Tháo nút thắt về vốn cho doanh nghiệp
Cuối năm được xem là thời gian cao điểm để các doanh nghiệp (DN) chạy nước rút cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu về vốn giai đoạn này vì thế cũng tăng mạnh. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều dư địa tín dụng như hiện nay, việc tận dụng nguồn vốn rẻ sẽ là cơ hội giúp DN bứt tốc trong tháng còn lại của năm nay và tạo đà tăng trưởng cho năm 2025.
Thêm vốn, giảm lãi suất
Vốn là một đòn bẩy quan trọng giúp DN thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh. Năm mới đang cận kề, DN phải chuẩn bị nguồn vốn lớn để nhập nguyên, vật liệu, tăng cường năng lực sản xuất nhằm đáp ứng sức mua tăng cao của thị trường.
Ông Đinh Bình Minh, Công ty CP Năng lượng sinh học Huế đề xuất, trong bối cảnh DN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, DN rất cần những nguồn vốn ưu đãi có tính chuyên biệt dành cho từng ngành nghề cụ thể để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài những gói tín dụng ngắn hạn, các ngân hàng cần triển khai nhiều hơn cho các gói trung và dài hạn để giảm bớt các áp lực tài chính cho DN.
Ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, hầu hết các DN trên địa bàn là DN nhỏ và vừa, quy mô, năng lực hạn chế, vì thế, việc tiếp cận và đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách tín dụng sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra cơ hội cho DN từ các địa phương trong và ngoài nước đến Huế đầu tư, điều này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh cho các DN địa phương.
Vì thế, DN cần thêm nhiều sự hỗ trợ về tháo gỡ cơ chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là cơ chế tiếp cận tín dụng để thúc đẩy phát triển thị trường, nâng tầm thương hiệu.
Hiệp hội DN tỉnh mong muốn, các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, xây dựng nhiều hơn các cơ chế, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi dành cho DN. Các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN cũng cần chú trọng nhiều hơn vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị và đi vào cuộc sống. Đồng thời, các hoạt động phối hợp với các sở, ngành, hội, hiệp hội để gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn của DN cũng cần được tổ chức nhiều hơn, cũng như đa dạng các kênh tiếp cận nguồn vốn cho DN...
Dư địa cho vay lớn
Điều kiện thuận lợi cho các DN trong thời điểm hiện nay là mặt bằng lãi suất cho vay đang khá “mềm”. Khảo sát mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phổ biến bình quân chỉ từ 4%-6%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân từ 7%-10%/năm. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên, gói tín dụng ưu đãi được áp dụng mức lãi suất chỉ từ 2,5%-4%/năm.
Có thể nói, mặt bằng lãi suất được các ngân hàng duy trì ở mức thấp đã góp phần đẩy vốn vào nền kinh tế, qua đó hỗ trợ tích cực đà phục hồi. Cá biệt có nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn mức lãi suất huy động của kỳ hạn 12 tháng. Trong đó, Agribank triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho DN ở lĩnh vực nông, thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu với lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng; 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho DN ở lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn triển khai các hình thức cho vay đa dạng từ cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền, các giải pháp tín dụng xanh…
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng đạt 81.100 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2023. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Có thể thấy, dư địa tín dụng từ đây đến cuối năm vẫn rất lớn. Vì thế, các ngân hàng cũng đang chạy đua cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đẩy vốn vào nền kinh tế, đồng thời triển khai nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN trong tháng còn lại của năm.
Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho rằng, khả năng tiếp cận tín dụng thấp một phần xuất phát từ DN. Vì thế, DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, có định hướng chiến lược kinh doanh, xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; nâng cao khả năng quản trị tài chính hiệu quả, phù hợp; tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm, mở rộng thị trường; sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực; đa dạng hóa nguồn vốn để hoạt động của DN ổn định và phát triển.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, đầu tư tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên cũng như những ngành nghề mũi nhọn của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ phối hợp tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng, DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn và có hướng xử lý kịp thời.