Thêm hàng rào bảo vệ tài nguyên đất hiếm

Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra một loạt quy định mới nhằm bảo vệ và kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh lợi được sử dụng trong mọi ngành công nghiệp, từ ô tô tới tuabin gió. Động thái này được đánh giá là một bước quan trọng trong việc quản lý tiêu chuẩn tài nguyên đất hiếm; thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp đất hiếm ở Trung Quốc.

Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm 17 nguyên tố hóa học, bao gồm neodymium, dysprosium, holmium, erbium... Các nguyên tố này có giá trị cực kỳ quan trọng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, linh kiện thiết yếu với hầu hết sản phẩm công nghệ hiện đại.

Bảo đảm nguồn cung nội địa và phát triển bền vững

Trung Quốc là quốc gia lớn về tài nguyên đất hiếm và sản xuất, cung cấp hơn 70% nguyên liệu đất hiếm của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang chịu áp lực không nhỏ về tài nguyên đất hiếm và vấn đề bảo vệ môi trường. Trong một thời gian dài, việc phát triển tài nguyên đất hiếm đã bị cản trở bởi nhiều vấn đề như các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt và buôn bán trái phép các sản phẩm đất hiếm.

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành hàng loạt quy định mới liên quan đến việc quản lý các tài nguyên đất hiếm của nước này, nhằm bảo vệ và kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá. Quy định mới nêu rõ, tài nguyên đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước, không một tổ chức và cá nhân nào được phép xâm phạm hay phá hủy tài nguyên này, với mục tiêu bảo đảm an ninh tài nguyên quốc gia và an ninh công nghiệp. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.10 tới, và áp dụng trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khai thác đến luyện kim, chế biến, phân phối và xuất khẩu…

Quy định nhấn mạnh, bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào liên quan đến đất hiếm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Các công ty vi phạm các quy định về khai thác và chế biến có thể bị phạt từ 5 đến 10 lần số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp. Mức phạt cao nhất có thể lên tới 5 triệu nhân dân tệ (687.000 USD).

Một mỏ đất hiếm lộ thiên được chụp từ máy bay. Ảnh: Biz green

Một mỏ đất hiếm lộ thiên được chụp từ máy bay. Ảnh: Biz green

Thêm vào đó, Chính phủ sẽ xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc, để theo dõi dòng sản phẩm đất hiếm, bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ trong toàn ngành, giúp tăng cường hiệu quả giám sát trong nước. Các doanh nghiệp khai thác, luyện kim và tách đất hiếm, cũng như xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm phải thiết lập hệ thống ghi lại dòng sản phẩm một cách "trung thực" và nhập vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm quản lý sự phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của đất nước, để nâng cao một cách có hệ thống các hoạt động khai thác, mang lại lợi ích cho việc bảo vệ môi trường và tối đa hóa giá trị gia tăng của đất hiếm.

Động thái mới này được đánh giá là một bước quan trọng trong việc quản lý tiêu chuẩn tài nguyên đất hiếm ở Trung Quốc. Với những quy định mới, quốc gia này có thể thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp đất hiếm hơn nữa; đồng thời khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và thiết bị mới.

Quy định đầu tiên về giám sát tài nguyên đất hiếm

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát và thắt chặt xuất khẩu đất hiếm. Năm ngoái, quốc gia tỷ dân đã áp dụng các biện pháp tương tự với hai nguyên tố quan trọng trong sản xuất chip là germanium và gali; đồng thời cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm và công nghệ chiết tách đất hiếm.

Những động thái mới của Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về hạn chế nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Các quy định về đất hiếm của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc vào ngày 4.7 tới. Dù vậy, hai bên đang trong quá trình đàm phán lại về việc này. Theo Politico, một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát ngành công nghiệp này và có thể phá vỡ các chuỗi cung ứng công nghệ, ô tô và năng lượng tái tạo quan trọng, đặc biệt khi các nước đang chạy đua để củng cố nguồn cung từ các nhà cung cấp thay thế. Cả Mỹ và EU đều đã khởi động các nỗ lực mua đất hiếm trong và ngoài nước.

Đất hiếm đóng vai trò then chốt trong sản xuất động cơ điện cho các thiết bị điện tử và tuabin gió, vì vậy nhu cầu toàn cầu đối với vật liệu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của đất hiếm trong lĩnh vực công nghiệp, EU đã ban hành một điều luật có hiệu lực từ tháng 5.2024, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng để sản xuất nội địa các khoáng chất thiết yếu cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh vào năm 2030, trong đó đất hiếm là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu của EU đối với đất hiếm dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần trong thập kỷ tới và gấp 7 lần vào năm 2050.

Về phần mình, các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng, bộ quy định mới của Chính phủ là quy định đầu tiên về giám sát tài nguyên đất hiếm. Điều này cho thấy nước này tập trung vào sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực đất hiếm, nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển xanh; đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng “Trung Quốc siết chặt kiểm soát đất hiếm vì mục đích chính trị”.

Chia sẻ với Hãng tin Global Times, ông Gao Lingyun - chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định rằng: “Các quy định mới là thông lệ quốc tế phổ biến và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Chúng được thiết kế để bảo đảm rằng, đất hiếm được sử dụng cho mục đích hợp pháp và bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Ông cho biết thêm, các quy định về quản lý đất hiếm không phải là pháp lệnh kiểm soát xuất khẩu mà là luật hành chính nhằm tiêu chuẩn hóa việc phát triển và sử dụng tài nguyên đất hiếm ở Trung Quốc. Thêm vào đó, các quy định sẽ được điều chỉnh thường xuyên để thích ứng với những thay đổi của nguồn cung toàn cầu, nhằm cải thiện việc quản lý đất hiếm.

Chuyên gia Liu Hao cho biết, đất hiếm là nguồn tài nguyên có công dụng kép quan trọng cho cả ứng dụng quân sự và dân sự, do đó việc lưu thông chúng thông qua các kênh không hợp pháp trên phạm vi quốc tế có thể gây rủi ro cho an ninh cho Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung. Các quy định mới và cả những hình phạt sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển có trật tự của ngành và ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Như Ý (Theo Tân Hoa Xã; Global Times; Politico)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/them-hang-rao-bao-ve-tai-nguyen-dat-hiem-i377745/
Zalo