Thế hệ trẻ tri ân nhạc sĩ Văn Cao
'Én dệt trời xuân' là chương trình nghệ thuật nhằm tri ân nhạc sĩ Văn Cao, đồng thời lan tỏa những giá trị nghệ thuật trường tồn của ông đến với khán giả trẻ, được Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Chương trình hướng tới kỷ niệm 80 năm ca khúc “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (13-8-1945 / 13-8-2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 / 2-9-2025).
Những giai điệu quen thuộc trong liên khúc hát múa “Làng tôi” và “Ngày mùa” đã vang lên, mở ra không gian âm nhạc của Văn Cao làm say đắm người nghe. Tiếp đó, hoạt cảnh “Tiến về Hà Nội” tái hiện khoảnh khắc đất nước giành độc lập, thể hiện tinh thần cách mạng hòa quyện cùng âm nhạc. Bên cạnh đó, ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” được giới thiệu như giấc mơ cả đời của nhạc sĩ Văn Cao: “Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...”.

Các bạn trẻ hào hứng hát vang ca khúc “Tiến về Hà Nội” trong chương trình.
Chương trình lựa chọn hình ảnh cánh én làm biểu tượng chủ đạo, tượng trưng cho mùa xuân, sự khởi đầu và khát vọng tuổi trẻ. Với thông điệp “Dệt trời xuân bằng âm nhạc Văn Cao”, chương trình đã dẫn dắt khán giả đi qua một hành trình cảm xúc, từ tình yêu quê hương, khí thế kháng chiến đến khúc ca hồi sinh của dân tộc. Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng ban Truyền thông-nội dung của Dự án “Én dệt trời xuân” chia sẻ: “Có những giai điệu không cần thời gian để chứng minh giá trị, bởi ngay từ đầu, chúng đã là mạch nguồn. Chúng tôi mong muốn âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao không chỉ dừng lại ở một thời điểm lịch sử, mà tiếp tục hòa mình vào dòng chảy hiện tại và lan tỏa đến tương lai qua những cánh én của thế hệ hôm nay”.
Bởi vì thế mà “Én dệt trời xuân” không đơn thuần là tái hiện những tác phẩm cũ, mà là cách thế hệ trẻ “dệt” lại mùa xuân qua ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình, tạo nên một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Những giá trị đó được họa sĩ Văn Thao-con trai nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Trương Quý và Thiếu úy QNCN, ca sĩ Nguyễn Hữu Hoàng Sơn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) chia sẻ sôi nổi trong phần giao lưu với chủ đề “Đi tìm mùa bình thường mơ ước: Di sản âm nhạc Văn Cao qua lăng kính người trẻ”. Cuộc trò chuyện xoay quanh hành trình khám phá, tiếp cận và giữ gìn di sản âm nhạc Văn Cao. Các khách mời đều nhấn mạnh, di sản của nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn nguyên sức sống và hành trình “đi tìm” ấy là nỗ lực chủ động, đầy ý thức của người trẻ trong việc hiểu, yêu và lan tỏa những giá trị nghệ thuật bền vững.
Tại buổi giao lưu, họa sĩ Văn Thao không giấu được xúc động khi chứng kiến thế hệ trẻ hôm nay thể hiện sự trân trọng và sáng tạo trong việc tiếp nối di sản của nhạc sĩ Văn Cao. Ông chia sẻ, bản thân như được sống lại thời tuổi trẻ khi lắng nghe những ca khúc của cha mình được các bạn trẻ trực tiếp trình bày bằng tất cả sự say mê và tôn kính. Từ những di sản mà cha mình để lại, họa sĩ Văn Thao cũng gửi gắm thông điệp ý nghĩa: “Điều quan trọng nhất với thế hệ trẻ ngày nay không chỉ là học để biết mà còn là hành trình tìm kiếm chính mình, tìm ra giá trị riêng của bản thân. Khi các bạn có mơ ước, trải nghiệm, dấn thân và sáng tạo được những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng người khác thì chính lúc đó, giá trị cá nhân mới thực sự hình thành. Giống như những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao vẫn sống lâu trong lòng công chúng sẽ trở thành di sản. Giá trị của di sản trước hết nằm ở chính giá trị mà người nghệ sĩ đã dồn tâm huyết để tạo nên nó”.