Thấy gì từ cuộc đối đầu giữa phòng không Israel và tên lửa đạn đạo Iran?
Dù đạt tỷ lệ đánh chặn cao, hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Israel vẫn phải đối mặt với áp lực tiêu hao lớn trước làn sóng tấn công dồn dập từ Iran trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày vừa qua.
Cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran trong tháng 6 vừa qua đã chứng kiến các trận không chiến song song chưa từng có. Một bên là cuộc đấu giữa các tiêm kích Israel cùng tên lửa tầm xa với hệ thống phòng không quy mô lớn nhưng lạc hậu của Iran. Bên còn lại là cuộc đọ sức giữa kho tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran với hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại và dày dặn kinh nghiệm chiến đấu của Israel.

Tên lửa phóng từ Iran vào Israel, nhìn từ Tubas ở khu Bờ Tây, ngày 14/6/2025. Ảnh: Reuters
Iran phát triển tên lửa, Israel xây dựng hệ thống đánh chặn
Tên lửa đạn đạo từ lâu đã là lựa chọn hấp dẫn đối với các lực lượng quân sự không sở hữu ưu thế trên không hoặc thiếu khả năng tấn công tầm xa bằng máy bay có người lái. Khác với tên lửa hành trình hoặc UAV tự sát vốn bay chậm và ở độ cao thấp, tên lửa đạn đạo gần như không thể bị tiêm kích đánh chặn và chỉ có thể bắn hạ bằng những hệ thống phòng thủ tinh vi nhất.
Từ những năm 1990, Iran đã đầu tư phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) đủ sức vươn tới lãnh thổ Israel, với thời gian chuẩn bị phóng rút ngắn và độ chính xác cải thiện đáng kể. Từ một kho vũ khí khiêm tốn, đến những năm 2020, Iran được cho là sở hữu ước tính từ 2.000 đến 2.500 tên lửa loại MRBM. Các dòng tên lửa nổi bật bao gồm Emad, Ghadr, Dezful, Khorramshahr-4 (hay còn gọi là Kheiber Shekan), cùng với các biến thể cũ hơn như Shahab-3 (dựa trên tên lửa Scud) và các phiên bản mới như Fattah-1 và Fattah-2 có khả năng cơ động trong giai đoạn bay cuối. Một số tên lửa còn được cho là có thể mang đầu đạn chùm.
Bên cạnh đó, Iran còn sở hữu một số lượng hạn chế tên lửa hành trình như Soumar và Paveh, cùng với hàng loạt UAV cảm tử tầm xa và UAV vũ trang mang tên lửa.
Trong khi đó, từ sau khi bị Iraq tấn công bằng tên lửa Scud vào năm 1991, Israel đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống phòng thủ nhiều lớp nhằm bảo vệ lãnh thổ khỏi các mối đe dọa tên lửa, phần lớn được phát triển chung với Mỹ. Nhờ diện tích nhỏ, Israel có thể triển khai hệ thống phòng không chồng lớp bao phủ khắp lãnh thổ tương đối dễ dàng.
Tầng thấp nhất và nổi tiếng nhất là Vòm Sắt (Iron Dome), được tối ưu hóa để đánh chặn rocket tầm ngắn, đạn pháo và UAV do Hamas hoặc Hezbollah phóng. Hệ thống này được hỗ trợ thêm bởi vũ khí laser Tia Sắt (Iron Beam) và các cảm biến khác.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, ngày 8/10/2023. Ảnh: Reuters
Tầng trung bao gồm hệ thống David’s Sling – thay thế cho Patriot do Mỹ cung cấp – sử dụng tên lửa Stunner để đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Israel còn triển khai hệ thống phòng không Barak trên mặt đất và tàu chiến – một lựa chọn nội địa, chi phí thấp hơn và tầm bắn ngắn hơn David’s Sling. Trong tháng 6, hệ thống Barak đã được sử dụng để đánh chặn UAV Iran.
Tầng cao nhất là Arrow-2 và Arrow-3 – có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, thậm chí tầm xa hoặc xuyên lục địa. Hai hệ thống này được hỗ trợ bởi radar cảnh giới cực mạnh thuộc dòng Green Pine, đảm nhiệm cảnh báo sớm và dẫn bắn.
Ngoài ra, Mỹ cũng triển khai một khẩu đội Patriot và một khẩu đội THAAD tại Israel – trong đó THAAD được thiết kế riêng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung.
Iran phóng hàng trăm tên lửa, Israel đẩy lùi phần lớn
Năng lực đánh chặn của Israel được thử nghiệm lần đầu vào tháng 4 và tháng 10/2024 khi Iran tiến hành 2 đợt tập kích quy mô lớn bằng tên lửa và UAV. Với sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh, Israel đã đánh chặn khoảng 80% số tên lửa, thiệt hại thực tế ở mức tối thiểu – chủ yếu là một số đường băng bị đánh trúng.
Sau khi Israel bất ngờ tấn công Iran vào ngày 13/6, không quân nước này đã tìm cách làm tê liệt lực lượng tên lửa Iran bằng cách phá hủy các bệ phóng di động cũng như kho tên lửa ngầm – bao gồm cả việc đánh sập các lối ra vào đường hầm. Chi phí để phá hủy tên lửa khi còn nằm trong kho rẻ hơn rất nhiều so với khi chúng đã được phóng.
