Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm
Sáng nay (11/12), Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên thảo luận, tranh luận với không khí sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và đúng trọng tâm; hàng loạt vấn đề 'nóng' được đại biểu tham gia và chủ tọa kỳ họp trao đổi, thông tin, định hướng các nội dung.
Đại tá Nguyễn Quang Hà, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, phát biểu về công tác chống IUU tại Cà Mau; nêu thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp cho rằng: “Tuyên truyền, giám sát là câu chuyện không phải mới đối với công tác chống IUU. Tỉnh Cà Mau đã làm rất quyết liệt, bài bản, rất nhiều giải pháp, song đã đến thời điểm xử lý nghiêm các vi phạm IUU, không để một vài người ảnh hưởng đến cả tỉnh, cả nước.
“Phải tạo điều kiện, giải pháp để bà con khai thác hợp pháp, đảm bảo đời sống của ngư dân. Trước hết, bà con phải nghiêm túc chấp hành pháp luật, đặc biệt là pháp luật quốc tế. Đề nghị các ngành chức năng, các địa phương, các đồng chí làm ráo riết, chấm dứt tình trạng này và xử lý thật nặng, thật nghiêm các vi phạm”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải lưu ý.
Đại biểu Huỳnh Xuân Diện nêu câu chuyện về nghề nuôi tôm tại Cà Mau. “Thực tế, ngành hàng tôm ở Cà Mau chưa xứng tầm với diện tích, kỳ vọng”, đại biểu Diện chia sẻ. Đánh giá nguyên nhân thực trạng, đại biểu cho rằng môi trường, nguồn nước ô nhiễm; nguồn giống chưa đảm bảo chất lượng; thói quen canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu, chi phí cao, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật... đã dẫn đến ngành hàng tôm chịu nhiều rủi ro, bấp bênh; người nuôi tôm chật vật bám trụ.
“Xem xét thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm chi phí, tăng năng suất là câu chuyện không thể chậm, không thể chần chừ được nữa”, đại biểu Diện tâm huyết. Chủ tọa kỳ họp cho rằng: “Thực tế, bà con vẫn chưa mặn mà với các tổ hợp tác, hợp tác xã, chưa có ý thức tạo chuỗi giá trị của ngành hàng tôm, tự mình đẩy mình vào thế bất lợi. Rất mong muốn bà con lưu tâm đến các vấn đề của đại biểu đưa ra vì cuộc sống của chính bà con”.
Hòa thượng Thạch Hà trao đổi vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo của địa phương. Theo đại biểu, “với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc, tôn giáo đã đạt được những kết quả to lớn để chăm lo và phát triển đời sống; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo còn cao. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo cần được quan tâm hỗ trợ đầu tư, trùng tu. Đồng bào vùng dân tộc thiểu số cần hỗ trợ về nhà ở, vốn vay ưu đãi sản xuất. Công tác tôn giáo cần được quan tâm để các hoạt động đảm bảo đúng quy định pháp luật, đời sống tôn giáo trong Nhân dân lành mạnh, ý nghĩa”.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải đánh giá: “Đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tốt hơn, nhưng các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục nỗ lực quan tâm, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách để bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Trong đó có việc chăm lo đời sống tôn giáo, văn hóa tinh thần cho đồng bào. Điều này cần sự nỗ lực tự thân của đồng bào, trong đó chú tâm vào việc làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo việc học hành để cuộc sống ngày càng vươn lên”.
Đại biểu Nguyễn Phương Đông nêu vướng mắc ở công trình tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Vướng mắc các công trình được nêu bởi nhiều nguyên nhân, nhưng không chỉ là câu chuyện vướng mặt bằng mà cả tiến độ thi công và vai trò, trách nhiệm của đơn vị thi công. Sau kỳ họp, tỉnh sẽ tổ chức các tổ kiểm tra thực tế, nắm bắt hiện trạng, trách nhiệm của ai, vướng mắc ở đâu. Trước mắt là công trình lộ từ Khánh Hội về U Minh”.
