Thể chế thông thoáng - dữ liệu sạch: chuyển đổi số cất cánh
Để chuyển đổi số trở thành nền tảng bền vững của chính quyền hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cần thay đổi thể chế, đầu tư hạ tầng dữ liệu và nâng cao năng lực con người, trong đó, dữ liệu đóng vai trò 'nền móng sống' để phục vụ người dân tốt hơn.

Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa 2 cấp chính quyền địa phương". Ảnh: VGP.
Đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quan trọng là phải tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn thể chế, đặt biệt là đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tại Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa 2 cấp chính quyền địa phương" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đức Long đã nhận định, những quy định cũ hiện không còn đáp ứng được yêu cầu của mô hình quản trị mới mà chuyển đổi số tạo ra. Do đó, cần có "sandbox" (cơ chế thử nghiệm chính sách mới) để các địa phương, đặc biệt là xã, phường có thể mạnh dạn đổi mới.
"Hà Nội đang tiên phong triển khai sandbox và chúng tôi cam kết đồng hành để cụ thể hóa các cơ chế thử nghiệm, nhất là ở cấp cơ sở" - Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin.
Luật Chuyển đổi số đang được Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng được xem là bước đi mang tính chiến lược. Đây sẽ là hành lang pháp lý để các địa phương triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, hiệu quả. Cùng với đó, Nghị định 82 đang được sửa đổi để tháo gỡ rào cản trong đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, một nhu cầu cấp thiết của các địa phương.
Một trong 3 trụ cột then chốt được Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh là dữ liệu. "Chúng ta không thể nói đến chuyển đổi số nếu không có dữ liệu. Hiện cả nước mới hoàn thành 50% trong số 12 cơ sở dữ liệu trọng yếu" - Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN: "Đến cuối năm 2025, dự kiến 116 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành phải được đưa vào khai thác. Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương đặt ra yêu cầu cụ thể: 1.139 thủ tục hành chính phải thay thế hồ sơ giấy bằng dữ liệu số, cắt giảm chi phí cho người dân. Muốn vậy, dữ liệu phải đạt tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống và có thể chia sẻ".
Ở Hà Nội, công tác xây dựng nền tảng dữ liệu đang được quan tâm đặc biệt. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định: "Chúng tôi đang thiết kế lại quy trình với mục tiêu phục vụ người dân, thay vì yêu cầu người dân phục vụ quy trình hành chính. Tháng 9 hoặc 10 tới, Hà Nội sẽ khai trương Trung tâm Điều hành và Tính toán thông minh có tích hợp AI học sâu - một bước tiến giúp tăng khả năng tương tác và phục vụ hiệu quả hơn".
Cùng với đó, Hà Nội đã vận hành chatbot và tổng đài 19001009 hỗ trợ trên 74.000 lượt người dân, thể hiện quyết tâm chuyển đổi số không chỉ ở cấp Thành phố mà lan tỏa đến cấp phường.
Ở cấp cơ sở, phường Cửa Nam, TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tranh thủ hỗ trợ từ chuyên gia để chuẩn hóa nguồn dữ liệu chung. Việc này không chỉ giúp quản lý dân cư hiệu quả mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như đất đai, kinh doanh, kinh tế hộ cá thể…
"Khi dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống và được chia sẻ", chúng tôi có thể đơn giản hóa thủ tục, phục vụ người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn" - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm cho biết.

Robot AI hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Cửa Nam. Ảnh: Công Thọ.
Kiến tạo chính quyền số bắt đầu từ con người
Cả 3 cấp từ Trung ương, Thành phố tới phường đều thống nhất rằng, muốn chuyển đổi số thành công, người đứng đầu phải thực sự nhập cuộc. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long nhận định: "Nếu người đứng đầu không trực tiếp sử dụng kết quả chuyển đổi, không chỉ đạo sát sao, thì mọi nỗ lực chỉ là khẩu hiệu".
Chuyển đổi số không phải một dự án có điểm kết thúc, mà là quá trình cải tiến liên tục. Việc thiết kế lại quy trình, đầu tư nền tảng, xây dựng dữ liệu - tất cả cần được gắn liền với cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp, xã hội hóa đúng chỗ, hiệu quả. Theo ông Long, chính phủ có thể "ra đề bài" còn doanh nghiệp "giải bài toán" - mô hình đối tác công tư (PPP) cần được vận dụng linh hoạt và sâu sát hơn.
Đặc biệt, chuyển đổi số phải đi kèm với "bình dân học vụ số". Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, đây là ngôn ngữ thứ ba, bên cạnh tiếng Việt và ngoại ngữ - mà mọi công dân cần biết để sống và làm việc trên môi trường số. Điều này sẽ được tích hợp vào giáo trình phổ thông, đại học, và đào tạo lại cho đội ngũ công chức, viên chức hiện hành.
Theo bà Trịnh Ngọc Trâm - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, để chuyển đổi số được thì vai trò của con người là hết sức quan trọng, đó chính là cán bộ và người dân của phường.
"Trước hết, phường phải bám sát tinh thần chỉ đạo từ Trung ương tới Thành phố để tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức của phường triển khai, thực hiện đúng, tránh chồng chéo, tránh cùng một việc nhiều hệ thống, nhiều cách làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định phải hướng tới người dân. Bởi, vận hành bộ máy, triển khai việc chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số có thành công hay không thì vai trò của người dân cũng hết sức quan trọng" - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo phường, khi đặt robot AI tại phường Cửa Nam, ngoài việc để hỗ trợ cho điểm hành chính công thì đó cũng chính là một trong những việc để người dân phường Cửa Nam tiếp cận với công nghệ số, để người dân cảm thấy việc tiếp cận với công nghệ số là điều mới mẻ và thực sự có ích…
Chuyển đổi số không thể là khẩu hiệu hay phong trào. Để thật sự trở thành nền tảng cho một chính quyền hiện đại, đặc biệt trong mô hình 2 cấp, cần sự thay đổi đồng bộ từ thể chế, hạ tầng đến con người. Kinh nghiệm từ Hà Nội và phường Cửa Nam cho thấy: dữ liệu là nền móng, còn sự quyết tâm của người đứng đầu chính là "chìa khóa vàng" để chuyển đổi số đi vào đời sống một cách thực chất và bền vững.