Quân đội Israel sau cuộc chiến tuyên bố đã phá hủy “hàng trăm” quả tên lửa và 50% số bệ phóng của Iran, tương đương khoảng 180 bệ phóng theo ước tính trước đó.
Tuy không thể tổ chức các đợt tập kích phối hợp quy mô lớn như trước, Vệ binh Cách mạng Iran vẫn phóng được khoảng 530–550 tên lửa đạn đạo về phía Israel. Trong số này, ít nhất 31 tên lửa rơi gần mục tiêu quân sự hoặc khu dân cư, một số khác rơi xuống vùng không có người ở. Không rõ Iran có sử dụng tên lửa hành trình trong đợt tấn công tháng 6 hay không.

Tên lửa siêu thanh Fattah (bên phải) và tên lửa đạn đạo Kheibar Shekan của Iran trong một cuộc diễu binh tháng 9/2024. Ảnh: NurPhoto/Getty
Một số tên lửa được cho là đã trục trặc khi phóng hoặc bay sai hành trình, nhưng tỷ lệ thất bại có thể thấp hơn nhiều so với các cuộc tập kích trước đó. Điều này cho thấy Iran đã rút kinh nghiệm từ các sai sót trong năm 2024.
Theo blog Arms Control Wonk, các đoạn video thu được cho thấy Israel đã sử dụng ít nhất 34 tên lửa Arrow-3, 9 tên lửa Arrow-2, và 39 tên lửa THAAD của Mỹ. Trong đó, Arrow-3 được khai hỏa chủ yếu vào đêm đầu tiên, còn THAAD được sử dụng từ ngày 15 đến 19/6.
Đáng chú ý, cả David’s Sling và thậm chí Vòm Sắt, vốn không thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng được ghi nhận đã tiêu diệt một số mục tiêu. Một đoạn video cho thấy tên lửa Tamir của Vòm Sắt với tốc độ thấp hơn vẫn có thể chuyển hướng kịp để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao xuống mục tiêu.
Ngoài ra, một số mảnh vỡ cho thấy tên lửa SM-3 của Mỹ cũng được phóng từ tàu chiến để bảo vệ Israel.
Tương tự đợt tập kích tháng 4/2024, cuộc tấn công bằng UAV lần này (ước tính tới 1.100 chiếc) cũng không hiệu quả – chỉ một UAV lọt vào khu vực dân cư. Phần còn lại bị tiêm kích, tên lửa mặt đất và tác chiến điện tử tiêu diệt hoặc rơi trước khi đến mục tiêu. Tuy nhiên, những đợt UAV này có thể vẫn đóng vai trò đánh lạc hướng, buộc Israel phải tiêu tốn tên lửa đắt tiền.
Không quân Israel tuyên bố đã bắn hạ 90% số tên lửa. Chuyên gia Fabian Hoffman ước tính khoảng 420 - 470 quả tên lửa Iran bị đánh chặn, cho thấy Israel đã cải thiện tỷ lệ đánh chặn so với năm 2024. Ông cho rằng Israel đã áp dụng chiến thuật “bắn - quan sát - bắn lại”, trong đó việc đánh chặn thất bại ban đầu có thể cung cấp dữ liệu cho lần đánh chặn thứ hai ở tầng thấp hơn.
Cuộc chiến tiêu hao tên lửa
Mặc dù Israel phòng thủ hiệu quả, cuộc chiến tên lửa vẫn đặt ra bài toán tiêu hao nghiêm trọng. Kho tên lửa MRBM của Iran nhiều khả năng vượt xa số lượng tên lửa đánh chặn như Arrow-2, Arrow-3 mà Israel sở hữu, vốn có chi phí rất đắt đỏ và sản lượng hạn chế.
THAAD có giá tới 12 triệu USD/quả, trong khi cả năm Mỹ chỉ sản xuất 32 quả, thấp hơn số lượng 39 quả đã tiêu hao trong 12 ngày chiến sự. Các tên lửa Arrow cũng có giá vài triệu USD/quả.
Nếu cuộc chiến kéo dài, Israel có thể cạn kiệt tên lửa đánh chặn tầng cao. Để tiết kiệm đạn, Israel chủ động bỏ qua một số tên lửa không đe dọa khu dân cư. Đồng thời, việc phá hủy bệ phóng của đối phương ngay từ đầu giúp kéo dài thời gian phòng thủ cho Israel.
Phía Iran cũng áp dụng chiến thuật tương tự khi tấn công vào các căn cứ không quân Israel và kho hậu cần. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy máy bay Israel bị phá hủy trong chiến dịch này.
Dù cuộc chiến kết thúc trước khi kho đạn Israel cạn kiệt, nó một lần nữa cho thấy: phòng thủ tên lửa đạn đạo là nhu cầu ngày càng cấp thiết – nhưng cũng là cuộc đua cực kỳ tốn kém và thiếu hụt về năng lực sản xuất toàn cầu.