Thí nghiệm đột phá: Virus gây bệnh COVID-19 có thể làm co nhỏ khối u ung thư ?

Một nghiên cứu mới cho thấy RNA của virus gây bệnh COVID-19 có thể được ứng dụng để phát triển một hướng điều trị ung thư hoàn toàn mới.

Viết trên tạp chí y học Journal of Clinical Investigation, nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết họ đã tìm ra phương án chống lại rào cản lớn trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch nhờ virus gây bệnh COVID-19.

Họ đã xem xét một số cơ chế hóa sinh đứng sau tình trạng kháng thuốc do ức chế tế bào lympho vật chủ do ung thư gây ra, trong đó tập trung vào một loại tế bào bạch cầu gọi là tế bào đơn nhân.

Ảnh đồ họa mô tả cách một tế bào miễn dịch tấn công tế bào ung thư - Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY

Ảnh đồ họa mô tả cách một tế bào miễn dịch tấn công tế bào ung thư - Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY

Trong cơ thể người bình thường, loại tế bào miễn dịch này bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và các mối đe dọa khác.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư, đôi khi các tế bào đơn nhân có thể bị các tế bào khối u chiếm đoạt và chuyển đổi chúng thành kẻ bảo vệ cho chính khối u ung thư.

Dựa trên một số bằng chứng sẵn có, các tác giả phát hiện ra dường như việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có đặc tính chống ung thư độc đáo, thông qua việc huấn luyện các tế bào đơn nhân vừa chống lại mầm bệnh COVID-19, vừa giữ lại được khả năng chống tế bào ung thư.

Nhưng chắc chắn không thể đánh đổi bằng cách chủ động mắc COVID-19 nghiêm trọng để chống lại ung thư, mà cần một con đường an toàn.

Xem xét dữ liệu di truyền, họ nhận thấy ra các tế bào đơn nhân liên quan có một thụ thể đặc biệt liên kết tốt với một trình tự cụ thể của RNA virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Các con chuột này được chích một loại thuốc mô phỏng phản ứng miễn dịch với COVID-19 nghiêm trọng, kích thích sản xuất các tế bào đơn nhân đặc biệt này.

Các khối u trong cơ thể nhóm chuột này đều đã co nhỏ lại đáng kể, tác động được ghi nhận ở cả 4 loại ung thư được nghiên cứu!

Phân tích về nghiên cứu này trên chuyên san khoa học The Conversation, GS Justin Stebbing, nhà khoa học y sinh từ Đại học Anglia Ruskin (Anh) cho biết cơ chế này đặc biệt thú vị vì nó mở ra một phương pháp mới để chống lại ung thư mà không phụ thuộc vào tế bào T.

Tế bào T, một loại tế bào miễn dịch quan trọng vốn là trọng tâm của nhiều phương pháp điều trị miễn dịch hiện nay.

Mặc dù là hướng đi mang lại nhiều đột phá, nhưng nó chỉ có hiệu quả trong khoảng 20% đến 40% các trường hợp, thường thất bại khi cơ thể không thể sản xuất đủ tế bào T hoạt động.

Vì vậy, cơ chế mới này cung cấp một giải pháp miễn dịch thứ 2 không phụ thuộc vào tế bào T, có thể là chiếc phao cứu sinh cho những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch truyền thống.

Điều quan trọng cần lưu ý là các thí nghiệm mới chỉ được tiến hành trên chuột và cần thử nghiệm lâm sàng để xác định xem tác dụng tương tự có xảy ra ở người hay không.

Mặc dù vậy, một số khía cạnh của cơ chế này đầy hứa hẹn trong việc giúp bệnh nhân chống lại các loại ung thư khác nữa, vì nó phá vỡ con đường chung mà hầu hết các loại ung thư sử dụng để di căn khắp cơ thể.

Vắc-xin COVID-19 hiện tại khó có thể kích hoạt cơ chế này, vì chúng không sử dụng toàn bộ trình tự RNA như virus.

Tuy nhiên, nghiên cứu này mở ra khả năng phát triển các loại thuốc và vắc-xin mới chỉ tập trung vào việc kích thích sản xuất các tế bào đơn nhân chống ung thư này.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thi-nghiem-dot-pha-virus-gay-benh-covid-19-co-the-lam-co-nho-khoi-u-ung-thu-196241127104942952.htm
Zalo