Thế lực nào đứng sau một số vụ nổ tàu chở dầu từng cập cảng Nga?
Những sự cố xảy ra gần đây với một số tàu chở dầu từng cập vào cảng Nga bị nhận xét là hành vi phá hoại có chủ đích.

Vào ngày 27/6, tàu chở dầu Vilamoura có trọng tải 158 nghìn tấn, đang chở khoảng 1 triệu thùng dầu thô đã bị hư hại nghiêm trọng sau một vụ nổ ngoài khơi bờ biển Libya.

Thủy thủ đoàn ngay lập tức thông báo về việc có vụ nổ trên tàu khiến phòng máy bị ngập nước, hãng tin Bloomberg cho biết sau khi tham khảo một đại diện của công ty sở hữu con tàu.

Theo ghi nhận ban đầu, không có sự cố tràn dầu do vụ nổ gây ra và tất cả các thành viên thủy thủ đoàn đều an toàn. Chiếc Vilamoura hiện đang được kéo đến Hy Lạp, nơi mức độ thiệt hại và nguyên nhân vụ nổ sẽ được đánh giá kỹ lưỡng.

Đáng chú ý là chiếc tàu chở dầu này đã ghé các cảng của Nga hai lần kể từ tháng 4/2025, trong đó một lần tại Ust-Luga và vào tháng 5/2025 neo đậu tại trạm tiếp nhận của tuyến đường ống Caspian gần Novorossiysk.

Điều đặc biệt nhấn mạnh - đây đã là tàu chở dầu thứ 5 ghé qua các cảng của Nga phát nổ trong năm 2025. Trước đó sự cố xảy ra với những tàu Seajewel (treo cờ Malta), Seacharm (treo cờ Quần đảo Marshall), Grace Ferrum (treo cờ Liberia), Kola (treo cờ Antigua & Barbuda).

Truyền thông cho biết thêm, 3 trong số những tàu chở dầu nói trên bị hư hại do các vụ nổ ở biển Địa Trung Hải chỉ trong vòng một tháng, điều này khiến nguyên nhân sự cố kỹ thuật bị xếp dưới nhận xét hành vi phá hoại có chủ đích.

Mốc thời gian cụ thể như sau, vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 15/2 tại cảng ở miền Bắc Italia, vụ nổ gây ra lỗ thủng dài 1 mét trên thân, bên dưới mực nước của tàu chở dầu Seajewel mang cờ Hy Lạp.

Chưa dừng lại đây, vụ nổ khác xảy ra 20 phút sau đó, nhưng không gây thêm thiệt hại nào cho chiếc Seajewel. Khi đó con tàu đang neo đậu trước cảng Savona - Vado vào thời điểm xảy ra sự cố.

Vụ việc khác xảy ra vào cuối tháng 1/2025, vụ nổ bí ẩn đã làm hư hại tàu chở dầu Seacharm do Công ty Thenamaris vận hành, khi nó đến gần cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải.

Vụ việc tiếp theo xảy ra vào đầu tháng 2/2025 ngoài khơi bờ biển Libya khi chiếc Grace Ferrum - một tàu chở dầu treo cờ Liberia chở hóa chất và các sản phẩm dầu mỏ phát nổ, làm nó bị hư hại nặng nề.

Được biết sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng, các chủ tàu đã tiến hành kiểm tra kỹ phương tiện của họ khi cập cảng Nga để tìm thủy lôi thông qua thợ lặn và các phương tiện trinh sát dưới nước.

Theo các nguồn tin, ít nhất một cuộc điều tra đã diễn ra ở Nga, trong khi những động thái khác được tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới nhằm tìm ra nguyên nhân.

Trước tình hình trên, nhà khoa học chính trị Andrey Suzdaltsev - Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Trường Kinh tế Cao cấp cho rằng đây rất có thể là hành động phá hoại.

Ông Suzdaltsev bình luận: "Ukraine có thể bị quy trách nhiệm về vụ nổ tàu chở dầu Vilamoura, khi nó đang mang dầu của Nga tới Kazakhstan. Nhưng tôi không tin lắm vào sức mạnh của Hải quân Ukraine".

"Một hoạt động như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh. Những cường quốc như vậy bao gồm Mỹ, Anh và Pháp. Đặc biệt khi 'dấu vết NATO' có thể thấy khá rõ".

Nhưng tương tự vụ nổ đường ống dẫn khí North Stream 2, rất khó để quy kết thủ phạm khi thiếu bằng chứng khách quan và mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở những nghi vấn.