Thắp ánh sáng tri thức cho người cai nghiện

Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai từ Sở LĐ-TB&XH từ ngày 1/3/2025, Công an Bạc Liêu đã có những cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức quản lý, giáo dục, chăm sóc và điều trị cho các học viên tại cơ sở cai nghiện. Trong đó, có tổ chức các lớp xóa mù chữ cho học viên đang cai nghiện, góp phần thắp lại ánh sáng tri thức cho họ sau khi cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện tại, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang chăm sóc, điều trị cho hơn 460 học viên. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ từ Sở LĐ-TB&XH, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh nhanh chóng tiếp cận, bắt nhịp ngay vào công việc, tiếp quản cơ sở vật chất và con người; triển khai hoạt động theo mô hình mới, đảm bảo mọi hoạt động tại cơ sở cai nghiện diễn ra bình thường, không bị gián đoạn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Xác định việc biết đọc, biết viết có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp học viên có vốn từ cần thiết để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống mà còn nâng cao hiệu quả trong việc học tập, nghiên cứu các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy, giúp học viên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ban Chỉ huy Cơ sở cai nghiện tiến hành rà soát toàn bộ học viên, qua đó có 62 học viên chưa biết chữ. Đây là những học viên có hoàn cảnh rất khó khăn, độ tuổi từ 18 đến 46, không có cơ hội đi học từ nhỏ. Trên cơ sở đó, đã tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ cho các học viên ngay tại cơ sở.

CBCS cơ sở cai nghiện dạy nghề may cho học viên.

CBCS cơ sở cai nghiện dạy nghề may cho học viên.

Thượng tá Nguyễn Tấn Đạt, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Bạc Liêu cho biết: "Bên cạnh việc tổ chức quản lý, giáo dục, chăm sóc và điều trị cho các học viên như trước đây, chúng tôi tăng cường siết chặt điều lệnh nội vụ, tổ chức chào cờ đánh giá tình hình, kết quả hoạt động hàng tuần. Đặc biệt, chú trọng công tác giáo dục, không chỉ về hướng nghiệp mà còn khai giảng các lớp xóa mù chữ để cho học viên sau khi cai nghiện thành công có thể biết viết, biết đọc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm, phòng ngừa tái nghiện". Lớp học được giảng dạy theo chương trình xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT quy định.

Những cán bộ, nhân viên tại cơ sở chưa từng bước lên bục giảng, nhưng khi được phân công dạy lớp xóa mù chữ, dù biết rất khó khăn do học viên là những người lớn tuổi, lần đầu tiếp cận con chữ nên khả năng tiếp thu còn hạn chế, có học viên chỉ biết nói tiếng dân tộc mình… song cán bộ, nhân viên đã tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi các kỹ năng giảng dạy trên mạng internet để có những phương pháp dạy dễ hiểu nhất cho học viên. Đồng thời luôn dành sự quan tâm nhiều hơn, khen ngợi kịp thời để tạo không khí vui vẻ trong lớp học.

Học viên Kim Phát Đạt xúc động: "Hồi nhỏ nhà nghèo, tôi đi làm thuê để kiếm sống, rồi cuộc đời sa vào nghiện ngập. Thời gian trôi qua, tưởng rằng cuộc đời cứ thế mãi cho đến khi vào đây, được các cán bộ cầm tay chỉ dạy từng con chữ. Biết đọc, biết viết khiến tôi cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc. Giờ đây tôi có thể viết được tên mình, mong một ngày không xa tôi sẽ đọc được giấy tờ, tiếp cận các dịch vụ xã hội, để tự tin tái hòa nhập cộng đồng".

Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị cho các học viên, CBCS còn đặc biệt quan tâm tới công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện giúp học viên tiếp cận thêm nhiều ngành nghề, tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Với mục tiêu tất cả học viên sau khi điều trị cắt cơn, nâng cao thể trạng đều được tham gia học nghề và lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe.

Học viên Phạm Văn Xuân chia sẻ: "Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi được thăm khám, điều trị bệnh, chế độ ăn uống, lao động trị liệu đảm bảo theo đúng quy trình cai nghiện. Ngoài ra, chúng tôi còn được đến lớp học xóa mù chữ, sinh hoạt các chủ đề về đạo đức, trách nhiệm với gia đình và xã hội, tác hại của ma túy, luyện tập thể thao để rèn luyện sức khỏe và tập luyện thực hiện một số động tác điều lệnh đội ngũ. Tôi sẽ không ngừng nỗ lực, quyết tâm cai nghiện ma túy thành công. Sau khi hết thời gian cai nghiện, về cố gắng làm việc, bù đắp lại những lỗi lầm của mình gây ra".

Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Nhiều học viên còn tâm lý e ngại do lớn tuổi vẫn đi học, hoặc có phần mặc cảm, tự ti với chính mình. Tuy nhiên, với tình yêu nghề, trách nhiệm cao trong công việc, toàn thể cán bộ, nhân viên của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thường xuyên gần gũi, vừa dạy chữ, vừa tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng học viên để kịp thời giúp họ vượt qua những mặc cảm, khó khăn, có thêm động lực để bước tiếp trên hành trình từ bỏ ma túy sớm hòa nhập cộng đồng.

V.Đức - T.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/thap-anh-sang-tri-thuc-cho-nguoi-cai-nghien-i774671/
Zalo