Thêm sức mạnh pháp lý cho hoạt động giải trình

Không phải ngẫu nhiên, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội quyết định lựa chọn thuốc giả, thực phẩm giả là chủ đề cho phiên giải trình tháng 8 tới đây.

Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Bất cứ ai quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội đều hiểu vấn đề này đang “nóng” đến thế nào, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân và chất lượng dân số, không chỉ thế hệ này mà cả các thế hệ mai sau. Nhưng, giải trình liệu có đủ “sức mạnh” để tạo nên sự thay đổi tích cực như kỳ vọng?

Tuy rất gần với chất vấn hoặc giám sát, nhưng giải trình vẫn khác. Đây là hình thức yêu cầu cơ quan, cá nhân làm rõ trách nhiệm của mình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy ban của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân về một hiện trạng, tình huống cụ thể. Chất vấn lại là hình thức truy hỏi trực tiếp đối với người đứng đầu bộ, ngành, Chính phủ; lãnh đạo địa phương và có thể dẫn đến bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm. Trong khi đó, hoạt động giám sát chuyên đề là xem xét toàn diện, đánh giá có hệ thống một lĩnh vực, vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý nhà nước để chỉ rõ chất lượng, hiệu quả, tồn tại, bất cập của chính sách hoặc quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Hoạt động giám sát chuyên đề thường đòi hỏi có kế hoạch từ sớm, từ xa, huy động nhiều nguồn lực, thậm chí kéo dài nhiều tháng.

Cho đến nay, kết quả của hoạt động giải trình thường là một kiến nghị, kết luận. Kết luận, nghị quyết sau giải trình không có giá trị bắt buộc thi hành như luật hoặc nghị quyết của toàn thể Quốc hội, mà có tính định hướng, ràng buộc chính trị. Thực tiễn cho thấy, đã có nhiều vấn đề lớn chuyển biến rất tích cực sau các phiên giải trình.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đã có hơn 30 phiên giải trình được các ủy ban của Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tập trung vào các vấn đề như giải quyết kiến nghị cử tri (về giao thông, y tế, giáo dục); minh bạch tài chính; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phiên giải trình tháng 4/2025 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tập trung vào việc giải quyết các kiến nghị sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thúc đẩy nhiều bộ, ngành khẩn trương phê duyệt chính sách hỗ trợ kịp thời cho các vùng khó khăn và xúc tiến công tác khắc phục hậu quả thiên tai…

Cũng trong năm 2025, Ủy ban Văn hóa và Xã hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức tới ba phiên giải trình về hầu hết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của nhà giáo; thẩm quyền tuyển dụng, chính sách tuyển dụng; chính sách hỗ trợ nhà giáo, cung cấp “đầu vào” quan trọng để hoàn thiện Luật Nhà giáo. Luật đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2026.

Tới đây, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nếu được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) như dự kiến, sẽ tiếp tục tăng cường hiệu lực pháp lý cho hoạt động giải trình, thông qua việc quy định giải trình trở thành nghĩa vụ pháp lý. Theo dự thảo luật, thực hiện kiến nghị sau giải trình và báo cáo kết quả là yêu cầu bắt buộc, có thời hạn và nếu không tuân thủ nghiêm túc, thì tổ chức/cá nhân có thể được yêu cầu tiếp tục giải trình; bị chất vấn trực tiếp hoặc thậm chí bị miễn nhiệm, sắp xếp lại.

Dự thảo luật cũng nêu rõ, “nếu từ phiên giải trình phát hiện chính sách hoặc pháp luật còn bất cập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc ủy ban của Quốc hội/HĐND có quyền đề xuất xây dựng luật, sửa đổi, bổ sung luật hoặc ban hành nghị quyết mới”.

Như thế, các phiên giải trình không chỉ dừng ở phát hiện vấn đề, mà còn là sự “kích hoạt” quá trình lập pháp, thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ phản hồi bằng văn bản luật hoặc sửa đổi, xây dựng luật mới, bảo đảm các vấn đề được pháp lý hóa, có chế tài và giám sát chặt chẽ. Vấn đề còn lại là chuẩn bị và tiến hành hoạt động này như thế nào để tối đa hóa hiệu quả của hoạt động giải trình. Và đó là một câu chuyện dài khác.

Cẩm Hà

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/them-suc-manh-phap-ly-cho-hoat-dong-giai-trinh-post894586.html
Zalo