Thể thao Việt Nam chuẩn bị gì cho SEA Games 33?
Thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn tại SEA Games 33 ở Thái Lan - đối thủ lớn nhất trong khu vực. Cùng với đó, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cũng là những đối thủ mạnh, được đầu tư bài bản, khoa học.
Tại SEA Games 33 ở Thái Lan lần này, nhiều môn thế mạnh của Việt Nam không nằm trong chương trình thi đấu chính thức, hạn chế số lượng vận động viên (VĐV) tham gia nên việc đạt chỉ tiêu huy chương mà đoàn TTVN đặt ra là một áp lực.
Dự kiến, đoàn TTVN tham dự SEA Games 33 với hơn 1.000 thành viên, gồm các VĐV, huấn luyện viên, cùng với các chuyên gia, cán bộ và y, bác sĩ, tranh tài ở 45/66 môn và phân môn thể thao. Trong đó có 40 môn được chi trả từ ngân sách nhà nước và 5 môn theo nguồn xã hội hóa (Billiards, Trượt băng nghệ thuật, Thể thao điện tử, Bóng chày và mềm - Baseball & Softball, Võ thuật tổng hợp).
Được biết, đoàn TTVN sẽ chia ra 3 nhóm: Nhóm 1 (mũi nhọn tranh HCV) bao gồm các môn thế mạnh truyền thống như: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Vật, Taekwondo, Karate, Cử tạ, Đấu kiếm, Canoeing và Đua thuyền truyền thống, Thể dục dụng cụ, Boxing, Judo, Jujitsu, Bi sắt, Wushu, Muay, Rowing, Xe đạp, Cờ vua, Bắn cung, Pencak Silat, Bóng bàn, Thể dục Aerobic, Thể thao phối hợp, Bóng đá, Bóng chuyền trong nhà, Golf, Bóng ném, Bóng rổ 3x3, Cầu mây.
Nhóm 2 (có khả năng giành huy chương) bao gồm: Quần vợt, Bóng rổ 5x5, Nhảy cầu, Thể dục nghệ thuật, Cầu lông, Bóng chuyền bãi biển, Sailing, Bowling, Roller.
Nhóm 3 (xã hội hóa) bao gồm Billiards, Trượt băng nghệ thuật, Thể thao điện tử, Baseball & Softball, MMA.
Hiện nay, các đội tuyển thể thao có mặt tại Trung tâm đang thực hiện đúng theo kế hoạch, có sự ổn định về lực lượng, hướng tới các giải quan trọng. Trung tâm cũng đang tổ chức tập huấn cho hơn một nghìn thành viên của 43 đội tuyển (32 đội tuyển quốc gia, 11 đội tuyển trẻ), hướng tới mục tiêu trọng tâm là SEA Games 33.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao quốc gia Nguyễn Anh Minh cho biết, việc tập luyện có nhiều khởi sắc nhưng cần làm tốt hơn, trang thiết bị tập luyện cho các đội tuyển dù đã triển khai sớm hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch tập huấn của các đội tuyển.
Việc cung cấp suất ăn cho các đội tuyển đã được triển khai và mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, vẫn cần hoàn thiện về phương thức thực hiện. Thực phẩm chức năng đã được cung cấp cho các đội tuyển. Đối với một số đội đang tập luyện ngoài Trung tâm thì vẫn chưa thể tiến hành việc tổ chức bếp ăn riêng theo phương thức mới. Trung tâm cũng đang có dự án sửa chữa nhà ở cho VĐV và cần phải có sự phối hợp với địa phương để bảo đảm kế hoạch huấn luyện… Năm 2026, Trung tâm đề nghị được cải tạo sân điền kinh và cải tạo nhà bắn thành phòng tập thể lực.
Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh trong lần thăm Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao quốc gia đề nghị: “Rà soát lại lực lượng VĐV, xác định nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp để khắc phục khó khăn, bảo đảm chuẩn bị được lực lượng tốt nhất, chất lượng nhất, bảo đảm chỉ tiêu tại các giải quốc tế. Xây dựng kế hoạch dài hạn cho các VĐV, đặc biệt là các VĐV trọng điểm. Thành tích của TTVN ở đấu trường ASIAD và Olympic gần đây đang rất khó khăn. Do đó, ban huấn luyện các đội tuyển phải nhìn nhận vào thực tế này để xây dựng kế hoạch, tối ưu hóa hiệu quả huấn luyện, nâng cao thành tích”.
SEA Games 33 tại Thái Lan vào cuối năm 2025 không chỉ là một sự kiện thể thao khu vực mà còn là cột mốc quan trọng để TTVN khẳng định vị thế, tiếp nối những thành công đã đạt được tại 2 kỳ SEA Games gần đây.