Theo lời mời việc nhẹ lương cao sang Campuchia, lộ sự thật kinh hoàng đằng sau 'App Tình Yêu', 'Shipper'... từ lời nạn nhân
Công việc chủ yếu của những người này khi sang Campuchia là sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng giả lập như: 'App Tình Yêu', 'Shipper', 'Thương mại điện tử', 'Tài xỉu',... để tiếp cận, lừa đảo người dùng.

Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ thuộc BĐBP Tây Ninh và Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao. (Ảnh: BĐBP).
Theo báo Dân trí, ngày 17/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đang phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xác minh nhân thân, lai lịch để hoàn tất hồ sơ xử lý đối với 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.
Một ngày trước, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an tỉnh tổ chức tiếp nhận nhóm công dân nói trên. Những người này được xác định cư trú trái phép tại Campuchia và bị trục xuất về nước.
Thanh niên cho hay, theo cơ quan chức năng, phần lớn công dân được tiếp nhận lần này trong độ tuổi thanh niên, trong đó có 10 phụ nữ, đến từ nhiều địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Nguyên, Lâm Đồng, An Giang, Gia Lai, Cà Mau...
Qua làm việc ban đầu, hầu hết các công dân khai nhận bị lừa sang Campuchia thông qua những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng xã hội với nội dung "việc nhẹ lương cao". Tuy nhiên, khi đến nơi, họ bị đưa vào các công ty lừa đảo trực tuyến và buộc tham gia hoạt động lừa đảo qua mạng.
Các nạn nhân cho biết, họ bị ép thực hiện các công việc như sử dụng mạng xã hội để giả danh nhân viên điện lực, cán bộ thuế, công an, hoặc đóng giả làm người yêu, shipper, nhân viên môi giới chứng khoán, booking khách sạn... nhằm tìm kiếm và lừa đảo người dùng tại Việt Nam. Những ai không làm theo hoặc không đạt chỉ tiêu sẽ bị hành hung, bỏ đói, cách ly, chích điện... và bị giám sát nghiêm ngặt.
T.H.D (quê Cà Mau), một trong số những người vừa được tiếp nhận, cho biết: "Công ty lừa đảo giao mỗi ngày phải tìm 200 người có điều kiện tài chính để kết bạn trên mạng xã hội. Nếu không hoàn thành sẽ bị đánh đập, không cho ăn, bị nhốt cách ly và luôn có người giám sát. Hôm nay được về nước, tôi như được sống lại lần nữa".
Theo BĐBP Tây Ninh, tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia làm việc trong các đường dây lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội, giả danh công ty tuyển dụng để tiếp cận, mời chào và tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tìm kiếm việc làm, tuyệt đối không tin vào các lời mời gọi "việc nhẹ lương cao" trên mạng. Nếu có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp, được cơ quan nhà nước cấp phép.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn như đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài trái phép, lôi kéo vào các đường dây có dấu hiệu mua bán người hoặc lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thông báo cho người thân và trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, ngăn chặn kịp thời.