Thêm nhiều cơ hội cho điện ảnh Việt
Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III) đang diễn ra tại Đà Nẵng, tại hội thảo chuyên đề 'Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh', các chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho điện ảnh Việt Nam, mở ra hướng hợp tác sản xuất và phát triển cho ngành công nghiệp điện ảnh…
Hàn Quốc không chỉ được thế giới biết đến với nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh chất lượng, mà còn họ xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh vững chắc. Trong chia sẻ, các chuyên gia đã nhấn mạnh yếu tố cốt lõi: Muốn đi xa, phải có chiến lược dài hạn, một thế hệ làm phim đam mê và một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả. Câu chuyện của Hàn Quốc chính là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của tầm nhìn và sự đầu tư bài bản.

Bộ phim “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam cũng góp mặt trong danh sách 12 phim Việt dự thi tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng.
Ông Kim Hong Joon – Giám đốc Viện Lưu trữ phim Hàn Quốc (KOFA) cho biết, điện ảnh Hàn Quốc đi lên từ con số 0. Nhưng chúng tôi có chiến lược rõ ràng, có chính sách hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ, có sự đồng lòng của cả xã hội. Chính điều đó đã giúp Hàn Quốc xây dựng thành công một nền công nghiệp điện ảnh hùng mạnh, không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn vươn tầm thế giới.
Còn Tiến sĩ Park Hee Song - nhà nghiên cứu chính sách từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cho biết phía chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều. Hội đồng này từng được tái cấu trúc, có 9 thành viên chủ chốt để giúp đỡ cho các nhà làm phim. Nhân lực của hội đồng là những người trẻ có tư duy mới.
Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây ghi dấu ấn với một số tác phẩm được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế. Như “Cu li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin lần thứ 74; “Mưa trên cánh bướm” của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh giành hai giải thưởng Circolo del Cinema Verona (phim Sáng tạo nhất), và Iwonderfull Grand Prize (phim Hay nhất) thuộc hạng mục Tuần lễ phê bình phim tại LHP Venice lần thứ 81...
Thời gian qua, liên tiếp các bộ phim điện ảnh Việt ra rạp với đa dạng chủ đề, nhiều màu sắc quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng đã mang đến những thực đơn tinh thần hấp dẫn cho khán giả. Những bộ phim này không chỉ thành công về thương mại mà còn mở rộng tập khán giả. Đặc biệt, năm 2024 và đầu năm 2025 chứng kiến sự bùng nổ với nhiều bộ phim đạt doanh thu "trăm tỷ". Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, cả phim điện ảnh và phim truyền hình, cho thấy sự đa dạng và sức hút của thị trường điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nền điện ảnh vẫn chưa ra khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp. Hệ thống đào tạo chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, môi trường sản xuất – phát hành còn manh mún.
Vì vậy, có thể nói những chia sẻ từ các chuyên gia Hàn Quốc đặt ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại. Đó là không thể kỳ vọng vào sự thành công nhất thời của một số bộ phim riêng lẻ mà cần xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh bền vững. Và để làm được điều đó, ngoài chính sách hỗ trợ dài hạn từ Nhà nước, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, cùng với việc nuôi dưỡng thế hệ làm phim trẻ, sáng tạo, bản lĩnh và hội nhập.
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF cho rằng, đây là hội thảo thiết thực ở thời điểm này, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng công nghiệp điện ảnh vốn vẫn được đánh giá là mũi nhọn.
“Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả mặt nghệ thuật và cả thị trường, có vị trí quan trọng trong nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu. Những sự phát triển đó theo tôi phải rất nhiều năm mà có được. Và phải từ chính sách, nỗ lực của người làm phim, các địa phương, tầm nhìn nhà quản lý” – TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Ngô Phương Lan, từ những nền tảng đang có, cộng với tinh thần hợp tác quốc tế ngày càng được củng cố, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một tương lai bứt phá – nơi bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, đồng thời hòa nhập mạnh mẽ vào dòng chảy điện ảnh khu vực và thế giới.
Từ góc độ của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh chia sẻ, tuy Việt Nam chưa có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, nhưng chúng ta đang có nhiều dấu hiệu tích cực như doanh thu phòng vé tăng mạnh, thị phần phim nội địa được củng cố, nhiều đạo diễn trẻ bắt đầu gây tiếng vang. Để giữ được đà tăng trưởng này cần sự đồng lòng của Nhà nước, cộng đồng làm phim và công chúng.
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) năm nay mở rộng quy mô và chất lượng, mang đến cho các nhà làm phim, những khán giả yêu điện ảnh cơ hội được trải nghiệm, khám phá những dự án thú vị. Theo Ban Tổ chức, tổng số phim được lựa chọn vào các chương trình là 100 phim, tăng vượt bậc so với 2 kỳ liên hoan trước. Ở hạng phục phim Việt Nam dự thi có 12 dự án, trong đó có đến 5 tác phẩm kinh dị và 1 phim truyền hình.