Thấy gì từ vụ tiền đạo Hungary bị miệt thị ngoại hình ở EURO 2024

Martin Adam không phải cầu thủ duy nhất bị 'fat shaming'. Trong bóng đá, chứng sợ béo luôn được thể hiện một cách rõ ràng.

"Anh ấy trông như nhân viên bảo vệ hộp đêm".

"Đang nhậu thì bị gọi đi đá EURO".

"Kiểu này vào thở thôi, chứ đá gì".

Đó là những bình luận bên dưới các meme (nội dung chế) liên quan đến cầu thủ Martin Adam trong trận đấu vòng bảng giữa Hungary và Thụy Sĩ tại EURO 2024.

Thực tế, thành tích của Adam không hề tệ. Anh là một trong những câu thủ nước ngoài nổi tiếng nhất tại K League 1 của Hàn Quốc, từ khi gia nhập Ulsan HD vào năm 2022. Thế nhưng, nhiều người chưa từng xem Adam thi đấu đã vội vàng phán xét khả năng của anh chỉ vì vẻ bề ngoài được cho là "thừa cân".

 Martin Adam bị chế giễu ngoại hình.

Martin Adam bị chế giễu ngoại hình.

Chứng sợ béo và vấn đề fat shaming (miệt thị người thừa cân) vốn đã tồn tại trong đời sống hàng ngày, nhưng dường như có thể bị đẩy lên đến đỉnh điểm trong những môn thể thao như bóng đá. Ở thế giới túc cầu - nơi từ CĐV cho đến VĐV và cả HLV đều bị ám ảnh bởi những múi cơ của Cristiano Ronaldo hay bắp đùi săn chắc đến khó tin của Erling Haaland - những cơ thể đầy đặn, kém săn chắc cho thể bị quy đổi thành phong độ, kỹ năng, phẩm chất, bản lĩnh của cầu thủ.

Điều khoản hợp đồng kỳ lạ

Martin Adam hoàn toàn ý thức được sự chú ý quá mức của công chúng vào ngoại hình của anh.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, tiền đạo Hungary cho biết anh đã đọc một vài bài đăng liên quan đến mình sau trận đấu. "Tôi thường chỉ cười khi đọc chúng. Tôi sinh ra đã như vậy, đó là kiểu vóc dáng của tôi. Tôi không thể thay đổi các đặc điểm được di truyền. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói về vấn đề này", anh giải thích.

Adam không phải cầu thủ đầu tiên bị "fat shaming". Neymar từng phải lên tiếng chỉ trích những người chế giễu ngoại hình của anh trong thời gian hồi phục chấn thường hồi đầu năm nay.

"Người ngoài hành tinh" Ronaldo luôn bị gắn thêm chữ "béo" vào tên mình vì ngoại hình mũm mĩm hơn đa phần cầu thủ. Jan Molby bị CĐV lấy ngoại hình ra mạt sát nếu mắc sai lầm.

 "Người ngoài hành tinh" Ronaldo.

"Người ngoài hành tinh" Ronaldo.

Chứng sợ béo từ lâu đã khiến nhiều người gắn ghép vấn đề thừa cân với tính cách, thái độ sống của một cá nhân. Bạn có thể bị đánh giá là lười nhác, sống thiếu kỷ luật nếu thừa cân. Trong bóng đá, một thân hình to lớn, thiếu rắn chắc còn bị coi là thiếu kỹ năng và sự nhanh nhẹn cần thiết.

Để đảm bảo Neil Ruddock vẫn duy trì được phong độ ở giai đoạn cuối sự nghiệp, Crystal Palace đã tạo ra một trong những điều khoản hợp đồng lạ lùng nhất của thế giới bóng đá. Cựu chủ tịch CLB Simon Jordan viết trong cuốn tự truyện: "Harry Redknapp, HLV West Ham vào thời điểm đó, đã bảo tôi đưa ra điều khoản về cân nặng. Vì vậy, tôi quyết định phạt 10% giá trị hợp đồng mà chúng tôi đề xuất cho Neil nếu anh ấy vượt quá cân nặng khuyến nghị là 99,8 kg".

Jordan không quên nhấn mạnh: "Nhân tiện thì con số này (99,8 kg) vẫn rất lớn".

