Thể thao Việt Nam với chiến lược '3 trọng điểm'
Chiến lược '3 trọng điểm' (đấu trường trọng điểm, môn thể thao trọng điểm, vận động viên (VĐV) trọng điểm) được kỳ vọng giúp thể thao Việt Nam (TTVN) cải thiện thành tích tại Asian Games và Olympic giai đoạn 2026-2046. Để chiến lược đạt hiệu quả như kỳ vọng cần giải quyết bài toán kinh phí, đào tạo VĐV có hệ thống và ứng dụng khoa học-công nghệ vào huấn luyện, thi đấu.
Từ dàn trải đến trọng điểm
Thời gian qua, TTVN đã có những tiến bộ ở đấu trường SEA Games và các giải đấu khu vực, nhưng thành tích tại Asian Games và Olympic còn hạn chế, có dấu hiệu tụt hậu so với các nền thể thao trong khu vực. Trong hai kỳ Olympic gần nhất (2020 và 2024), TTVN đều trắng tay, trong khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines hay Indonesia đều giành huy chương vàng.

Taekwondo được xác định trong nhóm 1 các môn thể thao trọng điểm. Ảnh: VIỆT AN
Nguyên nhân thất bại trên được chỉ ra là trong một thời gian dài, TTVN quá chú trọng đến đấu trường SEA Games. Mặc dù nguồn lực dành cho thể thao còn hạn chế nhưng thay vì đầu tư trọng điểm, TTVN lại đầu tư dàn trải cho nhiều môn và nhiều VĐV. Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục TTVN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, TTVN cần sự đầu tư mạnh mẽ, đột phá trong đào tạo, ứng dụng khoa học và cải thiện cơ sở vật chất.
Theo chiến lược “3 trọng điểm”, TTVN xác định lấy đấu trường Asian Games là trọng tâm để vươn lên Olympic, hằng năm đầu tư cho khoảng 160 đến 170 VĐV trọng điểm ở 17 môn thể thao, được phân chia thành hai nhóm. Nhóm 1 gồm các môn thể thao thế mạnh, có nhiều khả năng tranh chấp huy chương Olympic, gồm: Bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông (tập trung đào tạo, tập huấn dài hạn ở nước ngoài khoảng 100 đến 110 VĐV). Nhóm 2 gồm các môn tiềm năng và có nhiều khả năng tranh chấp huy chương tại Asian Games, gồm: Điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ, vật, bơi, cầu mây, xe đạp (kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù từ 65 đến 70 VĐV). Về kinh phí thực hiện dự kiến từ 175 đến 180 tỷ đồng/năm/17 môn, từ ngân sách Trung ương, viện trợ, tài trợ, từ liên đoàn, hiệp hội...
Đầu tư trọng điểm cho thể thao thành tích cao được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Sau Olympic 1988, Hàn Quốc đầu tư trọng điểm vào bắn cung, taekwondo, trượt băng tốc độ, golf, bóng đá... dưới sự tài trợ của các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, LG. Tại Trung Quốc, nhiều năm qua, chiến lược “thể thao mũi nhọn” tập trung phát triển môn cử tạ, bóng bàn, thể dục dụng cụ, cầu lông... đã phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh mô hình “học viện ưu tú” khi kết hợp giữa đào tạo văn hóa và thể thao, Nhật Bản đã triển khai đầu tư vào các môn thể thao như đấu kiếm, judo, bóng bàn, karate... để tham dự các kỳ Olympic.
Đồng bộ hệ thống thể thao
Việc xác định “3 trọng điểm” chỉ mới giúp TTVN hoàn thành phần "móng", còn muốn xây nên những "tòa cao ốc" cần một hệ thống phát triển đồng bộ. GS, TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục TTVN) đề ra 8 giải pháp khoa học phát triển xoay quanh các vấn đề: Chuyên môn, y sinh học, tâm lý-giáo dục, hồi phục, dinh dưỡng, kỹ thuật, quản lý, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, GS, TS Lâm Quang Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Vừa qua, Cục Thể dục TTVN đã phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn sử dụng phần mềm MyCoach Pro cho huấn luyện viên các đội tuyển thể thao quốc gia. Mới nhất, tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Brazil Vasco da Gama, qua đó thúc đẩy hợp tác bóng đá Việt Nam và Brazil.

Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh (số 561) tranh tài tại SEA Games 32. Ảnh: VIỆT AN
Một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển “3 trọng điểm” là dinh dưỡng dành cho VĐV. Mặc dù chế độ dành cho VĐV đã được quy định rất rõ tại Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26-10-2020 quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, VĐV thể thao thành tích cao, nhưng trên thực tế, VĐV Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ăn no, tẩm bổ chứ chưa đi sâu phân tích vào việc nạp năng lượng như thế nào cho phù hợp với từng thể trạng.
Ông Phạm Hoàng Tùng, Trung tâm Huấn luyện VĐV trẻ quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, TTVN cần ứng dụng công nghệ trong việc tính toán và quản lý khẩu phần ăn. Nhiều ứng dụng di động hiện nay cho phép người dùng nhập thông tin cá nhân, mục tiêu thể chất, sau đó gợi ý và theo dõi lượng calo, thành phần dinh dưỡng hằng ngày. “Lợi ích của các công nghệ là tính toán một cách chuẩn xác lượng calo tiêu thụ-nạp vào hằng ngày một cách tự động, chi tiết, chính xác thay vì ghi chép thủ công. Tuy nhiên, hạn chế là một số ứng dụng yêu cầu trả phí, thiết bị đeo đắt tiền nên VĐV khó tiếp cận”, ông Phạm Hoàng Tùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó cục trưởng Cục Thể dục TTVN, sau khi xác định “3 trọng điểm”, chúng ta cần xây dựng hệ thống đào tạo VĐV từ sớm, phát hiện và đào tạo tài năng từ lứa 6-10 tuổi theo mô hình học viện thể thao, thuê chuyên gia giỏi các môn thể thao trọng điểm; liên kết với các công ty, tổ chức chuyên nghiên cứu về công nghệ, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu trong huấn luyện và thi đấu, xây dựng phòng tập công nghệ cao tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; cần tạo cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho thể thao, hợp tác với các học viện thể thao quốc tế để nâng cao chất lượng huấn luyện...