Đại biểu Đặng Thùy Trang trao đổi về công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh công lập tại địa phương. Đánh giá những chuyển biến, nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, đại biểu Trang cho rằng, cơ sở y tế công lập cần quan tâm đến các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri hướng đến sự hài lòng, phục vụ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai các dự án đầu tư y tế, nguồn lực trong công tác chuyển đổi số, chế độ chính sách đối với nguồn nhân lực y tế công. Chủ tọa kỳ họp cho rằng: “Những đóng góp, kết quả đạt được của lĩnh vực y tế là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ. Vấn đề người dân cảm thấy phiền hà khi khám chữa bệnh là có, phải chấm dứt ngay tình trạng này”.
Đại biểu Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu những thách thức về biến đổi khí hậu, bối cảnh phức tạp của thị trường và những kết quả đạt được của các ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Cà Mau như tôm, lúa. Tuy nhiên, còn tình trạng nông dân chưa tuân theo lịch mùa vụ, sử dụng tài nguyên nước lãng phí, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún phức tạp tại vùng ngọt hóa.
Về công tác chống IUU, đại biểu Vũ thông tin, EU đã 4 lần lập đoàn thanh tra nhưng Việt Nam vẫn chưa được gỡ thẻ vàng. “Một tàu vi phạm thôi thì cũng đã khó gỡ thẻ vàng, công tác này vẫn tiềm ẩn nhiều biến số phức tạp. Do đó, ngư dân phải chấp hành nghiêm chống IUU, nhất là vi phạm ở vùng biển nước ngoài”, đại biểu Vũ nhấn mạnh.
Kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) của Cà Mau là chậm so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Toàn tỉnh có 63/82 xã đạt chuẩn NTM, chưa có huyện đạt chuẩn NTM. “Để đạt được mục tiêu 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 huyện NTM thì cần phải có sự nỗ lực rất lớn. Trong đó, người dân phải cùng đồng hành, tham gia, đóng góp nguồn lực vào quá trình xây dựng NTM. Bởi NTM là của dân, do dân, vì dân và mọi thành quả đều là Nhân dân thụ hưởng”, đại biểu Vũ chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại phát biểu tại nghị trường một số vấn đề liên quan đến các ý kiến thảo luận của đại biểu. Cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà năm 2024 đạt chỉ tiêu với 7,09% là kết quả quan trọng, nổi bật, tuy nhiên, ông Phạm Thành Ngại cho rằng: “Đời sống Nhân dân, hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn, chưa thật sự bền vững. Chất lượng tăng trưởng, phát triển toàn diện và bền vững cần nhiều giải pháp, mong cử tri tiếp tục đồng hành để tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ”.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Để triển khai quy hoạch tỉnh thì kế hoạch thực hiện phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về việc sử dụng tài sản công, hiện đã có nhiều quy định, tỉnh đôn đốc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc chống lãng phí và thời gian tới công tác này là nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng. Giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh quyết tâm đến cuối năm 2024 sẽ đạt được trên 90%. Một số nguyên nhân vướng mắc của tỉnh về tiến độ giải ngân đầu tư công là do nguyên nhân khách quan về hụt nguồn thu, nguồn vốn ODA giải ngân chậm”.
Trao đổi thêm về công tác chống IUU; công tác xuất khẩu lao động; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng chí Phạm Thành Ngại nhấn mạnh về một công việc quan trọng sắp tới của tỉnh Cà Mau: “Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo thống kê, tỉnh ta còn 4.400 căn. Mục tiêu là đến 8/2025 tỉnh Cà Mau phải kỳ quyết đạt được mục tiêu xóa hết 4.400 căn. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng đối tượng cụ thể sẽ có sự hỗ trợ cụ thể để đảm bảo công tác này thực chất, hiệu quả”.