 Neil Ruddock được yêu cầu kiểm soát cân nặng khi còn thi đấu.

Neil Ruddock được yêu cầu kiểm soát cân nặng khi còn thi đấu.

"Câu lạc bộ béo"

Khi phong trào ủng hộ đa dạng cơ thể, chống body shaming lan rộng, việc gắn tên một người với chữ "béo" hay đưa vấn đề cân nặng vào hợp đồng làm việc hoàn toàn có thể bị chỉ trích mạnh mẽ.

Những tín hiệu tích cực cũng đang dần xuất hiện trong bóng đá. Hồi tháng 2, HLV Manchester City Pep Guardiola đã phải xin lỗi Kalvin Phillips vì body shaming cầu thủ.

Trước đó, Guardiola chỉ trích tiền vệ người Anh thừa 1,5 kg khi trở về từ World Cup 2022 ở Qatar. Phillips tiết lộ những bình luận đó "đánh thẳng vào sự tự tin", ảnh hưởng rất lớn đến anh.

 Pep Guardiola đã phải xin lỗi Kalvin Phillips.

Pep Guardiola đã phải xin lỗi Kalvin Phillips.

"Sau World Cup có lẽ là thời điểm khó khăn nhất, khi Pep bước ra và nói rằng tôi thừa cân. Ông ấy đã đúng khi làm như vậy nhưng có nhiều cách khác để thực hiện điều đó. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự tự tin của tôi và cảm giác của tôi ở City. Gia đình tôi cũng không hài lòng về chuyện này, đặc biệt là mẹ tôi", Phillips nói.

Guardiola cho biết đây là lần duy nhất ông mắc sai lầm như vậy từ khi đến Man City. "8 năm một sai lầm, không quá tệ, nhưng tôi xin lỗi. Tôi thực sự xin lỗi cậu ấy (Phillips)", HLV cho biết.

Trong bóng đá nữ, sự phản đối fat shaming cũng đang lan rộng. Trong một bộ phim tài liệu của CLB Chelsea, Fran Kirby nói rằng cô thường mặc áo khoác vì "luôn bị nói là béo".

HLV Emma Hayes hoan nghênh sự cởi mở của Kirby và cho rằng đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá ngoại hình cầu thủ. "Các phương tiện truyền thông cần lưu ý đến những bất an có thể xảy ra khi body shaming người khác. Các cầu thủ cảm nhận được điều đó và tôi tự hào khi Fran đã nói ra".

Hayes tin rằng Kirby không phải cầu thủ duy nhất gặp vấn đề này. "Một lần nữa, tôi luôn kêu gọi mọi người lưu ý đến điều đó, bởi vì chúng ta đang hủy hoại người khác bằng việc body shaming".

Fara Williams, cầu thủ khoác áo đội tuyển Anh nhiều nhất, khẳng định áp lực về hình ảnh cơ thể dành cho nữ cầu thủ đang gay gắt hơn bao giờ hết và gây ra một xu hướng đáng báo động về sự coi thường người quá cân trong giới cầu thủ chuyên nghiệp.

Nghiên cứu do Đại học Loughborough thực hiện cho thấy 36% trong số 115 cầu thủ ở giải bóng đá nữ hàng đầu nước Anh có các triệu chứng rối loạn ăn uống, trong khi 11% khác trải qua lo lắng ở mức độ từ trung bình đến nặng. 11% phải vật lộn với chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng.

"Thật sai lầm khi chúng ta chỉ chăm chăm vào một tỷ lệ mỡ cơ thể nhất định. Cầu thủ được kiểm tra tỷ lệ mỡ mỗi khi đến trại tập trung và nếu bạn không đạt được tỷ lệ mỡ quy định thì sẽ phải vào 'câu lạc bộ béo' (fat club). Riêng việc sử dụng cụm từ 'câu lạc bộ béo' trong thể thao chuyên nghiệp đã là điều điên rồ. Nhưng thực tế là thuật ngữ này còn được sử dụng rộng rãi tại một số câu lạc bộ lớn", Williams nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-vu-tien-dao-hungary-bi-miet-thi-ngoai-hinh-o-euro-2024-post1481636.html
Zalo