Theo tôi, không nên cho phép dạy thêm trong trường học có thu tiền
Bộ nên quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường. Nếu dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải là hoạt động phi lợi nhuận
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của xã hội trước áp lực thi cử hiện nay. Thực tế không ít giáo viên có chuyên môn tốt, được phụ huynh và học sinh yêu quý, dạy thêm trong sáng, có thu nhập từ dạy thêm cao.
Xã hội bức xúc về "nạn" dạy thêm, học thêm không trong sáng khi giáo viên để dành kiến thức dạy ở lớp học thêm, giáo viên dùng chiêu trò ép học sinh mình dạy chính khóa đi học thêm chính mình; học sinh đi học thêm được "gà" đề, kiểm tra đánh giá cao điểm hơn học sinh không đi học thêm.
Bên cạnh đó, tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường cũng đang có ý kiến trái chiều của dư luận.
Phụ huynh, học sinh nói riêng, xã hội nói chung, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định về dạy thêm, học thêm, xóa bỏ được tệ nạn ép học sinh học thêm và sự đối xử phân biệt giữa học sinh có đi học thêm và không đi học thêm; xóa bỏ được tệ nạn dạy thêm học sinh chính khóa.
Chính vì thế, dự thảo thông tư về quy định dạy thêm, học thêm thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Dự thảo có nhiều điểm mới tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề mà giáo viên còn tâm tư.
Người viết là giáo viên công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm xin có một góp ý.
Khoản 5, Điều 3, dự thảo quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm nêu: "Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày".
Trong dự thảo không có nội dung nào cấm tổ chức dạy thêm học sinh Tiểu học, trong khi đó phần lớn các trường tiểu học đã và đang tổ chức dạy 02 buổi/ngày. Điều này khiến không ít giáo viên có thể hiểu dự thảo cho phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường với đối tượng học sinh tiểu học, kể cả học sinh ở các trường đã học 02 (hai) buổi/ngày.
Theo tôi, với đối tượng học sinh tiểu học không riêng gì đối tượng học sinh các trường đã học 02 (hai) buổi/ngày, không nên tổ chức dạy thêm văn hóa ở ngoài nhà trường, hãy để cho các em có thời gian nghỉ ngơi, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh tiểu học.
Với học sinh tiểu học, nếu tổ chức dạy thêm, chỉ nên dành dạy thêm, học thêm các môn năng khiếu, kĩ năng sống,... mà trong trường học chưa dạy.
Nếu không có chế tài cụ thể đối tượng học sinh tiểu học học thêm, nội dung dạy thêm, sẽ tạo “hiệu ứng đám đông”, nhà nhà, người người cho con đi học thêm, lúc đó mục đích cải cách giáo dục sẽ khó đạt được.
Học sinh tiểu học lại tiếp tục điệp khúc học, học sáng, học chiều, học tối, học từ thứ Hai đến chủ Nhật.
Vì vậy, người viết đề nghị Bộ bổ sung nội dung cấm tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học vào Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, như đã quy định cụ thể ở Khoản 2 Điều 4 Thông tư Số 17/2012/TT-BGDĐT. [2]
Thứ hai, là giáo viên ai cũng có quyền làm thêm, dù đang làm quản lý hay giáo viên dạy lớp, làm thêm ngoài giờ ở đây là dạy thêm đúng chuyên môn, chuyên ngành mà mình được đào tạo, tạo sự công bằng xã hội cho mọi giáo viên.
Thay vì như trước đây chỉ cho giáo viên dạy thêm, dự thảo cho phép phó hiệu trưởng, hiệu trưởng được dạy thêm nhưng có điều kiện là phù hợp thực tế.
Thực tế, có nhiều người không dạy học trong bất cứ trường học nào cũng đang dạy thêm, trong lúc này, dự thảo Luật nhà giáo đang có nội dung đề xuất cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên.
Vì vậy tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung về điều kiện giáo viên dạy thêm phải có Giấy phép hành nghề vào dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, để nâng cao chất lượng dạy thêm học thêm, tránh trường hợp “giáo viên tự xưng”; cũng là đồng bộ nội dung của các văn bản pháp luật.
Thứ ba, Khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm ghi rõ: Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Như vậy tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng là hoạt động kinh doanh. Vậy nhà trường có phải "Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật", có nghĩa là nhà trường phải thành lập doanh nghiệp không? Nếu không thì các khoản thu từ dạy thêm của nhà trường, giáo viên quản lý ra sao?
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như sau: "Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;[3]
Như vậy, nhà trường và giáo viên không được đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm.
Thực tế, dạy thêm trong nhà trường thời gian qua đã để lại nhiều ý kiến phàn nàn. Việc dạy thêm trong trường là dạy thêm học sinh chính khóa, nhà trường phải có nhiệm vụ giáo dục học sinh đạt yêu cầu mục tiêu của chương trình.
Trong Kế hoạch bài dạy, giáo viên đã nêu mục tiêu, nhiệm vụ của tiết dạy phải đạt mục tiêu, nhiệm vụ của bài học, của chương trình, nếu phải dạy thêm tức là giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ. Dạy thêm có thu tiền học sinh chính khóa trong trường học là việc học sinh phải trả phí hai lần cho một nội dung.
Thực tế hiện nay, nhiều địa phương đã không thu tiền học phí với học sinh phổ thông, nếu nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm có thu phí sẽ rất phản cảm.
Theo tôi, Bộ nên quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường; nếu dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải là hoạt động phi lợi nhuận, không thu phí.
Hoạt động dạy thêm, học thêm đã là hoạt động kinh doanh, hãy để hoạt động này theo quy luật thị trường, lúc đó, việc quản lý tài chính dạy thêm sẽ minh bạch, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Giáo viên muốn có thu nhập cao từ dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì tham gia thị trường dạy thêm theo đúng quy luật thị trường.
Chương trình 2018 đã thay đổi nội dung, phương thức ra đề kiểm tra đánh giá hướng đến phẩm chất, năng lực người học. Việc học thêm tràn lan, chỉ thành thợ giải bài tập, không dành thời gian cho các hoạt động trải nghiệm khác để phát triển, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực là chưa phù hợp với mục tiêu chương trình mới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1663
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Luat-Doanh-nghiep-so-59-2020-QH14-427301.aspx