nền tảng văn hóa do cha ông để lại.

Tôi nêu vấn đề này để mong được nghe thêm quan điểm từ anh Sơn và anh Toản những người có cái nhìn bao quát và thực tiễn trong lĩnh vực này.

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó TBT báo Tiền Phong.

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó TBT báo Tiền Phong.

Nhà báo Lê Minh Toản: Ở góc độ của báo Tiền Phong đơn vị từng nhiều năm tổ chức Hoa hậu Việt Nam, tôi thấy vấn đề Xuân Bắc đặt ra là xác đáng: Thế nào là “đại diện nhan sắc Việt Nam”?

Từ năm 1988, chúng tôi được Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép chính thức cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Từ đó, toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu "đại diện nhan sắc Việt Nam" đều được đăng ký và bảo hộ. Chính vì thế, dư luận hay gọi Hoa hậu Việt Nam là “chánh cung” có lý do rõ ràng.

Còn các cuộc thi khác, tôi không rõ họ được cấp phép thế nào, nội dung ra sao vì chưa xem được giấy tờ pháp lý của họ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều danh xưng được gán ghép thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng “loạn xưng”.

Với các đấu trường sắc đẹp quốc tế như: Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hòa bình, Hoa hậu Liên lục địa… hiện nay bản quyền thường do một vài công ty giải trí trong nước sở hữu. Muốn cử thí sinh đi thi, đơn vị khác bắt buộc phải thông qua các công ty đó. Điều này khiến việc chọn người đại diện trở nên méo mó, thiếu minh bạch.

Tôi nghĩ đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ giấy phép các cuộc thi để biết rõ ai đang thực sự đại diện cho cái gì và họ có xứng đáng với danh xưng “đại diện Việt Nam” hay không.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Xã hội ngày càng coi trọng thương hiệu ai cũng muốn tạo dựng cho sự kiện của mình. Nhiều đơn vị tổ chức theo tâm lý "háo danh" nên dù quy mô nhỏ nhưng vẫn đặt tên cuộc thi là “Người đẹp quốc gia”, “Hoa hậu toàn cầu”, “Hoa hậu thế giới”... nghe rất kêu thực chất để nâng tầm sự kiện và thu hút truyền thông, tài trợ.

Một thực tế khác là các tổ chức cuộc thi sắc đẹp quốc tế nhiều khi không cần thông qua cơ quan quản lý văn hóa của Việt Nam. Họ chỉ liên hệ với một công ty trong nước, tổ chức thi tuyển rồi chọn người đi thi quốc tế. Các công ty trong nước lại “mượn” danh các đấu trường quốc tế để đánh bóng uy tín của mình. Cách làm này khiến việc lựa chọn đại diện Việt Nam thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng.

Vì vậy, khi sửa đổi Nghị định 144 tới đây, chúng ta cần bổ sung quy định rõ ràng về việc cử người ra nước ngoài thi sắc đẹp. Bởi đây là vấn đề liên quan đến danh dự quốc gia. Phải xác định rõ tiêu chí ai đủ điều kiện đại diện Việt Nam, đơn vị nào được quyền lựa chọn từ đó thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch. Khi đó, các tổ chức sự kiện trong nước phải tuân thủ và cả đối tác quốc tế cũng phải tôn trọng quy định của ta.

Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vốn tinh tế cần được quản lý thận trọng, bài bản. Chúng ta phải làm sao để việc tham dự các cuộc thi quốc tế không chỉ đúng pháp lý mà còn góp phần tôn vinh giá trị và hình ảnh Việt Nam.

NSND Xuân Bắc: Chúng tôi xác định rõ ràng rằng Nghị định 144 sẽ được rà soát, sửa đổi và bổ sung. Tuy nhiên, quá trình đó chỉ được thực hiện sau khi đã tham khảo đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo theo dõi lĩnh vực này cũng như đại diện các đơn vị tổ chức các cuộc thi.

Sau buổi bàn tròn này, tôi sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ với các nhà báo, đơn vị tổ chức để lắng nghe thêm vì tôi tin đơn vị nào cũng muốn cuộc thi thành công, thương hiệu phát triển và đạt hiệu quả thật sự chứ không làm chỉ để cho có.

Vì thế vấn đề đặt ra: liệu hành lang pháp lý hiện hành đã thực sự hỗ trợ cho họ phát triển bền vững hay chưa? Nếu chưa, cần điều chỉnh gì để vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa tạo điều kiện cho sáng tạo, đổi mới, hiệu quả?

Tôi tin một văn bản pháp lý chỉ phát huy giá trị khi nó có sức sống, có tính thực tiễn cao và tạo động lực cho sự phát triển. Trong bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, kể cả khi đã ban hành, chúng ta vẫn cần tiếp tục theo dõi, cập nhật, thậm chí bổ sung thông tư kịp thời để điều chỉnh những vấn đề phát sinh.

Chúng tôi hy vọng với những bước chuẩn bị nghiêm túc tương lai gần dư luận sẽ không còn phải dùng những từ như "loạn hoa hậu" hay "bội thực sắc đẹp" mà thay vào đó là sự tin tưởng vào một hệ thống thi sắc đẹp bài bản, chất lượng và thực sự tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Sơn Hà

Tình Lê

Xuân Minh

Nguyễn Đức

Đinh Tuấn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-sac-dep-khong-the-de-luc-co-80-hoa-hau-1-nam-moi-siet-2418046.html
Zalo