Thế giới biến động phức tạp, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế.

Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp

Trong buổi họp báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 vào ngày 19/6, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế.

 Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh: VV)

Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh: VV)

Các yếu tố này tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH của nước ta năm 2024.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024.

Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, nằm trong khoảng 3-4%, khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung.

Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn.

Khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá, cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế, cần thúc đẩy hơn nữa để phát huy tiềm năng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng năm 2024.

Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip, bán dẫn… còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy.

Doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.

“Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ”, ông Tâm nói.

Về phía cầu, tiêu dùng trong nước 5 tháng mặc dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019; để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng thì cần tiếp tục có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước.

Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường thế giới; áp lực cạnh tranh gia tăng; rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.

Doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều.

Đầu tư tư nhân phục hồi chậm; tốc độ tăng vốn FDI đăng ký có dấu hiệu giảm dần qua từng tháng, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, kinh tế Việt nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như cung ứng điện vẫn là lo ngại lớn đối với doanh nghiệp FDI; nhu cầu sử dụng điện tái tạo của doanh nghiệp ngày càng lớn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường, giảm khí thải các-bon.

Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán…

“Thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta”, ông Tâm nói.

Tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn

Trước thực trạng này, ông Tâm cho rằng, để kinh tế tăng trưởng tích cực cần tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới.

 Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: VV)

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: VV)

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh; quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (sandbox).

Nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6-6,5%).

“Chúng tôi sẽ theo dõi, tham mưu các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia”, ông Tâm nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-bien-dong-phuc-tap-nam-ngoai-kha-nang-du-bao-cua-cac-nuoc-post299992.html
Zalo